Các hiệp hội dẫn hướng dẫn từ Bộ Y tế (trong văn bản 8228), với các tỉnh thành có nguy cơ dịch rất cao thì người lao động có nguy cơ cao (lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia, tổ trưởng sản xuất…) hay người cung cấp dịch vụ trực tiếp cho doanh nghiệp (cung cấp nguyên vật liệu) không cần phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 định kỳ đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin (liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng (nếu có, chỉ khuyến khích, không bắt buộc).
Tuy nhiên, tại văn bản 3252, UBND TPHCM lại yêu cầu công nhân, chuyên gia do các doanh nghiệp tổ chức đưa đón hoặc tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân đến cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn TPHCM và ngược lại dù đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng vẫn phải bắt buộc "Có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính" (định kỳ 7 ngày/lần).
Các hiệp hội mong các chính sách của Nhà nước nhất quán để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh - Ảnh: FFA |
Đại diện của 4 hiệp hội cho hay, rất nhiều doanh nghiệp có nhà máy đặt tại các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh nên số lượng chuyên gia, lãnh đạo các phòng ban cùng công nhân của các doanh nghiệp thường xuyên di chuyển qua lại giữa TPHCM và các tỉnh mỗi ngày rất lớn. Hầu hết doanh nghiệp gặp áp lực rất lớn về tài chính và đang huy động toàn bộ nguồn lực để tái sản xuất, việc tiếp tục yêu cầu người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn phải xét nghiệm định kỳ 7 ngày/lần giống như trước đây là một sự lãng phí rất lớn nguồn lực vắc xin và nguồn lực của doanh nghiệp, người dân.
“Nếu không kịp thời điều chỉnh thì khả năng sẽ làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp là rất cao, việc giảm chi phí không cần thiết trong lúc này chính là hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp, người lao động ...”, đại diện bốn hiệp hội nêu ý kiến.
Nguyễn Cẩm