Nhằm thuận tiện cho việc đi lại mà không cần mở chứng nhận tiêm vaccine phòng COVID-19 trên ứng dụng điện thoại khi được kiểm tra, nhiều người dân TPHCM đã tìm đến dịch vụ in "thẻ xanh".
In “thẻ xanh" để dễ sử dụng hơn
Có mặt tại một cửa hàng in ấn có dịch vụ in thẻ xanh chứng nhận tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 trên đường Khánh Hội (Quận 4), đông người dân xếp hàng chờ để in, photo giấy tờ.
Trong lúc chờ tới lượt, chị Phạm Uyên sống tại Quận 4 bộc bạch với người bên cạnh: “Bây giờ đi siêu thị, làm tóc hay đến nha khoa, người ta cũng đều hỏi đã có thẻ xanh chứng nhận tiêm 2 mũi vaccine chưa? Cứ mỗi lần hỏi là một lần lấy điện thoại mở ứng dụng ra cho họ xác nhận rất mất thời gian. Dù việc này để đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 nhưng đôi lúc tôi cũng thấy hơi bất tiện. Có dịch vụ in thẻ xanh để đeo hoặc bỏ túi thấy tiện hơn nhiều".
Trong khi đó, anh Lê Hoài sống tại quận Bình Tân vui mừng vì vừa nhận được “thẻ xanh" bằng nhựa sau 2 ngày đặt làm qua mạng. “Cách đây vài ngày, tôi lướt trên mạng xã hội thấy có nhiều dịch vụ nhận làm thẻ xanh. Khách có thể tới tận nơi để làm nhưng lo ngại dịch nên tôi chỉ chụp màn hình chứng nhận ngừa COVID-19 trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử gửi qua tin nhắn cho cửa hàng xác nhận là 2 ngày sau có thẻ. Chi phí cả làm thẻ và giao tới tận nhà là 45.000 đồng/chiếc".
Theo khảo sát, dịch vụ in thẻ xanh bắt đầu nhộn nhịp từ khi TPHCM nới lỏng giãn cách xã hội. Đối với thẻ giấy sẽ có giá từ 7.000-9.000 đồng/chiếc (tuỳ số lượng khách đặt), thẻ nhựa có giá 20.000 - 80.000 đồng/chiếc (tuỳ kích cỡ). Trên mỗi thẻ xanh có đầy đủ các thông tin như mã QR, họ và tên người tiêm vaccine, ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân.
Chị Tào Thị Hà - Phụ trách phòng quản lý và kinh doanh kỹ thuật số KPRINT - cho biết, dịch vụ in "thẻ xanh" xuất phát từ nhu cầu của khách hàng trong tình hình thành phố nới lỏng giãn cách xã hội sau ngày 30.9. Một số khách hàng đến có mong muốn in "thẻ xanh" thông tin chứng nhận tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử ra thẻ giấy, thẻ nhựa để thuận tiện trong việc đi lại.
“Khách hàng chia sẻ khi xuất trình thông tin tiêm 2 mũi vaccine trên điện thoại gặp bất tiện, thậm chí, có thể bị cướp giật. Công ty đã dựa trên thông tin của khách hàng cung cấp, đồng thời thực hiện kiểm chứng thông tin này và in thẻ xanh cho khách" - chị Hà chi sẻ.
Thông tin cá nhân được bảo mật
“Khách hàng thường gửi hình ảnh chứng nhận tiêm qua Zalo cho cửa hàng. Sau khi xác nhận thông tin, chúng tôi bắt đầu in và xoá luôn hình ảnh nhằm bảo mật thông tin cho khách. Khách có thể qua cửa hàng lấy thẻ hoặc đặt giao hàng tận nhà" - chị Hương, người cung cấp dịch vụ in “thẻ xanh” (đường Quốc Hương, TP.Thủ Đức), cho hay.
Đa số các cửa hàng, công ty in ấn có dịch vụ in “thẻ xanh” đều cam kết về việc bảo mật thông tin cho khách. Chị Tào Thị Hà cho biết thêm, trong một ngày, công ty nhận in cho khoảng từ 10 đến 20 thẻ do kiểm soát thông tin tiếp nhận, không nhận in đại trà.
“Khách hàng phải chịu trách nhiệm với những tin gửi đến cho công ty để thực hiện in thẻ. Cùng với đó, công ty cũng xác nhận với khách hàng về việc có đồng ý in ra thẻ giấy hoặc thẻ nhựa những thông tin như mã QR vì liên quan đến bảo mật thông tin cá nhân” - chị Hà cho hay.
Trao đổi với Lao Động, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TPHCM) nói rằng, hiện pháp luật chưa có quy định về việc in chứng nhận tiêm chủng từ các ứng dụng công nghệ ra giấy hay thẻ nhựa.
“Tôi cho rằng, TPHCM và những cơ quan có thẩm quyền nên có hướng dẫn, quy định cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho người dân và việc quản lý của cơ quan nhà nước. Đồng thời, đảm bảo việc in ấn thẻ này ra có hợp pháp hay không để đơn vị in có thể thực hiện.
Cá nhân tôi cho rằng, việc in ấn này nằm trong giấy phép kinh doanh, trong lĩnh vực của họ thì hợp pháp. Nếu không có hành vi giả mạo mã QR, cài đặt thông tin thì sẽ không vi phạm pháp luật” - luật sư Hùng cho hay.
Để đảm bảo an toàn thông tin cá nhân, luật sư Hùng cũng khuyên người dân không nên in chứng nhận tiêm chủng nếu thật sự không cần thiết.
Hiện nay, TPHCM đang áp dụng Chỉ thị 18 của UBND TPHCM về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi phát triển kinh tế - xã hội có hiệu lực từ 18h ngày 30.9. Các hoạt động kinh tế - xã hội dần bình thường trở lại, đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới.
Theo Chỉ thị 18, người dân được di chuyển bằng phương tiện cá nhân trong thành phố. Khi tham gia lưu thông, người dân phải sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng Y tế HCM có thể hiện lịch sử tiêm vaccine (đến dữ liệu đồng bộ lên ứng dụng PC-COVID).
Trường hợp không có mã QR, người dân xuất trình các giấy tờ: F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với loại vaccine tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu.
Xem thêm: odl.277069-mchpt-o-gnah-tad-91-divoc-eniccav-ium-2-meit-hnax-eht-ni-uv-hcid/gnourt-iht/nv.gnodoal