Sau khi TPHCM ban hành Chỉ thị 18 “về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố”, nhiều doanh nghiệp tại TPHCM đã hoạt động trở lại một cách thận trọng.
Có giấy xét nghiệm âm tính mới được vào làm
Gần 6h ngày 4.10, hàng trăm CN của công ty Nissei Electric Việt Nam (KCX Linh Trung I, TP.Thủ Đức, TPHCM) đã trở lại công ty làm việc sau hơn 2 tháng phải tạm ngừng việc. Trước khi vào công ty, mọi người đều phải trình giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 với trưởng bộ phận.
Chị Nguyễn Thị Vân, nhà ở Phường Đông Hòa, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương cho biết, cuối tuần trước, công ty đã thông báo cho tất cả CN biết khi đi làm trở lại từ sáng ngày 4.10, CN phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 mới được vào làm và công ty sẽ trả chi phí xét nghiệm cho CN. Vì thế, từ cuối tuần qua, các CN đã nghỉ việc từ hơn 2 tháng rưỡi qua đều đi xét nghiệm để làm trở lại.
Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch CĐ công ty PouYuen Việt Nam (Công ty có khoảng 56.000 lao động), cho biết, công ty đã nghiên cứu kỹ các quy định tại Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất do Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TPHCM ban hành và thông báo sẽ hoạt động trở lại vào ngày 6.10. Nhưng trước mắt, công ty chỉ bố trí các CN đang ở tại TPHCM đến làm việc, tương đương khoảng 20% số lao động. Trong hai ngày 4 và 5.10, CN của công ty đang ở tại TPHCM phải xét nghiệm trước khi quay trở lại làm việc.
Ngoài ra, công ty cũng chuẩn bị tổ chức xe đón CN từ các vùng xanh đến công ty làm việc theo phương thức “Một cung đường hai điểm đến”, đồng thời chuẩn bị các bản cam kết cho công nhân nếu đi làm bằng phương tiện cá nhân.
Còn ông Phạm Văn Hiền, Phó Chủ tịch CĐ các KCX-KCN TPHCM cho biết, tại KCX Linh Trung I, trong sáng 4.10, có khoảng 26 doanh nghiệp hoạt động trở lại, nhưng số lao động đi làm chủ yếu ở tại TPHCM đã được tiêm 2 mũi hay tiêm mũi 1 đã hơn 14 ngày. Nhiều công ty còn chuẩn bị cho hoạt động trở lại từ giữa cuối tuần này và mấy ngày đầu chủ yếu dành cho việc xét nghiệm đối với NLĐ để bảo đảm an toàn trước khi vào làm việc.
Chia tốp công nhân để bảo đảm an toàn
Ông Nguyễn Uy Danh, Chủ tịch CĐ công ty Pepperl + Fuchs Việt Nam (KCX Tân Thuận), cho biết, trước đây công ty đã duy trì hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ” và “một cung đường hai điểm đến” với số lượng CN khoảng 30% lao động. Do Cty vẫn trả lương chờ việc cho CN, nên hầu hết các CN đều ở lại TPHCM, chỉ vài người về quê. Dự kiến công ty sẽ hoạt động trở lại vào ngày hôm nay (5.10). Tuy nhiên, trước mắt, chỉ có những CN trực tiếp thì sẽ đến công ty làm việc, còn bộ phận văn phòng vẫn tiếp tục làm việc tại nhà.
Ngoài ra, công ty sẽ chia CN làm 3 tốp, trong đó có 1 tốp khoảng 150 CN sẽ được công ty bố trí ở lại khách sạn đi làm theo phương thức “Một cung đường, hai điểm đến”, còn hai tốp khác thì vẫn đi về bình thường. Mục đích chia tốp các CN nhằm bảo đảm anh toàn, để lỡ có xuất hiện ca F0 hay lây nhiễm thì vẫn có CN làm việc.
“Tốp ở khách sạn sẽ phải tuân thủ triệt để quy định của công ty về việc ăn, ở nên các CN sẽ phải gò bó hơn và công ty cũng có kế hoạch hỗ trợ thêm 25% tiền lương để bù đắp cho họ” - ông Danh nói.
Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch CĐ công ty Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao), cho biết, Cty hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ” và “một cung đường hai điểm đến” từ nhiều tháng qua. Sau nhiều lần được phép tăng thêm lao động, đến nay công ty có gần 3.000 lao động đi làm, bằng ½ số tổng lượng lao động của Cty.
“Dù đơn hàng nhiều, nhưng hiện nay v cũng chưa vội tăng thêm lao động vì tình hình dịch tại TPHCM vẫn còn phức tạp, hằng ngày vẫn có vài nghìn ca nhiễm COVID-19, nên công ty thật sự chưa yên tâm để tăng lao động” - ông Hồng chia sẻ.
Sau khi Cty bị ngừng hoạt động lần thứ 2 (ngày 17.8), công ty Nidec Sankyo đã thuê khách sạn cho gần 1.000 CN ở để chờ được đi làm trở lại. Mới đây, công ty đã được hoạt động trở lại với khoảng 500 CN.
Bà Trương Thị Kiều Như, Phó Chủ tịch CĐ công ty Nidec Sankyo, cho biết, ngoài việc xét nghiệm theo quy định của ngành Y tế, lo ăn, ở cho các CN còn lại, công ty vẫn trả lương chờ việc 70% và phụ cấp thêm 70.000 đồng/lao động/ngày cho các lao động đang ở khách sạn, tốn phí rất nhiều, nhưng công ty vẫn ráng lo, chứ không để các CN này trở về nhà trọ, nhằm bảo đảm an toàn cho CN. Công ty cũng đang xin phép tăng lại lao động từ từ, mỗi lần khoảng 100 người để bảo đảm môi trường làm việc an toàn.
Xem thêm: odl.716069-taux-nas-iat-gnort-naht-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.gnodoal