Suốt phiên xử mở tại TAND tỉnh Hà Tĩnh hồi cuối tháng 9, ông Phạm Văn Lập, 48 tuổi, cùng con trai Phạm Văn Nam, 16 tuổi, trú thôn Na Trung, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên liên tục quay đầu nhìn về phía sau bày tỏ hối hận vì gây ra cái chết cho ông hàng xóm Trần Văn Thuyết, 49 tuổi.
Đại diện bị cáo và bị hại ngồi phía dưới hội trường nói vừa thương vừa trách hai bố con. "Nam còn trẻ tuổi song phải đi tù bắt nguồn từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt của hai ông bố", một người chia sẻ.
Theo bản án, khoảng 12h ngày 12/2 (mùng một Tết Tân Sửu), khi chơi Tết và hát karaoke tại nhà ông Lê Văn Liễu ở thôn Na Trung, xã Cẩm Thạch, ông Lập và ông Thuyết mâu thuẫn, định lao vào ẩu đả sau đó được mọi người can ngăn.
13h cùng ngày, ông Lập gọi điện cho Nam đến "trợ giúp". Gặp lại ông Thuyết và bị thách thức "hai bố con mày thích gì?", ông Lập lao đến đấm trúng mặt khiến đối phương ngã xuống sân rồi giằng co, ẩu đả. Nam đứng gần cầm dao gọt hoa quả đâm ông Thuyết tử vong.
Người hàng xóm Âu Văn Kỳ, 37 tuổi, vào can ngăn cũng bị Nam khua dao trúng tay trái phải đi cấp cứu, tổn hại sức khỏe 19%.
Tại phiên toà, ông Lập khai hàng chục năm qua có mâu thuẫn với ông Thuyết song chưa thể giải quyết. Đi chơi Tết ở quanh xóm về, thấy ông Thuyết đang ngồi tựa lưng bên ghế nên lại gần vỗ vai hỏi "làm gì vậy bạn". Ông Thuyết đáp "không bạn bè gì với mày", sau đó buông lời xúc phạm rồi đấm vào mặt. Định tấn công đáp trả, ông Lập dừng lại, suy nghĩ gia đình đang có tang khi bố mới mất hơn 100 ngày, không nên gây gổ tại nhà người khác vào ngày mùng một Tết. Ông sau đó gọi Nam đến, với ý định kêu ông Thuyết ra ngoài đường "đánh một trận cho bõ tức".
"Tôi không gọi con đến giết người. Mục đích ban đầu là đánh cảnh cáo cho hả giận. Lúc tôi lao ẩu đả với ông Thuyết, không ngờ Nam cầm dao đi sau lưng và tấn công. Do người đông, cháu hành động quá nhanh, tôi không nhìn thấy để can ngăn, dẫn đến án mạng", ông Lập nói.
Trả lời thẩm vấn, Nam cho hay hôm xảy ra sự việc có uống rượu bia trong lúc đi chơi Tết ở nhà bạn khiến say là ngà, mặt đỏ. Thời điểm nghe bố nói qua điện thoại "bị ông Thuyết cà khịa", nghĩ rằng hai người đang xích mích với nhau nên lập tức lái xe máy chạy xuống "xem có việc gì không". Gặp nhau, chưa kịp hỏi han rõ sự tình, thiếu niên yêu cầu bố gọi ông Thuyết ra để "nói chuyện".
Chủ tọa phân tích, xích mích trên là của người lớn, bị cáo đang nhỏ tuổi nếu không can ngăn được thì phải tìm cách thông báo cho người có trách nhiệm đến giải quyết.
Nam trả lời ban đầu không có ý định đánh nhau, nhưng do say rượu nên mất hết lý trí, suy nghĩ không tích cực. Con dao dùng đâm ông Thuyết được cầm từ nhà đi để gọt trái cây ăn khi ghé nhà bạn bè và họ hàng chơi Tết, chứ "không thủ sẵn từ trước để gây án".
Thấy ông Lập nhiều lần biện minh "không hề xúi giục con giết người, bản thân không phải là người đoạt mạng ông Thuyết nhưng được xác định là đầu vụ", đại diện Viện kiểm sát hỏi: "Thời điểm trên Nam chưa đủ 18 tuổi, nhận thức còn hạn chế. Làm bố, bị cáo phải biết vấn đề này chứ, sao lại rủ con đi đánh nhau. Như thế không xúi dục con phạm pháp thì là gì?".
Ông Lập nghe xong im lặng. Nữ công tố viên nói phần nào thông cảm cho bị cáo Lập khi học hành không đến nơi đến chốn, trình độ hạn chế. Tuy nhiên, đối với sự việc trên thì cần phải ý thức được hành vi, lường trước hậu quả sẽ xảy ra, không nên quanh co.
Ông Trần Văn Luận (56 tuổi, anh trai ông Thuyết) cho biết, sau khi em mất, gia đình lâm vào cảnh khó khăn, em dâu gồng gánh nuôi bốn người con, trong đó có ba đứa trẻ đang tuổi ăn học, sợ lâu dài không đáp ứng nổi. Theo ông Luận, bị cáo Lập không quan tâm đến gia đình, có thời gian dài được tại ngoại để khắc phục hậu quả nhưng không một lần ghé nhà nạn nhân hỏi thăm, chỉ cử người thân đưa vài chục triệu đồng để thăm hỏi và hỗ trợ chi phí mai táng.
"Vụ án này bắt nguồn từ việc giáo dục con không đúng cách của ông Lập. Điều này vô tình tạo ra bi kịch, dẫn đến cảnh nhiều đứa trẻ mất bố, vợ mất chồng. Tôi yêu cầu tòa xử nghiêm, việc làm đơn giảm án hay không tùy vào thái độ và khả năng bồi thường thiệt hại của gia đình bị cáo", ông Luận cho hay.
Ông Lập phúc đáp với đại diện bị hại rằng kinh tế gia đình khó khăn nên không thể bồi thường ngay, việc không đi thăm hỏi vì sợ người nhà họ trách mắng.
Cơn giận của bố con ông Lập cũng khiến anh Âu Văn Kỳ, 37 tuổi bị vạ lây. Vì cản Nam gây án, anh Kỳ mà từ chỗ khỏe mạnh thành thương tật 19%, không thể tiếp tục làm nghề lái máy xúc, nhiều tháng qua phải ở nhà nhờ gia đình trợ giúp. Anh nói bây giờ trách hai bị cáo thì cũng không thể lấy lại được sức khỏe như xưa, yêu cầu bồi thường hơn 100 triệu đồng cho những tổn thất trên.
Bà Hoàng Thị Trí (46 tuổi, vợ ông Lập), nói từ ngày chồng con vướng lao lý đã suy sụp, nằm liệt giường nhiều tháng. Nhìn lên thấy ông Lập đang "đôi co" với tòa, bà khuyên chồng không nên tranh cãi về hành vi gây án nữa, vì hậu quả đã rõ, biện minh chỉ thêm nặng tội. "Làm mẹ, tôi cũng có lỗi khi giáo dục Nam không tốt. Chứng kiến chồng và con út cùng bị xét xử, không có nỗi đau và bi kịch nào lớn hơn. Có lẽ đó cũng là hình phạt cho chính bản thân tôi", bà Trí nói.
Được nói lời sau cùng, ông Lập và Nam xin lỗi gia đình các nạn nhân. "Hơn 500 triệu đồng để bồi thường cho hai gia đình bị hại, số tiền này là quá lớn, mẹ và anh trai không thể nào chi trả. Mong được tòa giảm án cho hai bố con, ra tù được sớm ngày nào thì sẽ cố gắng làm kiếm tiền để khắc phục hậu quả ngày đó", Nam nói. Ông Lập đứng bên cúi đầu bày tỏ cũng có ý kiến tương tự.
HĐXX lập luận, bị cáo và bị hại có mâu thuẫn nhỏ, lẽ ra nên bình tĩnh để giải quyết. Phút nóng giận nhất thời vì chuyện không đâu đã khiến dịp vui ngày Tết thành lễ đưa tang, hai gia đình suốt đời đau xót. Đây là một bài học cho mọi người về cách dạy dỗ con cái và ứng xử hài hòa với nhau trong cuộc sống.
Khi tòa tuyên mình 9 năm tù, bố 14 năm về tội Giết người, Nam đứng thẫn thờ bên bàn xét xử, ông Lập thấy vậy tiến lại gần ghé tai thì thầm vài câu. Quay đầu về phía sau thấy bà Trí suy sụp bên ghế, lấy vạt áo lau nước mắt đang chảy dài trên gò má, hai bố con mím môi rồi bước đi theo cảnh sát ra xe thùng.
Xem thêm: lmth.2917634-ut-id-gnuc-noc-ob-iah-ihk-hnid-aig-hcik-ib/ten.sserpxenv