Aaron Tan là người đồng sáng lập và CEO của Carro – startup mới nhất đạt trạng thái kỳ lân và cũng là một trong những công ty khởi nghiệp phát triển nhanh nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Với sự hậu thuẫn của nhiều nhà đầu tư, trong đó có SoftBank, Tan cho biết Carro đang có kế hoạch mở rộng hơn nữa. "Câu hỏi bây giờ là sau khi đạt định giá 1 tỷ USD, chúng tôi cần làm gì để đạt con số 10 tỷ hay thậm chí là 100 tỷ USD", Tan chia sẻ với CNBC.
Carro (viết tắt của "car hero" - anh hùng xe hơi) là nền tảng trao đổi, mua bán ô tô cũ trực tuyến do Tan và 2 người bạn đại học là Aditya Lesmana và Kelvin Chng thành lập năm 2015 tại Singapore. Tháng 6 vừa qua, sau khi gọi vốn thành công 360 triệu USD, Carro chính thức trở thành kỳ lân mới nhất ở Đông Nam Á.
Điều này giúp Carro trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm của Carsome (Malaysia) và Carmudi (Đức) trong ngành công nghiệp trị giá 50 tỷ USD đang trên đà phát triển mạnh.
Dưới đây là hành trình của Tan:
Động lực từ những chiếc ô tô cũ
Câu chuyện khởi nghiệp của Tan (36 tuổi) bắt đầu năm anh 13 tuổi. Khi đó, anh xây dựng và bán các trang web để kiếm tiền. Năm 21 tuổi, anh bán 2 công ty do mình thành lập. Sau này, khi trở thành nhà đầu tư mạo hiểm ở Mỹ, anh đã nhìn thấy cơ hội để kết hợp năng lực kinh doanh với niềm đam mê thực sự của mình là mua bán ô tô.
Tan thấy rằng thị trường ô tô cũ phát triển rất mạnh mẽ ở Mỹ nhưng điều tương tự lại không diễn ra tại Đông Nam Á, khiến người mua và người bán khó có được những giao dịch tốt nhất.
Và đó chính là động lực để anh thay đổi tình trạng trên. Năm 2015, anh quay lại Singapore, hợp tác với một vài người bạn cùng lớp thuộc khoa Khoa học máy tính để tạo ra thuật toán giúp trao đổi, mua bán ô tô cũ trực tuyến.
"Tôi đã ‘lừa’ Aditya Lesmana và Kelvin Chng để thành lập công ty. Nhưng tôi tin rằng cơ hội mà tôi mang đến cho họ thú vị và có tiềm năng hơn rất nhiều so với việc họ đang làm", Tan chia sẻ.
Khai thác thị trường nhiều tiềm năng
Đông Nam Á là khu vực có tầng lớp trung lưu khá am hiểu công nghệ và nhạy cảm về giá. Chính vì vậy, họ có xu hướng chọn mua ô tô cũ còn dùng tốt thay vì mua mới.
Justinas Liuima, nhà tư vấn cấp cao của Euromonitor cho biết: "Việc tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển kết hợp với tỷ lệ sở hữu ô tô thấp ở Đông Nam Á là những yếu tố chính kích thích doanh số bán ô tô mới, đồng thời giúp thị trường ô tô đã qua sử dụng trở nên sôi động hơn".
Và Carro đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng trên, tung ra nền tảng giao dịch trực tuyến cho các cá nhân và đại lý trên khắp Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Sau đó, công ty bổ sung một số dịch vụ khác như cho vay, bảo hiểm.
Đến năm 2019, lấy cảm hứng từ những gã khổng lồ phát trực tuyến Netflix và Spotify, Carro giới thiệu dịch vụ cho phép người dùng thuê xe với một khoản phí hàng tháng, bao gồm thuế, bảo hành và bảo dưỡng.
Trụ vững trong đại dịch
Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến rất nhiều công ty trên thế giới. Thế nhưng, hóa ra đây lại là cơ hội cho Tan và Carro. Không thể tham gia các phương tiện giao thông công cộng, mọi người phải di chuyển bằng phương tiện cá nhân nhiều hơn. Do đó, doanh số ô tô cũ đã tăng vọt.
Để đáp ứng nhu cầu cũng như đảm bảo an toàn trong đại dịch, Carro đã ra mắt "Showroom Anywhere" – chương trình cho phép người mua tiềm năng xem và lái thử ô tô mà không cần bất kỳ sự tương tác trực tiếp nào của con người. Khách hàng có thể lái xe và trả xe tại bãi đỗ công cộng bằng cách dùng mã QR.
Đến tháng 3 năm nay, doanh thu của Carro đạt 300 triệu USD, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Với khoản đầu tư mới nhất, Tan dự định sẽ mở rộng ứng dụng tại thị trường Việt Nam và Philippines. Carro cho biết hiện họ đã có lãi và đang hướng tới mục tiêu IPO trong 12 – 18 tháng tới.
Nguồn: CNBC
Mộc Tiên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị