Theo tờ The National News, Châu Âu nhiều khả năng sẽ quay lại với những nguồn năng lượng bẩn như nhiệt điện chạy than trong bối cảnh thiếu khí đốt cho mùa đông băng giá sắp tới.
Trước đây, khí đốt vốn là nguồn nguyên liệu chính cho hoạt động sưởi ấm cũng như chạy máy phát điện cho nhiều nước ở Châu Âu. Chính phủ các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) muốn giảm khí thải nhà kính nên đã hạn chế sử dụng than đá mà chuyển sang những nguồn năng lượng sạch khác như gió, mặt trời. Dẫu vậy riêng khí dốt thì lại khó thay thế khi chúng là nguồn nguyên liệu sưởi ấm chính cho người dân trong mùa đông.
Bởi vậy khi giá khí đốt tăng cao, các nhà máy nhiệt điện sẽ buộc phải tìm nguồn nguyên liệu thay thế nhằm đáp ứng nhu cầu trong mùa đông lạnh giá.
"Trừ phi chúng ta có một mùa đông ấm hơn hoặc nhu cầu năng lượng đi xuống, bằng không EU sẽ phải tìm một nguồn năng lượng cung ứng khác. Trong khi nhiều người kỳ vọng sự thay thế này là những nguồn năng lượng sạch thì theo diễn biến của thị trường, đó lại có thể là than đá", giám đốc Slava Kiryushin của hãng tư vấn luật DWF nhận định.
Giám đốc Kiryushin cho biết dù nhiều nước Châu Âu không thích than đá vì chúng ô nhiễm môi trường nhưng công suất của hệ thống năng lượng sạch như điện gió, mặt trời vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Thêm nữa, giá thành than đá rất rẻ và có thể đưa vào sử dụng ngay để đáp ứng tình hình khủng hoảng trước mắt.
Số liệu của The National News cho thấy giá than giao trong năm 2022 trên thị trường kỳ hạn đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008 do nhu cầu cao và hết hàng dự trữ. Cụ thể, giá than tại các đầu mối Amsterdam, Rotterdam và Antwerp đã tăng 2,6% lên mức 137 USD/tấn.
Trong khi đó, giá than chất lượng cao tại cảng Newscatle ở Australia đã tăng lên 203,2 USD/tấn, phá kỷ lục kể từ tháng 7/2008.
Vòng luẩn quẩn
Mặc dù than là nguyên liệu dễ đáp ứng được nhu cầu ngay lúc này nhưng theo tập đoàn năng lượng Energi Danmark, chúng lại không phải giải pháp hoàn thiện nhất. Nguyên nhân đến từ 2 yếu tố.
Thứ nhất, Châu Âu áp dụng thuế khá cao với khí thải nhà kính để bảo vệ môi trường khiến việc sử dụng than đá không còn rẻ như so với trước đây. Hệ quả là giá thành điện năng vẫn cao và không giải quyết được tình hình khủng hoảng hiện nay.
Châu Âu đứng giữa lựa chọn bảo vệ môi trường hay chết rét. Nguồn ảnh: The National News
Xin được nhắc là rất nhiều hộ gia đình Châu Âu không có khả năng mua điện do mất thu nhập trong mùa dịch. Hãng tin CNN cho biết nghiên cứu của chuyên gia Louise Sunderland thuộc dự án RAP chỉ ra có hơn 12 triệu hộ gia đình tại Châu Âu hiện đang mất khả năng thanh toán hóa đơn điện nước và khí đốt.
Một báo cáo khác của tổ chức REC cũng cho thấy mỗi năm có khoảng 7 triệu hộ gia đình Châu Âu đã nhận được cảnh báo cắt dịch vụ vì không thanh toán hóa đơn.
Trong khi đó, Châu Âu khó lòng từ bỏ thuế khí thải nhà kính nếu không muốn phá bỏ mọi nỗ lực bảo vệ môi trường từ trước đến nay của mình.
"Câu chuyện ở đây là xem liệu Châu Âu cân bằng thế nào giữa nhu cầu điện năng và giảm khí thải nhà kính", Giám đốc Kiryushin của DWF nói.
Một yếu tố nữa khiến than đá không giải quyết được tình hình hiện nay là nguồn cung. Do ảnh hưởng của đại dịch nên những đầu mối lớn trên thế giới như Australia, Nam Phi hay Colombia đều chưa thể khôi phục sản lượng cũng như hệ thống phân phối như trước đây. Trong khi đó Nga thì chỉ cung cấp rất ít than sang Châu Âu bởi họ cũng cần tích trữ cho mùa đông sắp tới.
"Nếu Châu Âu chuyển sang dùng than đá thì họ sẽ cần nhập khẩu rất lớn từ Nga, nhưng quốc gia này cũng không thể đáp ứng đủ lượng nhu cầu lớn đến vậy trong thời gian ngắn", chuyên gia phân tích Natasha Tyrina của hãng Wood Mackenzie nói với hãng tin Bloomberg.
Mùa đông khắc nghiệt
Hiện hàng loạt các nước như Tây Ban Nha, Pháp, Hy Lạp đã hỗ trợ tiền điện cho người dân để giải toả căng thẳng nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời. Giám đốc Kyriushin nhận định khi những ngành sản xuất chịu ảnh hưởng nặng nề hơn, việc quay lại dùng than đá sẽ chỉ là điều sớm hay muộn.
Mùa đông khắc nghiệt tại Châu Âu. Nguồn ảnh: Global News
Tại Anh, cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng đến mức chính phủ đã buộc phải cho chạy lại các nhà máy nhiệt điện đốt than. Theo đánh giá của các chuyên gia, Anh là nước chịu tổn thương nặng nhất khi giá khí đốt tăng hơn 100% kể từ tháng 5/2021 do hệ thống điện của nước này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu trên.
Vậy nhưng theo giám đốc Will Gardiner của hãng điện Drax-Anh, chính phủ vẫn đang cố giữ kế hoạch giảm khí thải nhà kính xuống mức 0 vào năm 2050 và đánh thuế mạnh vào than, qua đó khiến nhiều công ty phá sản do không chịu nổi áp lực.
"Người dân Anh chắc chắn sẽ phải trải qua một mùa đông cực kỳ khó khăn nếu giá nguyên liệu còn tăng và nhiệt độ thì lạnh hơn do biến đổi khí hậu", giám đốc Gardiner thừa nhận.
*Nguồn: Bloomberg, CNN, The National News...
Băng Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị