Trong đại dịch, một số quốc gia ở châu Á – Thái Bình Dương đã áp dụng chiến lược Zero Covid để đưa tỷ lệ lây nhiễm về 0 và trở thành nơi trú ẩn tương đối an toàn trong bối cảnh thế giới bị tàn phá bởi Covid-19. Tuy nhiên giờ đây, với sự gia tăng của biến thể Delta cùng việc tỷ lệ tiêm vaccine tăng lên, chỉ còn một nước duy nhất vẫn giữ mục tiêu loại bỏ Covid-19 là Trung Quốc.
Mới đây, New Zealand cho biết họ đã từ bỏ Zero Covid, biến Trung Quốc thành nước duy nhất còn áp dụng chiến lược này, bao gồm đóng cửa biên giới, phong tỏa đột ngột, dẫn tới nhiều lần gián đoạn các hoạt động kinh tế và xã hội.
Trước đó, Singapore và Australia cũng cho rằng Zero Covid là cách tiếp cận không bền vững. Thay vào đó, họ tập trung tiêm chủng để bảo vệ người dân khỏi việc bệnh trở nặng và tử vong.
Ngược lại, quyết tâm của Trung Quốc trong việc dập tắt mọi ổ dịch mới dường như ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, dù 75% dân số của nước này đã được tiêm phòng đầy đủ. Hiện Trung Quốc đang vật lộn với đợt bùng phát thứ tư. Tuần này, một tỉnh đã bị phong tỏa sau khi phát hiện 2 ca mắc mới không có triệu chứng trong đợt du lịch cao điểm vừa qua.
3 tháng nữa, Bắc Kinh sẽ tổ chức Olympics mùa đông, chào đón hàng nghìn vận động viên từ khắp nơi trên thế giới. "Zero Covid trong trung và dài hạn là không bền vững. Biến thể Delta cho thấy điều đó gần như bất khả thi. Thật khó để biết Trung Quốc sẽ làm thế nào để hạ gục Covid-19 trong mùa đông này", một bác sĩ và giáo sư tại Trường Y, Đại học Quốc gia Úc nhận xét.
Sự từ bỏ Zero Covid của New Zealand
Việc New Zealand từ bỏ Zero Covid nhấn mạnh sự bất khả thi của chiến lược này. Giữa tháng 8 vừa qua, nước này đã áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc sau khi ghi nhận 1 ca nhiễm mới: Không làm việc trong văn phòng. Không đi ăn tối, tập thể dục hoặc đi nhà thờ. Không ai được ra khỏi nhà trừ trường hợp thực sự cần thiết.
7 tuần sau, New Zealand vẫn có hơn 20 ca nhiễm mới hàng ngày, khiến Thủ tướng Jacinda Ardern phải thừa nhận ngày 4/10 vừa qua rằng "thời gian phong tỏa nghiêm ngặt đã không giúp chúng tôi loại bỏ được số ca mắc mới".
Nhưng theo bà, điều đó không sao cả vì việc áp dụng Zero Covid là rất quan trọng khi người dân chưa được tiêm vaccine nhiều. Giờ đây, khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên, New Zealand sẽ tìm cách sống chung với đại dịch. Singapore và Úc cũng đã có những điều chỉnh tương tự.
Việc từ bỏ Zero Covid không có nghĩa là chiến lược này sai lầm ngay từ đầu bởi nó cho phép các nước ngăn chặn đáng kể tỷ lệ tử vong và vượt qua giai đoạn tỷ lệ tiêm chủng còn thấp với ít thiệt hại cho nền kinh tế. Đến nay, New Zealand có 27 ca tử vong do Covid-19 trong khi con số này ở Singapore là 121 trường hợp.
Tương lai của Zero Covid ở Trung Quốc
Câu hỏi hiện nay là kế hoạch từ bỏ Zero Covid của Trung Quốc sẽ diễn ra như thế nào. Trong đợt bùng phát mới nhất, hàng chục nghìn người dân ở một tỉnh của Trung Quốc đã được xét nghiệm, trong khi thành phố Nghi Ninh đã tạm dừng mọi chuyến tàu và chuyến bay cũng như đóng cửa các tuyến đường cao tốc địa phương.
Một số chuyên gia y tế công cộng cho biết những đợt bùng phát lẻ tẻ khó có thể dừng lại trong thời gian tới nhưng có vẻ như Trung Quốc vẫn có khả năng đạt được thành tích chống dịch mà hầu hết các quốc gia khác khó đạt được.
Các quan chức Trung Quốc nói rằng họ sẽ không gắn bó với Zero Covid mãi mãi. Thay vào đó, họ sẽ thay đổi một số khía cạnh nhất định khi chiến lược này không còn đạt hiệu quả cao như trước hay có chi phí quá cao. Chính quyền nhiều thành phố đang được yêu cầu thành lập các cơ sở kiểm dịch chuyên biệt có sức chứa hàng nghìn khách nước ngoài vào cuối tháng này, báo hiệu rằng những hạn chế du lịch hiện tại khó có thể được nới lỏng trong thời gian tới.
Việc đưa tỷ lệ lây nhiễm trở về 0 cho phép một phần cuộc sống ở Trung Quốc trở về trạng thái bình thường trong phần lớn năm 2020 và 2021, cung cấp năng lượng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, khi các đợt phong tỏa và hạn chế di chuyển liên tục diễn ra trong năm nay và các nền kinh tế phương Tây bắt đầu hoạt động ổn định trở lại sau khi tiêm chủng, tác động của chiến lược Zero Covid tại Trung Quốc bắt đầu thể hiện sâu sắc hơn. Tăng trưởng doanh số bán lẻ đã giảm 2,5% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức tăng 7% mà các nhà phân tích dự đoán.
Nguồn: Bloomberg
Mộc Tiên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị