Cơ quan quản lý năng lượng hạt nhân Mỹ hồi tháng trước đã đình chỉ việc vận chuyển vật liệu phóng xạ và một đồng vị hydrogen dùng trong các lò phản ứng cho CGN - công ty hạt nhân quốc doanh lớn nhất Trung Quốc.
Theo hãng tin Reuters, bước đi nói trên của Mỹ phản ánh những mối lo ngại của Washington về việc Trung Quốc tăng cường vũ khí hạt nhân.
Quầy của Tập đoàn CGN tại một cuộc triển lãm ở Trung Quốc. Ảnh: CHINA DAILY
Ủy ban Điều tiết Hạt nhân Mỹ, cho biết trong lệnh ban hành ngày 27-9, Nhà Trắng nói rằng việc đình chỉ này là “cần thiết cho lợi ích quốc gia của Mỹ và tăng cường quốc phòng và an ninh Mỹ phù hợp với Luật Năng lượng Nguyên tử năm 1954”.
Lệnh đình chỉ xuất khẩu bao gồm các chất phóng xạ và chất deuterium cho Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN), các chi nhánh và những thực thể liên quan. Deuterium là một đồng vị không phóng xạ của hydrogen được dùng trong các lò phản ứng nước nặng tại các nhà máy điện hạt nhân.
Lệnh này siết chặt hơn những biện pháp kiểm soát được đề ra hồi năm 2018 dưới thời Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Donald Trump đối với các chuyến hàng công nghệ hạt nhân dân sự chuyển cho Trung Quốc để ngăn Bắc Kinh sử dụng cho mục đích quân sự hay các mục đích khác không được phép.
CGN bị đưa vào danh sách đen của Mỹ vào tháng 8-2019 với cáo buộc tìm cách thu thập công nghệ và vật liệu tiên tiến của Mỹ để sử dụng cho mục đích quân sự tại Trung Quốc.
Lầu Năm Góc, trong một báo cáo gửi Quốc hội Mỹ vào năm ngoái, ước tính trong thập niên tới Trung Quốc chí ít có thể tăng gấp đôi số đầu đạn hạt nhân từ con số tồn trữ hiện nay là dưới 200.
Người đứng đầu Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ, Đô đốc Charles Richard hồi tháng 4 năm nay đã cảnh báo Điện Capitol rằng các nhà máy điện hạt nhân mà Trung Quốc đang phát triển có thể sản xuất số lượng lớn plutonium có thể dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Đến tháng 8, cấp phó của ông, Trung tướng Không quân Thomas Bussiere cảnh báo rằng Trung Quốc đang tăng cường vũ khí hạt nhân và sẽ sớm vượt Nga, trở thành mối đe dọa hạt nhân hàng đầu của Mỹ.
Theo ông, nhận định này không chỉ dựa trên số đầu đạn hạt nhân của Bắc Kinh mà còn ở cách bố trí các vũ khí này. Không như với Nga, Mỹ không có hiệp ước hay cơ chế đối thoại nào với Trung Quốc về vấn đề này nhằm “giảm thiểu bất cứ hiểu lầm hay mập mờ”.
Trung Quốc lâu nay vẫn luôn khẳng định chương trình năng lượng hạt nhân của họ có mục đích hòa bình. Nước này cũng nói rằng kho vũ khí của họ là nhỏ so với Mỹ, Nga và sẵn sàng đối thoại nếu Mỹ giảm số vũ khí hạt nhân xuống bằng mức của Trung Quốc.