Chị Lê Thị Ngọc Quyên trong những ngày bắt đầu hành trình du học - Ảnh: NVCC
Bên cạnh các học sinh được ra nước ngoài học tập rất sớm từ những năm 14-15 tuổi, không ít người ngày nay chọn cách đi làm nhiều năm, tích lũy kinh nghiệm, vốn liếng rồi mới quyết định du học ở độ tuổi mà người xưa gọi là "tam thập nhi lập".
Trong kế hoạch du học ở tuổi không còn trẻ, nhiều người ấp ủ hy vọng học xong ở lại làm việc, thậm chí định cư.
Bán nhà để ra đi
Chị Lê Thị Ngọc Quyên (31 tuổi, TP.HCM) vừa sang Canada hơn 1 tháng, chuẩn bị vào học kỳ đầu tiên tại ĐH Vancouver Island. Tại đây, chị sẽ "tái ngộ" ngành ẩm thực, niềm yêu thích mà chị từng muốn theo nghề nhưng bị gia đình phản đối. Lúc đó, chị đánh liều nhập học Trường ĐH Mở TP.HCM với chuyên ngành không mấy vừa ý.
Tốt nghiệp, chị trở thành nhân viên cho một công ty logistics. Vòng xoáy công việc cứ thế cuốn đi suốt gần 10 năm đến một ngày chị bàng hoàng thấy mọi thứ thật tẻ nhạt, công việc cứ lặp đi lặp lại và bản thân dường như không thể phát triển thêm. Trong những ngày "khủng hoảng", chị nhận ra tình yêu dành cho ngành ẩm thực vẫn vẹn nguyên. Vậy là chị thu xếp lên đường du học.
Ở tuổi 31, chuyện gác lại công việc với mức lương ổn định cùng các mối quan hệ gia đình hay vợ chồng, con cái để xuất ngoại học hành là cú rẽ lớn. Đó còn là một bài toán tài chính. Tiền học, tiền đi lại, phí visa, phí sinh hoạt... vào khoảng 800 triệu đồng được chị trích từ khoản để dành sau gần 10 năm đi làm.
"Số tiền này để học một nghề, trải nghiệm lối sống phương Tây và tìm kiếm những cơ hội mới, tôi nghĩ xứng đáng. Dù sao thì bắt đầu ở tuổi 31 cũng sớm hơn tuổi... 39" - chị Quyên nói.
Anh Nguyễn Luân (34 tuổi, TP.HCM) cũng là một trường hợp "đổi tài sản" đi du học. Năm 2017, để có đủ chi phí cho 2 năm chương trình sau đại học tại Trường Centennial College ở Toronto (Canada), anh đã bán căn nhà mà mình tích góp nhiều năm. Với số tiền 1,7 tỉ đồng thu về, nhiều người đã khuyên Luân nên "rót" vào một số kênh đầu tư dễ sinh lời hoặc để du lịch, tận hưởng cuộc sống...
Chính anh Luân cũng dành nhiều thời gian đong đếm thiệt hơn. Chỉ còn 2 ngày máy bay sẽ cất cánh, câu hỏi liệu quyết định của mình có đúng đắn dường như vẫn còn đâu đó trong anh. "Trở ngại lớn nhất chính là tâm lý. Tuổi 30, người ta thường có công việc ổn định, tích lũy đủ cho cuộc sống, gác lại tất cả để du học nên được xem là sự đánh đổi mạo hiểm" - anh Luân nói.
Xu hướng gia tăng
Ông Vũ Hải Trường, giám đốc chương trình Việt Nam của ĐH Arizona (Mỹ), chia sẻ gần đây tỉ lệ các bạn tốt nghiệp tại Việt Nam, đi làm khoảng 10 năm rồi mới chọn học các chương trình ở Mỹ đã tăng so với trước.
Nguyên nhân là vì các chương trình đại học hay sau đại học đã mở khá phong phú, người học có thể lựa chọn tùy vào mong muốn và khả năng của mình. Ngoài ra, trong thế giới phẳng, tâm lý ra nước ngoài thoát khỏi "vùng an toàn" không còn quá phụ thuộc vào tuổi tác.
"Cùng một con đường du học nhưng có rất nhiều cách đi khác nhau. Các trường đại học đang trao cơ hội học tập, học bổng không quá khác biệt dù bạn 20 hay 30 tuổi" - ông Trường nói.
Bên cạnh đó, hình thức du học cũng rất đa dạng. Không ít người chọn học online vài học kỳ tại Việt Nam rồi mới chuyển tiếp đến Mỹ hoàn tất phần còn lại. Hình thức này đang được ưa chuộng vì linh hoạt cả không gian lẫn thời gian. Người học vẫn có thể ở bên gia đình, đi làm tại Việt Nam, đồng thời giảm chi phí từ 3-5 lần so với du học trực tiếp.
Bà Nguyễn Lam Giang, giám đốc khu vực Đông Nam Á, ĐH Waikato (New Zealand), cho biết nhóm đối tượng tạm gác sự nghiệp để đến New Zealand du học sau 30 tuổi trong thời gian qua có chiều hướng gia tăng khi điều kiện giao lưu đã mở rộng cộng thêm nhiều sự hỗ trợ giá trị từ các trường.
Chẳng hạn với bậc PhD, học phí của các bạn được tính như của dân bản địa, khoảng 6.000 - 7.000 NZD, thay vì theo mức phí như sinh viên quốc tế. Vợ hoặc chồng đi cùng nay cũng đã được cho phép làm việc toàn thời gian tại New Zealand thay vì trước đây chỉ "đi theo" theo đúng nghĩa đen. Con cái của họ cũng được tạo điều kiện học các trường công lập miễn phí từ năm 3 tuổi đến hết lớp 13.
Bà Giang cho rằng nhiều đãi ngộ như trên là vì các trường đại học ở New Zealand đang rất muốn thu hút những sinh viên quốc tế có năng lực, đặc biệt là về nghiên cứu. Do vậy, nếu các bạn sau 30 tuổi ở Việt Nam có khả năng và mong muốn, con đường du học vẫn rộng mở.
Liệu có khó hòa nhập?
Chị Nguyễn Hoàng Trâm Anh, phó chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Vương quốc Anh, cho rằng khoảng cách tuổi tác đôi khi cũng là một trở ngại cho các anh chị lần đầu chọn du học sau tuổi 30.
Hội sinh viên thường tổ chức nhiều hoạt động gắn kết các du học sinh, đặc biệt trong những ngày đầu nhập học. Dù vậy, phần đông những người tham gia là các bạn trẻ tuổi đôi mươi. Chênh lệch độ tuổi có thể cản trở các anh chị trong bước đầu hòa nhập khiến những trải nghiệm của một du học sinh đôi khi không trọn vẹn như những năm 20 tuổi.
Tính kỹ nếu muốn định cư
Ông Lâm Minh Khoa, đại diện ĐH Newcastle (Úc) tại Việt Nam, cho biết phần lớn những người chọn du học sau tuổi 30 tại Úc thường muốn định cư. Thông thường, sinh viên quốc tế từ 25-35 tuổi sẽ nhận số điểm cộng định cư cao hơn những người quá 35. Vì vậy nếu xác định ở lại, cần tính toán thật kỹ các yếu tố để đủ điểm xét định cư, ngoài độ tuổi còn là trình độ tiếng Anh, kinh nghiệm làm việc...
Anh Nguyễn Luân cho biết mình sắp có thẻ xanh tại Canada. Do biết rằng càng lớn tuổi sẽ càng mất điểm khi xét cư trú, anh lên kế hoạch học dồn để hoàn tất chương trình sớm nhất. Sau khi tốt nghiệp, anh được nhận vào làm kế toán tại một công ty từ tháng 3-2019. Đến nay, anh đã xong các thủ tục định cư tại Canada.
"Sau tuổi 30 dù gì thời gian cũng không quá dư dả. Vì thế, theo tôi, có mục tiêu rõ ràng rất quan trọng để mỗi người có cách đạt được nhanh nhất, tránh bỏ lỡ những cơ hội" - anh Luân nói.
TTO - * Tôi 30 tuổi, đã tốt nghiệp ĐH ngành ngữ văn Anh, đang muốn xin học bổng hoặc xin du học thạc sĩ ở Mỹ/châu Âu/Úc.
Xem thêm: mth.1744759060011202-03-iout-o-coh-ud-id-ed-ahn-nab/nv.ertiout