Sáng 5/10, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (Bộ NN-PTNT) chủ trì buổi họp báo về tình hình sản xuất nông nghiệp 9 tháng, kế hoạch quý IV năm 2021 và cả năm 2022.
9 tháng đầu năm 2021, ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như, dịch bệnh diễn biến phức tạp làm đứt gãy các chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông sản, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, xuất khẩu nông sản của nước ta. Nhiều nước gia tăng các biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc…gây khó khăn cho sản xuất, xuất nhập khẩu nông sản. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp. Biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, thiên tai dị thường, hạn hán và xâm nhập mặn tiếp tục tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống người dân.
Đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa đẩy mạnh sản xuất, ngành nông nghiệp đã nỗ lực vượt khó, giữ được nhịp tăng trưởng ấn tượng. Theo Tổng cục Thống kê, giá trị gia tăng (VA) quý III của Ngành tăng 1,04% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) tăng 2,83%, lâm nghiệp tăng 2,15%, thủy sản giảm 4,89%.
Nguyên nhân khiến cho xuất khẩu thủy sản giảm sâu được cho là bởi “thẻ vàng” của EC đối với lĩnh vực này của Việt Nam chưa được gỡ bỏ khiến cho kim ngạch xuất khẩu còn hạn chế. Về phương án tháo gỡ, Thủ tướng đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt trong Kết luận số 245, ngày 14/9 vừa qua nhằm sớm khắc phục tình hình.
Nhằm tăng cường xúc tiến thương mại và hợp tác quốc tế, tháo gỡ khó khăn, mở cửa thị trường xuất khẩu và tiêu thụ cho doanh nghiệp. Bộ đã thành lập 2 Tổ công tác đặc biệt, để chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, HTX,…thực hiện các giải pháp kết nối tiêu thụ nông sản.
Nhận định còn nhiều khó khăn trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung vào công tác chỉ đạo chi tiết, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh, xã hội của từng địa phương. Tăng cường giao dịch điện tử, phối hợp với các tập đoàn viễn thông, giao hàng chuyên nghiệp để tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản tham gia vào các sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội ngành hàng tập trung giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistic...khẩn trương khắc phục tình trạng ùn ứ hàng hóa.
Về đối ngoại, sẽ phối hợp chặt chẽ với các Tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường EU, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản,….
Năm 2022, toàn ngành tập trung thực hiện quyết liệt kế hoạch cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Quyết tâm đạt tốc độ tăng trưởng 2,8 - 3%/năm, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 45,5 tỷ USD.
Để đạt được những mục tiêu trên, Bộ NN-PTNT xác định, phải chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Triển khai Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số; đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn. Đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước EU theo Hiệp định EVFTA, trong đó, Nga là một thị trường tiềm năng cần chú ý. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế để thúc đẩy xuất khẩu qua sự phối hợp chặt chẽ với Tham tán thương mại, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại nước ngoài.