Trái ngược với diễn biến tiêu cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm dầu khí trong phiên hôm nay đồng loạt giữ sắc xanh, thậm chí có nhiều mã lọt top giao dịch.
Chốt phiên giao dịch hôm nay, sắc xanh lan toả trong nhóm cổ phiếu "nhà P". POW tăng 0,78% lên 12.850 đồng/ cổ phiếu, trao tay tới hơn 32 triệu cổ phiếu. PVS giảm 2,4% còn 28.000 đồng cổ phiếu, thanh khoản hơn 18 triệu đơn vị. PVD giảm 3,46% còn 40.500 đồng/cổ phiếu.
"Ông lớn" GAS tăng vọt 4,13% lên 113.500 đồng/cổ phiếu, PVO tăng 3,09% lên 10.000 đồng/cổ phiếu, BSR tăng 0,95%.
Diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu dầu khí đến từ thông tin nhiều nguồn cung dầu mỏ đang bị gián đoạn. Đặc biệt, nhu cầu sử dụng dầu trên thế giới trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19 gia tăng, đẩy giá dầu lên mức kỷ lục.
Giá dầu thế giới tăng mạnh trong phiên 5.10, trong đó giá dầu thô của Mỹ chạm mức cao nhất kể từ năm 2014, còn giá dầu Brent leo lên mức cao của ba năm, sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu đồng minh, hay còn gọi là OPEC+ tuân thủ thỏa thuận tăng sản lượng hiện có, thay vì tăng thêm lượng dầu đưa ra thị trường.
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng hơn 9% lên mức cao nhất 12 năm, do giá toàn cầu tăng, thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ tăng mạnh.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn New York tăng 54,6 US cent tương đương 9,5% lên 6,312 USD/mmBtu – cao nhất kể từ tháng 12/2008.
OPEC+ đã nhất trí tuân thủ thỏa thuận đạt được hồi tháng 7.2021, trong đó tăng sản lượng khoảng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng cho đến ít nhất tháng 4/2021, để bù đắp dần lượng cắt giảm 5,8 triệu thùng/ngày trong kế hoạch hạn chế sản lượng hiện có.
Nhà phân tích cấp cao Phil Flynn của công ty tư vấn và môi giới đầu tư Price Futures Group tại Chicago (Mỹ) cho biết, thị trường nhận thấy nguồn cung có thể thắt chặt trong vài tháng tới, trong khi OPEC có vẻ hài lòng với tình hình đó.
Thực tế, giá dầu đã tăng ở mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Nhiều giao dịch bị đẩy giá lên gần 200 USD/thùng do thiếu nguồn cung. Giá dầu, khí đốt, than đá và điện tăng "phi mã" đang tạo ra sự lạm phát trên toàn thế giới khi đẩy các mặt hàng khác tăng giá. Điều này cũng làm giảm đà phục hồi của các nước sau đại dịch COVID-19.
Một số cho rằng, cuộc họp sẽ gây thất vọng do các nước không thể thống nhất việc bổ sung thêm nguồn cung, bởi một số quốc gia không có khả năng tăng sản lượng, cộng thêm sự hấp dẫn của giá dầu cao khiến các nước không muốn tăng sản lượng để hạ giá.
Xem thêm: odl.671069-toum-hnax-svp-rsb-wop-sag-ihk-uad-ueihp-oc-neihk-od-yl/et-hnik/nv.gnodoal