Cảnh sát quốc gia Séc thông báo họ sẽ giải quyết vụ hồ sơ Pandora. Những cáo buộc từ tài liệu này đã tác động đến chiến dịch bầu cử quốc gia.
Sở cảnh sát Séc cho biết, nhiệm vụ của họ là không loại trừ bất kì ai kể cả các lãnh đạo cấp cao của Chính phủ và bao gồm "tất cả các công dân của Cộng hòa Séc được đề cập". Tuyên bố cũng không cho biết thêm thông tin gì khác.
Theo tài liệu từ hồ sơ Pandora, vào năm 2009, một vị lãnh đạo cấp cao của Séc đã mua một lâu đài trị giá 22 triệu USD - có một rạp chiếu phim và hai hồ bơi gần Cannes, Pháp. Tổ chức các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) cho biết, ông này đã sử dụng các công ty vỏ bọc để che giấu danh tính của chủ sở hữu mới.
Nhà chính trị gia này viết trên Twitter cho rằng những cáo buộc của hồ sơ Pandora về ông là nhằm “gây ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử ở Séc”. Đồng thời, ông hoàn toàn không làm gì “bất hợp pháp hoặc sai trái”.
Phát biểu trên kênh truyền hình Séc, ông này dứt khoát phủ nhận các cáo buộc: “Tôi đã trả tất cả các khoản thuế vậy nên điều này hoàn toàn vô lý. Số tiền được gửi từ một ngân hàng Séc là tiền của tôi. Nó đã bị đánh thuế và sau đó nó được trả lại cho một ngân hàng Séc".
Tuy nhiên, phe đối lập của ông này đòi hỏi sự minh bạch hơn. Ivan Bartos - Chủ tịch Đảng Cướp biển - cho biết trên truyền hình Séc: “Điều này đang cho thấy dấu hiệu của tham nhũng đến tận cốt lõi". Chủ tịch Đảng Dân chủ Civic cánh hữu Petr Fiala gọi đây là “một vụ bê bối khổng lồ”.
Milos Brunclik - chuyên gia phân tích chính trị tại Đại học Charles ở Cộng hòa Séc - nhận định: “Đây thực sự là một vấn đề lớn bởi chính vị lãnh đạo từng nhiều lần tự nhận mình là một chiến binh chống lại hoạt động kinh doanh không minh bạch ở nước ngoài. Ông cũng thường xuyên nhấn mạnh rằng ông và các công ty của mình đã nộp thuế tại Cộng hòa Séc.
Ông này đang chỉ hơn liên minh đối thủ vài phần trăm trong các cuộc thăm dò gần đây và những tiết lộ của hồ sơ Pandora có thể ảnh hưởng đến một số cử tri đang cân nhắc bỏ phiếu cho ông".