Hòa cùng dòng chảy Tiếp sức đến trường, hơn 9 năm qua, có một "team học bổng" miệt mài kiếm tìm, xác minh hoàn cảnh đặc biệt của những học trò nghèo hiếu học và gửi đến đường dây nóng xin học bổng.
Người khởi xướng cho ý tưởng kết nối sinh viên nghèo vượt khó được học bổng Tiếp sức đến trường trợ sức là anh Đinh Quang Hoạch, 34 tuổi, hiện làm việc ở Hà Nội. Bắt đầu từ năm 2013, anh rong ruổi trên chiếc xe máy tìm đến những sinh viên nghèo ở quê nhà Hà Nam và các tỉnh lân cận. Hơn 9 năm sau, mạng lưới tìm kiếm ngày càng được mở rộng.
Song hành cùng mùa học bổng năm nay "team học bổng" đã kết nối với nhau qua hình thức trực tuyến để chia sẻ về cách thức hỗ trợ, kết nối, tìm kiếm các tân sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt giới thiệu đến báo Tuổi Trẻ.
Từ học bổng "Bạn tôi - người vượt khó" với việc giới thiệu tấm gương bạn khiếm thị ở Hải Phòng, anh Hoạch ngày gắn bó và kết nối với quỹ học bổng Tiếp sức đến trường cho đến ngày hôm nay.
Đến mỗi mùa học bổng, anh đều sắp xếp thời gian, công việc để đi "tiền trạm" trước khi gửi hồ sơ giới thiệu. Hễ tìm thấy bạn tân sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt, anh đều tự quay chụp, viết bài hoặc viết thư gửi về cho chương trình.
Nhưng càng về sau, số lượng tân sinh viên cần được giúp đỡ càng lớn dần lên, anh quyết định mở rộng mạng lưới tìm kiếm bằng cách kết nối các cựu "tân sinh viên" từng được nhận học bổng.
"Báo Tuổi Trẻ yêu cầu rất kỹ về hồ sơ cũng như tính chân thực của thông tin. Tôi rất tôn trọng điều đó, nên với mỗi hồ sơ, mỗi gương mặt giới thiệu tôi đều luôn cố gắng tìm hiểu kỹ càng. Nhưng về sau nhận thấy một mình sẽ làm không xuể, tôi bắt đầu giới thiệu cho mọi người cùng tìm hiểu, đồng thời chia sẻ cách thức xác minh, giới thiệu học sinh có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực vươn lên để xin học bổng" - anh Hoạch chia sẻ.
Nhờ mở rộng mạng lưới, những gương mặt tân sinh viên đặc biệt đã góp mặt trong "team học bổng" như chàng trai "vác đá, bán than" Bùi Trung Hiếu đỗ hai trường đại học, hai chị em Đặng Thị Vân và Đặng Thế Vang cùng đỗ Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Đinh Thị Thanh hiện là sinh viên năm cuối Trường ĐH Luật Hà Nội.
Theo chân quỹ học bổng suốt 5 năm qua, Đặng Thị Vân chia sẻ những bạn trẻ ở "team học bổng" đều có một điểm chung là xuất phát từ hoàn cảnh đặc biệt, nỗ lực vươn lên thay đổi cuộc sống. "Từ trái tim đến trái tim, đó chính là sự đồng cảm. Chúng tôi sẵn sàng quay lại, lan tỏa điều đó cho thế hệ tiếp theo", Vân bày tỏ.
Năm 2015, Vân được học bổng tiếp sức. Cô tân sinh viên nay đã trưởng thành tự tin đứng trên bục giảng, quả quyết nhờ học bổng ngày ấy đến đúng lúc, động viên đúng thời điểm đã giúp cô thay đổi cuộc đời.
Chẳng đợi thành công rồi mới quay lại trả ơn, mỗi ngày ngồi trên ghế giảng đường, Vân không ngừng truyền năng lượng tích cực đến những người xung quanh, trở thành cầu nối cho các bạn sinh viên biết đến quỹ học bổng Tiếp sức đến trường. Đồng thời tận tình xác minh từng hồ sơ để giới thiệu gương mặt tân sinh viên "chất lượng nhất".
Những lần tham gia tập huấn cho giáo viên tại các tỉnh, thành, cô còn cẩn thận in thêm poster chươnvg trình, các quỹ học bổng kèm theo đường link đăng ký để nhờ các thầy, cô giáo góp phần trở thành "mắt xích" quan trọng để học bổng vươn tới được các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Vân nhớ đến câu chuyện của Thái Hải Đăng (du học sinh ở Hàn Quốc) dù không phải là cựu sinh viên nhận học bổng nhưng vẫn tình nguyện xin gia nhập mạng lưới để được nối dài cánh tay trợ sức cho các tân sinh viên nghèo. Nay ở đất nước xa xôi nhưng Đăng đã kịp thời cập nhật thông tin về học bổng và đăng tải trên Facebook để lan tỏa rộng rãi đến cho nhiều người biết. "Châm ngôn sống của mình là giúp được ai thì giúp, giúp bằng hết tấm lòng" - Đăng quả quyết.
Từ Hà Nội vào TP.HCM tham gia chống dịch, anh Đinh Quang Hoạch tranh thủ thời gian nghỉ ngơi cùng "team học bổng" kết nối trực tuyến để khởi động cho mùa học bổng mới. Trong dịch COVID-19, dù mỗi người đang ở nhiều tỉnh, thành khác nhau như Hà Nội, TP.HCM, Hà Nam, Sơn La… đã sáng tạo trong cách thức hoạt động và chia sẻ với nhau về thông tin tìm kiếm các gương mặt tân sinh viên.
Mấy năm gần đây, công việc bận rộn nhưng anh Hoạch vẫn lặng lẽ làm "quan sát viên", đọc từng hồ sơ, hoàn cảnh giới thiệu đến quỹ học bổng Tiếp sức đến trường Anh cho rằng việc giới thiệu học bổng như một "bài test" về kinh nghiệm cũng như kỹ năng lắng nghe, cảm nhận và thấu hiểu. Những kỹ năng, kinh nghiệm trong xác minh hồ sơ, hoàn cảnh đã được anh truyền đạt đến sinh viên để mỗi người cùng chung tay giúp sức cho "team học bổng" vận hành trơn tru.
"Dõi theo các bạn nhiều năm qua, tôi nhận thấy ai cũng chững chạc, trưởng thành, năng động hơn trong học tập, hoạt động xã hội. Tôi tin rằng học bổng không chỉ giúp sức về mặt tài chính mà quan trọng hơn cả là giúp các bạn tự thay đổi, tự làm mới mình, tìm được những công việc có ý nghĩa. Mỗi người một hoàn cảnh, suy nghĩ khác nhau nhưng tôi tin bằng cách này hay cách khác, các bạn sẽ hành động để thay đổi bản thân, sẻ chia với nhiều người khác trong xã hội" - anh Hoạch tâm tình.
Xem thêm: mth.27801850150011202-gnourt-ned-cus-peit-gnuc-yat-gnuhc-gnob-coh-maet/nv.ertiout