Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - phó giám đốc Công an TP.HCM - trao đổi tại buổi tiếp xúc cử tri - Ảnh: TIẾN LONG
Thông tin trên được đại biểu Nguyễn Sỹ Quang - phó giám đốc Công an TP.HCM - trao đổi tại buổi tiếp xúc của Tổ đại biểu số 2 thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với cử tri quận 1, 3 và Bình Thạnh, sáng 7-10.
Tổ đại biểu gồm: ông Đỗ Đức Hiển - vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp; bà Trần Kim Yến - bí thư Quận ủy quận 1 và ông Nguyễn Sỹ Quang - phó giám đốc Công an TP.HCM.
Trao đổi tại buổi tiếp xúc, đại biểu Nguyễn Sỹ Quang cho biết sau khi TP nới lỏng giản cách, quay lại bình thường mới (sau ngày 30-9), các loại tội phạm trên địa bàn TP có dấu hiệu gia tăng.
Nguyên nhân do tỉ lệ người dân của TP tiêm đủ 2 mũi vắc xin, đủ tiêu chuẩn ra đường rất lớn, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.
Ông Quang cho hay các loại tội phạm đặc trưng của mùa dịch COVID-19 là tội phạm xâm phạm sở hữu như cướp giật, lừa đảo, tội phạm liên quan đến vật tư y tế và tội phạm tín dụng đen lợi dụng việc người dân gặp khó khăn sau dịch để cho vay nóng. Các đối tượng hoạt động rất tinh vi, liều lĩnh nên người dân phải cảnh giác.
Phó giám đốc Công an TP đặc biệt lưu ý người dân cảnh giác cao với tội phạm liên quan đến ma túy. Sau thời gian dài bị cấm ra đường, các đối tượng gia tăng hoạt động rất nguy hiểm. Công an TP.HCM đã có kế hoạch trấn áp các loại tội phạm.
Cũng tại buổi tiếp xúc, một số cử tri nêu thực trạng thời gian qua, xã hội đã nổi lên những tranh luận không đáng có liên quan tới các nghệ sĩ tổ chức quyên góp làm từ thiện.
Các hoạt động từ ủng hộ đợt bão lũ tại miền Trung đến việc ủng hộ, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch đều mang tính tự phát.
Chính bởi việc quyên góp mang tính tự phát, cá nhân và không có tổ chức, những vấn đề lộn xộn đã phát sinh thời gian qua. Cử tri đề nghị cần giám sát các hoạt động hỗ trợ, thiện nguyện.
Trao đổi lại, đại biểu Đỗ Đức Hiển cho biết các hoạt động thiện nguyện hiện nay được thực hiện theo nghị định 64 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện.
Tuy nhiên, nghị định này đã được Chính phủ ban hành từ năm 2008 và có nhiều điểm cần xem xét lại trong thời điểm này. Ông Hiển cho biết sẽ kiến nghị Bộ Tài Chính nghiên cứu để sửa đổi các quy định, nghị định liên quan đến công tác thiện nguyện cho phù hợp với thực tế.
Hỗ trợ để có các trạm y tế lưu động cho doanh nghiệp
Cử tri Trương Thị Mỹ Dung - chủ tịch Liên đoàn Lao động quận 1 - cho hay đến nay, chỉ 30-40% doanh nghiệp trở lại sản xuất, kinh doanh. Để nâng cao khả năng tái tạo nguồn lực, doanh nghiệp, người lao động cần những nội dung, giải pháp cụ thể hơn trong thời gian tới.
"Trong thực tế, sau 4 tháng giãn cách, các doanh nghiệp rất vất vả khi phải đi kiếm đối tác, khách hàng, người lao động mới. Trong khi đó, nhiều người lao động lại lâm vào cảnh mất việc vì dịch bệnh", bà Dung nêu ra sự mâu thuẫn.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận 1 đề xuất chính quyền thành phố ưu tiên tiêm bao phủ mũi 2 vắc xin ngừa COVID-19 đối với công nhân để họ đủ điều kiện đi làm trở lại.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ để có các trạm y tế lưu động nhằm xử lý các tình huống liên quan đến dịch COVID-19 mà không ảnh hưởng đến quá trình hoạt động.
TTO - Công an TP.HCM cho biết sau khi nới lỏng giãn cách, các băng nhóm tội phạm sẽ gia tăng hoạt động. Vì thế các đơn vị công an quận, huyện, TP Thủ Đức tập trung trấn áp để đảm bảo bình yên cho cuộc sống nhân dân...