Sotheby's Hongkong vẫn đăng tải bức bình phong được cho là giả tác phẩm "Nhà tranh gốc mít" của Nguyễn Văn Tỵ trên website của mình, nhưng có kèm thông báo lô hàng đã được rút khỏi phiên đấu giá - Ảnh: T.ĐIỂU chụp màn hình
Trong mục thông tin về phiên đấu giá Modern Art Day ngày 10-10, Sotheby’s Hongkong vẫn đăng tải hình ảnh của bức bình phong, cùng những thông tin về tác phẩm trên trang web của mình.
Trong đó giới thiệu bình phong của Nguyễn Văn Tỵ, được vẽ năm 1957 (tên tiếng Pháp là L'image traditionnelle d'une maison de paysan), khổ 90 x 118,5cm, thuộc bộ sưu tập tư nhân tại Pháp, "tương đương" với bức sơn mài Nhà tranh gốc mít đang ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội.
Tuy nhiên, nhà đấu giá đã bỏ những thông tin chào hàng như thông tin về giá dự toán, và phần ghi chú của người bán hàng có ghi thông tin lô này đã được rút khỏi phiên đấu giá.
Từ Singapore, giám tuyển Ace Lê cũng thông báo trên trang Facebook cá nhân cho biết sáng 5-10, đại diện nhà đấu giá Sotheby’s đã liên lạc với ông để thông báo "Sotheby's đã nhận thức được về các nghi vấn xoay quanh tính xác thực của tấm bình phong Nhà tranh gốc mít của Nguyễn Văn Tỵ (lô 778, phiên Modern Art Day Sale, ngày 10-10-2021).
Sotheby's đề cao tính nghiêm trọng của những sự vụ về tính xác thực, và xin rút tác phẩm này khỏi phiên đấu giá, đồng thời sẽ tiến hành xác minh sau đó".
Thông tin này đã làm nức lòng giới họa sĩ và người yêu mỹ thuật Việt khi những đấu tranh với nạn tranh giả đang dần thu được kết quả.
Bức sơn mài Nhà tranh gốc mít của Nguyễn Văn Tỵ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Trước đó, như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, ông Ace Lê cùng một số họa sĩ Việt Nam và con gái họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ là bà Nguyễn Bình Minh đã tích cực lên tiếng trên mạng xã hội và truyền thông Việt Nam bày tỏ nghi vấn rõ ràng rằng bức bình phong mà Sotheby’s Hongkong đấu giá ngày 10-10 không phải tác phẩm của họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương (khóa XI) Nguyễn Văn Tỵ.
Bà Nguyễn Bình Minh - nguyên phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - khẳng định với Tuổi Trẻ Online rằng cha mình chỉ sáng tác một bức sơn mài Nhà tranh gốc mít (kích cỡ 67 x 105cm).
Bức sơn mài này từng bày ở Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1958. Năm 1960 thì chuyển giao về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và vẫn trưng bày ở đó cho tới nay. Với tác phẩm này, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II năm 2000.
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh cũng xác nhận thông tin này.
Chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online chiều 5-10 về động thái mới của Sotheby’s với bức bình phong "giả", bà Nguyễn Bình Minh cho biết bà đánh giá cao thái độ tiếp thu, cầu thị của nhà đấu giá.
Tuy thế bà cũng mong rằng việc thẩm định tranh, đặc biệt là của những họa sĩ đã qua đời cần được làm rất kỹ càng, thận trọng, tránh chuyện đưa tranh giả lên sàn đấu giá mua bán làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh tiếng của nghệ sĩ cũng như làm hỗn loạn thị trường mỹ thuật.
Bà cho biết, kể từ sau khi cha mình qua đời (năm 1992), thỉnh thoảng lại có những câu chuyện tranh giả Nguyễn Văn Tỵ khiến gia đình rất bức xúc.
Ngoài Sotheby’s rút bức bình phong "giả", cuối tháng 9, nhà đấu giá Lynda Trouve (Pháp) đã rút 3 bức tranh "giả" Bùi Xuân Phái dự định đấu giá ngày 16-10 khỏi trang web của họ, sau những "đánh tiếng" của họa sĩ Lê Huy Tiếp và bạn bè ông ở Pháp.
Bức tranh được các họa sĩ Việt cho là giả tranh Lê Phổ vẫn được giữ lại trên trang web, nhưng cũng giống như bình phong Nhà tranh gốc mít "giả", nó sẽ không được đấu giá trong phiên 16-10.
Xa hơn, giữa tháng 7-2020, sau khi nhận được phản hồi về các nghi vấn tranh giả gắn tên một số danh họa Việt Nam như Nguyễn Gia Trí, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, nhà đấu giá Tajan (Pháp) đã gỡ bỏ 5/6 bức tranh dự kiến đưa vào phiên đấu giá ngày 21-7 năm đó.
Tháng 9-2019, sau dư luận từ giới hội họa Việt Nam, Sotheby's gỡ khỏi trang web của họ 2 bức tranh được cho là tác phẩm Lá thư của Tô Ngọc Vân và Hai cô gái của Trần Văn Cẩn mà họ định đưa ra đấu giá.
TTO - Sotheby's Hongkong sắp đấu giá bức bình phong ‘tương đương với’ tác phẩm ‘Nhà tranh gốc mít’ của Nguyễn Văn Tỵ đang bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Lập tức con gái của họa sĩ lên tiếng khẳng định bức bình phong không phải của cha mình.