Là công nhân lao động trong ngành xây dựng, chị Chung mong muốn sớm hoàn thành 2 mũi tiêm. May mắn khi sau 8 tuần tiêm mũi 1, chị được trưởng khu phố nơi ở (khu phố 4, phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương) thông báo tiêm mũi 2. "Được tiêm 2 mũi tôi mừng lắm. Từ giờ có thể yên tâm đi làm rồi", chị nói.
Giống như chị Chung, trước khi tiêm, anh Nguyễn Tuấn Anh (Công ty TNHH Zeng Hsing Industrial) cho biết vừa vui lại vừa xen lẫn một chút lo lắng, hồi hộp. Nhưng đến lượt tiêm, anh thấy các y, bác sĩ sàng lọc rất kỹ các yếu tố nguy cơ nên phần nào ổn định được tinh thần.
Cầm giấy chứng nhận đã tiêm mũi 2 vaccine ngừa Covid-19 trên tay, anh thấy hoàn toàn khỏe mạnh và rất vui mừng. "Tôi thấy mình rất may mắn vì đã được tiêm đủ liều sớm. Mong cho mọi người đều được tiêm để dịch bệnh nhanh chóng bị đẩy lùi, cuộc sống trở về bình thường", anh Tuấn Anh chia sẻ.
Chị Chung, anh Tuấn Anh là hai trong số 1,2 triệu lao động của Bình Dương đã hoàn thành ít nhất một mũi vaccine. Số lượng công nhân, lao động có tay nghề này đang phân bổ trong khoảng 50.000 doanh nghiệp của tỉnh.
Bình Dương xác định tiêm chủng cho người lao động là một trong những yếu tố quyết định bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, bảo vệ sức khỏe người dân và nền kinh tế. Nhằm sớm khôi phục sản xuất, Bình Dương đang đẩy mạnh ưu tiên tiêm mũi 2 cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này. Nhờ đó, các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp có thể nhanh chóng phục hồi sản xuất trong thời gian tới. Điều này cũng sẽ giúp họ yên tâm ở lại Bình Dương để tiếp tục lao động, sản xuất, lập thân lập nghiệp trên quê hương thứ hai.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, đến cuối tháng 10, các doanh nghiệp sẽ quay trở lại hoạt động, nhiều doanh nghiệp đã đăng ký cần tuyển dụng lao động với số lượng lớn. Tỉnh có những quy định tạo điều kiện cho người lao động: người lao động đủ điều kiện lưu thông (đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine sau 14 ngày hoặc F0 khỏi bệnh trong vòng 6 tháng) được phép di chuyển tới các địa điểm làm việc và trở lại nơi ở, thay vì phải thực hiện "3 tại chỗ" như trước đây.
Riêng đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, không đảm bảo điều kiện sinh sống và làm việc trên địa bàn, thực sự có nguyện vọng về quê cần liên hệ với địa phương để được hỗ trợ.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều doanh nghiệp đông công nhân đang phải tạm ngừng hoạt động để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh. Chị Nguyễn Thị Luyến ở ấp Trảng Sắn, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, cho biết mặc dù đang phải thất nghiệp mấy tháng nay do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng phải cố gắng hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine càng sớm càng tốt.
"Tôi được tiêm 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 tại Trạm y tế xã Vĩnh Hòa. Sắp tới, khi doanh nghiệp hoạt động trở lại, tôi có thể yên tâm hơn để đi làm vì đã có lá chắn. Hầu hết những người được tiêm chủng đầy đủ như chúng tôi đều thấy phấn khởi và rất yên tâm", nữ công nhân cho hay.
Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, số ca nhiễm trong ngày từ đầu tháng 10 có dấu hiệu giảm nhanh, thấp nhất trong 2 tháng qua. Toàn tỉnh đã tiêm gần 2,2 triệu liều vaccine. 169 trạm y tế lưu động, trong đó có 21 trạm y tế lưu động trong khu, cụm công nghiệp được thành lập để hỗ trợ đẩy nhanh tiêm chủng.
Thành Dương