Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia (Trung tâm KTTVQG) cho biết, lúc 16 giờ chiều 5-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng 12,5 độ Vĩ Bắc; 117,2 độ Kinh Đông.
Với vị trí này, tâm ATNĐ cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 360km về phía đông đông bắc. Cường độ ATNĐ mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Dự báo trong 24-48 giời tới, ATNĐ di chuyển theo hướng tây tây bắc, tốc độ nhanh với 20-25km/giờ và có khả năng mạnh lên thành bão.
Đến 16 giờ ngày 7-10, tâm bão ở ngay trên vùng biển phía tây nam quần đảo Hoàng Sa. Lúc này, cường độ bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.
Vùng áp thấp đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trong chiều ngày 5-10. Ảnh: NCHMF
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 11,0 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 111,5 đến 119,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Do ảnh hưởng của ATNĐ, trên khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9; sóng biển cao từ 2,0-3,0m, biển động mạnh; khu vực Bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động mạnh; khu vực Nam Biển Đông có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, sóng biển cao từ 1,5-2,5m, biển động.
Chiều cùng ngày, Trung tâm KTTVQG cũng ban hành bản tin cảnh báo triều cường ven biển Nam bộ. Hiện đỉnh triều tại trạm Vũng Tầu đang có xu hướng tăng, mực nước quan trắc cao nhất tại trạm hải văn Vũng Tầu ngày 5-10 là 3,85m.
Dự báo đỉnh triều tại ven biển Nam bộ tiếp tục dâng cao từ ngày 7 đến 10-10. Độ cao mực nước triều tại Vũng Tầu trong đợt này có thể đạt 4,15m.
Cảnh báo do ảnh hưởng của triều cường, khu vực ven biển các tỉnh Đông Nam bộ và TP.HCM có khả năng ngập úng tại các vùng trũng thấp.