Kiểm tra xe cá nhân lưu thông tại chốt kiểm soát cầu Vĩnh Bình trên quốc lộ 13 (giáp TP.HCM - Bình Dương)
Điểm đáng lưu ý là UBND tỉnh Bình Dương đồng ý với dự thảo của UBND TP.HCM về việc cho phép đưa đón chuyên gia, người lao động đi lại làm việc liên tỉnh, cũng như cho phép người dân đi xe cá nhân giữa vùng giáp ranh của hai địa phương, kèm theo một số điều kiện.
Với phương án đưa đón chuyên gia, người lao động liên tỉnh bằng ôtô, UBND tỉnh Bình Dương thống nhất điều kiện của người ngồi trên xe đưa đón là người đã tiêm vắc xin đủ 2 mũi hoặc là F0 đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng và có giấy xét nghiệm âm tính 7 ngày/1 lần như phương án UBND TP.HCM đưa ra.
Với người mới tiêm 1 mũi vắc xin sau 14 ngày thì phải có giấy xét nghiệm âm tính 7 ngày/2 lần (tăng 1 lần xét nghiệm so với phương án đề xuất của TP.HCM).
Đối với người lưu thông liên tỉnh giữa TP.HCM - Bình Dương bằng xe cá nhân, UBND tỉnh Bình Dương cũng kiến nghị chỉ cho phép người đã tiêm đủ hai mũi vắc xin và có giấy xét nghiệm âm tính định kỳ 7 ngày/2 lần lưu thông (thay vì phương án TP.HCM đưa ra là bao gồm cả người đã tiêm 1 mũi sau 14 ngày và xét nghiệm 7 ngày/1 lần).
Ngoài ra, người lưu thông liên tỉnh bằng xe cá nhân còn phải có giấy xác nhận về việc lưu thông có nội dung địa điểm, cung đường... theo mẫu thống nhất.
Trước mắt, do diễn biến của dịch bệnh còn phức tạp nên UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị việc cho người lao động di chuyển bằng xe cá nhân liên tỉnh chỉ áp dụng với địa bàn giáp ranh là thành phố Thủ Đức (TP.HCM) và thành phố Thuận An, Dĩ An (tỉnh Bình Dương).
Một điểm mới được UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị theo hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động. Đó là việc tổ chức xét nghiệm và cấp giấy xác nhận âm tính cho người lao động làm căn cứ đi lại thì các doanh nghiệp có thể tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm về kết quả xét nghiệm đó, bên cạnh việc có thể sử dụng dịch vụ của cơ sở y tế như trước đây.
Quy định cho phép các doanh nghiệp tự xét nghiệm và cấp giấy cho người lao động đã được UBND tỉnh Bình Dương áp dụng đối với việc lưu thông trong nội tỉnh từ ngày 1-10, góp phần tạo sự chủ động và giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và người dân.
Sau khi nhận được góp ý của UBND tỉnh Bình Dương, các quy định về cho phép lưu thông liên tỉnh cần được UBND TP.HCM tổng hợp và ban hành bằng văn bản mới có hiệu lực áp dụng.
Trước đó, UBND TP.HCM đã gửi dự thảo phương án đi lại liên tỉnh cho 4 tỉnh liền kề gồm: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh để UBND các tỉnh có ý kiến góp ý, thống nhất trước khi thực hiện.
TTO - Long An, Tây Ninh đã cơ bản thống nhất về phương án đi lại cho người lao động, chuyên gia giữa TP.HCM và 4 tỉnh thành.