Em Thanh Thúy - học sinh lớp 6 ở TP.HCM. Năm nay, học sinh lớp 6 sẽ học tích hợp liên môn - Ảnh: TỰ TRUNG
2 - 3 giáo viên đảm nhiệm một môn học. Đó là việc xảy ra với các môn khoa học tự nhiên (gồm phân môn vật lý, hóa học, sinh học), môn lịch sử và địa lý.
Nhiều trường lúng túng
Trong hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, các trường chủ động bố trí kế hoạch dạy học phù hợp với logic các chủ đề của chương trình môn học. Do phần lớn giáo viên không được đào tạo dạy tích hợp nên hiệu trưởng sẽ phân công giáo viên dạy các phân môn theo đúng chuyên ngành được đào tạo.
Vì thế mới có việc môn khoa học tự nhiên lớp 6 có ba giáo viên dạy tương ứng với phân môn vật lý, hóa học và sinh học. Môn lịch sử và địa lý có hai giáo viên đảm nhiệm. Việc xếp thời khóa biểu để giáo viên vừa dạy các phân môn của hai môn tích hợp lớp 6 chương trình mới vừa đảm nhiệm dạy các đơn môn của lớp 7, 8, 9 theo chương trình cũ khiến nhiều trường lúng túng.
Tại Hà Nội, nhiều trường THCS vẫn đang phải dạy song song các phân môn trong môn tích hợp giống như dạy riêng rẽ đơn môn trước đây. Theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Chương Mỹ (Hà Nội), hầu hết các trường không có điều kiện để một giáo viên đảm nhiệm dạy toàn bộ môn khoa học tự nhiên mà vẫn bố trí 2 - 3 giáo viên cùng đảm nhiệm. Nhưng do số lớp đông nên khó có thể bố trí dạy liền mạch đối với môn tích hợp mà phải dạy song song các phân môn.
Chương Mỹ chỉ có hai trường tổ chức dạy học theo logic môn học, còn lại áp dụng cách "dạy trước chủ đề chung, các chủ đề riêng theo từng phân môn thì dạy song song". Việc này cũng phổ biến ở các trường THCS trên địa bàn huyện Đan Phượng, Mỹ Đức, Đông Anh (Hà Nội).
"Nếu dạy song song, việc kiểm tra đánh giá sẽ gặp khó khăn. Nhưng do khó khăn về bố trí giáo viên nên chưa xử lý được", ông Lê Văn Hiến, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Mỹ Đức, cho biết.
Theo đại diện Phòng GD-ĐT huyện Chương Mỹ (Hà Nội) thì không chỉ phải giao giáo viên đơn môn đảm nhiệm theo phân môn mà học sinh cũng phải chuẩn bị vở ghi, các yêu cầu riêng theo đơn môn. Vì thế hầu hết học sinh vẫn chưa có ý thức đó là môn học tích hợp mà xem đó là 3 môn học (tương ứng với ba phân môn).
Giáo viên lý dạy cả hóa, sinh
Tại TP.HCM, hầu hết các trường THCS đều phân công giáo viên dạy môn mới theo chủ trương mỗi giáo viên dạy trọn vẹn cả môn.
Cô Lê Thị Thanh Giang - hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1 - cho biết: "Trường chúng tôi thành lập tổ khoa học tự nhiên khối 6 bao gồm giáo viên lý, hóa, sinh. Tổ lịch sử và địa lý khối 6 bao gồm giáo viên sử và địa. Các tổ sẽ thảo luận và thống nhất chủ đề dạy học, khi đã thống nhất rồi thì các giáo viên cứ thế mà thực hiện.
Mỗi giáo viên sẽ phụ trách giảng dạy ở một số lớp nhất định. Ví dụ giáo viên A trước đây được đào tạo chuyên ngành vật lý, khi được phân công dạy môn khoa học lớp 6/1 thì dạy tất cả các chủ đề của môn khoa học tự nhiên trong đó có kiến thức về lý, hóa, sinh".
Tương tự, cô Đinh Thị Thiên Ân - hiệu trưởng Trường THCS Thanh Đa, quận Bình Thạnh - thông tin: "Khi thực hiện chương trình lớp 6 mới sẽ không có khái niệm môn lý, hóa, sinh, lịch sử, địa lý nữa mà chỉ có hai môn là khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý. Do đó, trường phân công giáo viên đảm nhiệm trọn vẹn một môn chứ không chia ra theo phân môn lý, hóa, sinh bởi vì môn khoa học tự nhiên chỉ có một đầu điểm. Nếu phân công ba giáo viên cùng dạy sẽ rất khó đánh giá học sinh".
Tuy nhiên, nhiều giáo viên ở TP.HCM cũng cho rằng việc phân công giáo viên dạy chéo môn như trên là làm khó người đứng lớp giảng dạy.
"Tôi được đào tạo chuyên ngành hóa, giờ phải dạy cả lý và sinh không phải chuyện dễ dàng. Chưa kể, ngoài việc dự tập huấn theo các module của Bộ GD-ĐT, tôi đã và đang phải học lớp tập huấn dạy môn tích hợp khoa học tự nhiên do giảng viên các trường sư phạm đứng lớp.
Lớp học này kéo dài đã hơn một năm nay mà vẫn chưa xong, rất nặng nề và không hiệu quả. Những điều giảng viên nói trong lớp tập huấn rất khó áp dụng vào thực tế giảng dạy ở trường THCS" - một giáo viên môn hóa ở nội thành TP.HCM phản ảnh.
Ông Phan Văn Quang - phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, TP.HCM - thừa nhận: "Giáo viên được đào tạo chuyên ngành vật lý mà bây giờ yêu cầu họ phải dạy cả kiến thức của hóa và sinh thì đương nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn. Đối với môn lịch sử và địa lý cũng tương tự.
Đặc biệt là giáo viên được đào tạo chuyên ngành sử mà yêu cầu phải dạy địa là điều không dễ dàng. Nhất là đặc thù của môn địa, thầy cô giáo phải dạy cho học sinh cách vẽ biểu đồ, cách tính toán... Thế nên các trường THCS ở Tân Bình đều có thành lập tổ khoa học tự nhiên, tổ lịch sử và địa lý để các giáo viên chia sẻ kinh nghiệm với nhau".
Và để chuẩn bị cho triển khai chương trình lớp 6 mới, ngay từ tháng 6-2021 Phòng GD-ĐT quận Tân Bình đã triển khai cho hội đồng bộ môn quận xây dựng Kế hoạch giáo dục môn học theo chủ đề.
"Tất cả các môn học của chương trình lớp 6 đều phải xây dựng Kế hoạch giáo dục theo chủ đề cho toàn quận. Sau đó, hội đồng bộ môn sẽ giao cho mỗi trường THCS chịu trách nhiệm soạn kế hoạch bài dạy 1 - 2 chủ đề.
Các kế hoạch bài dạy này sẽ được hội đồng bộ môn thẩm định, góp ý. Sau đó Phòng GD-ĐT tiến hành tập huấn trực tuyến cho tất cả giáo viên dạy chương trình lớp 6 mới về việc thực hiện giảng dạy các chủ đề đồng thời gởi kế hoạch bài dạy (đã được góp ý) này về cho tất cả các trường THCS trên địa bàn quận để thực hiện" - ông Quang chia sẻ.
Ngoài ra, ông Quang cũng cho hay: "Nói như vậy không có nghĩa là tất cả các trường THCS ở Tân Bình đều phải dạy đúng như kế hoạch mà Phòng GD-ĐT đưa ra. Kế hoạch bài dạy chúng tôi chỉ nêu những vấn đề cốt lõi mà người giáo viên đứng lớp cần thực hiện như năng lực mà học sinh cần đạt ở mỗi chủ đề, gợi ý phương pháp giảng dạy, đánh giá học sinh trong quá trình giảng dạy…
Tuỳ vào tình hình thực tế người giáo viên sẽ thêm, bớt, gia giảm…cho phù hợp với đối tượng học sinh của lớp mình. Thậm chí, giáo viên có thể không sử dụng kế hoạch bài dạy của quận mà tự biên soạn miễn sao đạt được những yêu cầu cơ bản của chương trình mà thôi".
Bộ GD-ĐT: Các trường có thể điều chỉnh linh hoạt
Ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), gợi ý: "Để giảm tải cho giáo viên, các trường có thể điều chỉnh linh hoạt hơn nữa. Ví dụ ưu tiên xếp thời khóa biểu trước cho lớp 6, trong đó có các môn tích hợp sau đó sẽ điều chỉnh thời khóa biểu các lớp 7, 8, 9.
Ví dụ một giáo viên đang dạy phân môn trong môn tích hợp ở lớp 6 với 4 tiết/tuần thì ở lớp 7, 8, 9 giáo viên đó có thể được bố trí giảm còn khoảng 1 - 2 tiết/tuần sao cho số lượng tiết/tuần không quá lớn. Vào các tuần giáo viên đó đã dạy hết các chủ đề mình đảm nhiệm ở lớp 6 thì có thể điều chỉnh tăng số tiết/tuần ở lớp 7, 8, 9".
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng nhấn mạnh điểm khác biệt của chương trình GD phổ thông 2018 (đang thực hiện ở lớp 6) với chương trình cũ là phân cấp mạnh hơn, giao tự chủ cho các trường. Vì thế các trường được phép linh hoạt xây dựng các phương án linh hoạt khác nhau, tương ứng với điều kiện thực tế của mỗi trường.
Ông Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: "Cần tổ chức dạy học theo đúng tinh thần của môn khoa học tự nhiên. Trường hợp rất đặc biệt, quá khó khăn mới sắp xếp dạy song song các chủ đề nhưng phải bảo đảm tính khoa học, tính sư phạm". Cũng theo ông Nguyễn Hữu Độ, Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với một số sở GD-ĐT để nắm bắt những khó khăn, lúng túng trong triển khai để chỉ đạo các sở GD-ĐT bám sát, hỗ trợ từng trường lựa chọn phương án phù hợp với thực tế.
TTO - Trong chương trình giáo dục phổ thông vừa công bố có hai môn mới ở bậc THCS đang là nỗi lo của nhiều giáo viên và hiệu trưởng. Nỗi lo đến từ nội dung 'tích hợp'.
Xem thêm: mth.84634829070011202-nom-neil-poh-hcit-iov-ior/nv.ertiout