SKY MAVIS - KỲ LÂN NHANH NHẤT MÀ VIỆT NAM CÓ CƠ HỘI SẢN SINH RA
Có lẽ là đêm mất ngủ đối với đội ngũ sáng lập Sky Mavis – công ty game với đa số là người Việt vừa huy động 152 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B, đạt mức định giá 3 tỷ USD.
Sky Mavis đặt trụ sở tại Singapore, nhưng có thể xem đây là công ty của Việt Nam.
. Giám đốc điều hành (CEO) Sky Mavis, ông Nguyễn Thành Trung, chưa đầy 30 tuổi, từng là một trong những Founder và Giám đốc công nghệ (CTO) của Lozi. Đồng sáng lập còn có Aleksander Leonard Larsen, hiện đang đảm nhiệm vai trò Giám đốc vận hành (COO).
Cho đến thời điểm hiện tại, Sky Mavis nằm trong số những công ty Việt Nam huy động vốn thành công nhất năm 2021. Trước đó, Momo (ví điện tử) thu về 99 triệu USD vòng Series D; VNLIFE (hệ sinh thái số) gọi được 250 triệu USD vòng Series B; Tiki (thương mại điện tử) cho biết đã gọi về 100 triệu USD vòng Series E, hướng đến mục tiêu 200 triệu USD; Equest (giáo dục) nhận vốn đầu tư 100 triệu USD từ KKR; KiotViet (chuyển đổi số) gọi về 45 triệu USD vòng Series B, dẫn đầu bởi KKR…
Nhưng chỉ có Sky Mavis trở thành kỳ lân, mà lại còn là kỳ lân nhanh nhất mà Việt Nam có cơ hội sản sinh ra. Sky Mavis chính xác mất 3 năm 8 tháng để làm được điều này, hai kỳ lân trước đó gồm VNG mất 10 năm và VNLIFE (VNPAY) mất 13 năm.
Trong cuộc trao đổi với người viết vào giữa tháng 7, thời điểm mà Axie Infinity đón nhận cơn sốt về doanh thu tạo ra trên protocol, ông Nguyễn Thành Trung cho biết đội ngũ nhân sự của Sky Mavis chỉ xấp xỉ 40 người.
152 triệu USD là số tiền "khủng" mà một đội ngũ khoảng 40 người có thể đem về
"ĐIỂM BÙNG PHÁT" CỦA AXIE INFINITY
Trên thực tế, "điểm bùng phát" của Axie Infinity chỉ diễn ra cách đây vài tháng. Tháng 4/2021, số người chơi Axie được ghi nhận khoảng 38.000, cho đến nay con số tăng lên 2 triệu, tức là gấp hơn 50 lần.
Điểm mấu chốt của sự tăng trưởng đột phá này đến từ việc Sky Mavis phát hành Ronin – một blockchain đóng vai trò chứa đựng cả thế giới game Axie Infinity. Từ thời điểm này, rào cản đầu tiên với việc tiếp cận thế giới Axie được dỡ bỏ, sau đó làn sóng Play to Earn thu hút ngày càng nhiều người chơi tham gia.
Tuy nhiên CEO Nguyễn Thành Trung phải thừa nhận rằng, thời điểm phát hành Ronin, đội ngũ phát triển cũng không thể ngờ có thể đem lại thành công lớn như vậy.
"Lúc đó dưới cương vị làm sản phẩm, bọn mình chỉ nghĩ làm sao cho toàn bộ quá trình người chơi tương tác với game diễn ra được mượt mà nhất".
Doanh thu luỹ kế của giao thức Axie Infinity và vốn hoá đồng AXS - token trong game
Sự tăng trưởng đột ngột kéo theo những vấn đề hệ thống. Thời điểm đầu, server của Sky Mavis trở nên quá tải, không chịu nổi số lượng người chơi quá lớn. Hệ thống game bất ổn định trong 2 – 3 tuần tạo áp lực rất lớn cho đội ngũ phát triển, ông Trung nhớ lại.
"Trong 2 – 3 tuần đó, chúng tôi phải tái cấu trúc lại hạ tầng bên dưới của game, có nhiều thứ vẫn chưa được chuẩn bị cho sự tăng trưởng mạnh như vậy.
Đó là tổng hoà của nhiều cảm xúc lẫn lộn. Đây không phải là lần đầu tiên sản phẩm mình tham gia phát triển nhận được sự đón nhận của thị trường, nhưng mình vẫn thấy rất vui, giống như đứa con tinh thần được nhiều người đón nhận.
Tuy nhiên, áp lực làm thế nào để đáp ứng được khối lượng người dùng tăng nhanh cũng không hề nhỏ. Những thứ liên quan đến hệ thống, chăm sóc người chơi khiến mình mất ngủ, phải vò đầu bứt tai để giải quyết vấn đề trong thời gian cực kỳ ngắn. Vì khi người dùng tăng lên, nếu không đáp ứng được những nhu cầu, game sẽ bị phàn nàn và có feedback xấu".
Sau những loạng choạng giai đoạn bùng phát và sự thay đổi nhanh chóng để thích ứng, mọi thứ lại trở về với nhịp bình thường.
"Đó là duy trì những thứ bọn mình đã tung ra, xử lý lỗi, tối ưu hệ thống. Bọn mình cũng phát triển thêm các tính năng mới hoàn toàn, những thay đổi lớn dự kiến tung ra trong tương lai, rất nhiều việc cần giải quyết, do đó không có nhiều thời gian để mà vui hay là áp lực".
LIỆU AXIE CÓ PHẢI LÀ ZERO-SUM GAME?
Sự bùng phát số người chơi cũng đồng thời dấy lên câu hỏi, liệu Axie có khả năng trở thành một trò chơi mà những người đến sau có thể chịu rủi ro khi những người chơi trước đã thụ hưởng một cách tương đối những lợi ích và có nhu cầu hiện thực hoá bằng tiền mặt. Hay Axie Infinity liệu có phải là một zero-sum game, nơi có những người chơi thắng cuộc thì sẽ có những người chơi thua cuộc và tổng lợi ích bằng 0? Nói gì thì nói, zero-sum game không xấu, thị trường chứng khoán chính là ví dụ tiêu biểu nhất cho điều này. Quan trọng hơn, đó là việc người chơi hiểu rõ mình đang tham gia vào cuộc chơi gì.
"Bọn mình đã suy nghĩ rất nhiều, đằng sau mô hình kinh doanh của Axie thì điều gì là cốt lõi? Ngay bây giờ, mọi người đang bàn luận nhiều đến yếu tố kinh tế. Nhưng trước khi thị trường crypto bùng nổ, giá cả, lợi ích và những cơ hội tham gia Axie chưa hấp dẫn, lúc đó mọi người bàn luận về yếu tố game nhiều hơn. Sau tất cả, Axie vẫn là một trò chơi, mà đã là trò chơi thì bắt buộc phải vui, phải thực sự khiến cho người chơi cảm thấy hay và thích thú".
Nhóm sáng lập Axie Infinity với phần lớn là người Việt Nam
Còn về Axie Infinity liệu có phải là một zero-sum game không, CEO của Sky Mavis không nghĩ vậy.
"Trong tổng hoà một nền kinh tế của game, nếu có những người chơi chịu chi trả cho việc giải trí của mình, tức là họ đang chịu lỗ để đổi lấy yếu tố giải trí và niềm vui của họ. Chính những người này làm cho Axie Infinity không phải là zero-sum game. Trước đây, số người chơi như vậy khá lớn. Họ không chỉ chơi mà còn tìm hiểu kỹ về chiến thuật, tham gia các giải đấu để cạnh tranh cùng nhau.
Điểm thứ hai, có những người tiếp xúc với Axie vì yếu tố cơ hội, nhưng sau đó lại trở nên yêu thích game và thực sự quan tâm đến yếu tố game nhiều hơn.
Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác, ví dụ có người tham gia để sưu tầm Axie. Tóm lại, rất nhiều người đến với game bởi các mục đích khác nhau".
Ông Trung cho rằng, mọi người đang quan tâm quá nhiều đến yếu tố kinh tế trong Axie mà quên đi rằng đằng sau đó vẫn là một game, thậm chí còn là một game chưa hoàn chỉnh.
Phiên bản hiện tại của Axie Infinity được tung ra từ tháng 12/2019 đến nay đã được gần 2 năm. Đó là một phiên bản đã bắt đầu cũ và vẫn còn rất nhiều thứ đang trong quá trình nâng cấp.
"Mình tin là càng ngày mọi người sẽ nhìn nhận ôn hoà hơn khi mà có nhiều thứ xảy ra trong Axie Infinity. Sản phẩm sẽ dần được hoàn thiện hơn".
SAU PLAY TO EARN VẪN CÒN DIGITAL NATION VÀ NHIỀU THỨ KHÁC
CEO Nguyễn Thành Trung nói rằng, Play to Earn – thứ đang định vị Axie Infinity thời điểm hiện tại chỉ là "bề nổi của tảng băng".
Một trong những tầm nhìn "mơ mộng" hơn với hệ thống của đội ngũ Sky Mavis là muốn xây dựng Axie Infinity trở thành một "quốc gia số" – digital nation.
"Vì sao gọi là quốc gia số, vì nó đúng là quốc gia thật. Chúng ta sẽ có công dân, có người chơi, có nhân vật tương tác trong game và nền kinh tế trong đó. Cái bọn mình đang xây dựng và sẽ phát hành trong thời gian tới là những thực thể rất quen thuộc với một quốc gia. Trong đó cũng sẽ có sàn giao dịch, giống như sàn chứng khoán bên ngoài, sẽ có ngân hàng, rồi chính phủ. Chính phủ ở đây không giống với chính phủ bên ngoài đời thật, chủ yếu liên quan đến quản trị bình bầu. Tóm lại, quốc gia số sẽ giống như Ready Player One".
Nhưng ông Trung cũng nói rằng, ý tưởng này sẽ cần thêm nhiều thời gian để có thể thực hiện mặc dù đại dịch COVID như hiện nay thúc đẩy mọi người chuyển dịch nhanh chóng lên thế giới số, qua đó những ngành liên quan đến online, internet tăng trưởng mạnh mẽ.
Axie Infinity mang đến cuộc cách mạng về game thuộc sở hữu của người chơi
Một thông điệp khác mà Axie Infinity có thể mang tính đại diện, đó chính là game đầu tiên được sở hữu bởi cộng đồng người chơi, thay vì các công ty phát hành. Trong quá khứ, hầu hết những lợi ích mà một trò chơi đem lại thuộc về nhà phát hành, với Axie Infinity, điều này có thể thay đổi.
Sky Mavis chỉ nắm 21% số token AXS của game, phần lớn đang bị khoá cho đến năm 2026. Các quyết định quan trọng đối với giao thức trong tương lai sẽ được thông qua bởi cộng đồng những người sở hữu AXS mà Sky Mavis chỉ là một trong số đó. Cấu trúc này tương đối giống với cổ phần trong công ty cổ phần, nơi cổ đông có quyền voting.
Chưa dừng lại ở đó, Axie Infinity đang trở thành một công cụ giúp người chơi tiếp cận các yếu tố công nghệ, dịch vụ tài chính hoàn toàn tự nhiên. Việc sử dụng sàn giao dịch để trao đổi vật phẩm trong game giúp mọi người biết dùng ví điện tử để quản lý tài sản của mình, ông Trung nói.
"Tất cả các dịch vụ liên quan đến banking bình thường phải trải qua thời gian dài để có thể thay đổi suy nghĩ của người tiêu dùng, nhưng trong Axie, mọi người tiếp cận với những cái đó cực kỳ nhanh và hoàn toàn tự nhiên. Đó là những thứ bọn mình nhìn thấy và dự định làm ngay từ những ngày đầu tiên, sử dụng game như một phương tiện thúc đẩy công nghệ và đem công nghệ đến cho mọi người. Hiện nay, mọi người chưa nhận ra về sự thay đổi xã hội mà game như Axie có thể mang lại…"
Bạch Mộc
Nhịp sống kinh tế