Ngày 6-10 tại TP. Zurich (Thụy Sĩ) diễn ra cuộc hội đàm giữa Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc - ông Dương Khiết Trì. Trọng tâm cuộc hội đàm là về hướng đi cho quan hệ song phương.
Bầu không khí được cải thiện hơn hồi ở Alaska
Theo tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 7-10, cuộc hội đàm kéo dài 6 tiếng đồng hồ.
Phía Trung Quốc đã mô tả các cuộc hội đàm mang tính xây dựng. Trong đó ông Dương đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những cử chỉ tích cực từ Washington trong việc cải thiện bầu không khí. Phía Mỹ đã đề nghị tổ chức một cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Song cuối cùng hai bên nhất trí cuộc gặp sẽ diễn ra trực tuyến, vào cuối năm.
Phái đoàn TQ do ông Dương Khiết Trì dẫn đầu (phải) hội đàm với phái đoàn Mỹ do ông Jake Sullivan dẫn đầu (trái) tại TP. Zurich (Thụy Sĩ) ngày 6-10. Ảnh: XINHUA
Một nguồn tin Trung Quốc cho biết bầu không khí cuộc hội đàm giữa ông Dương và ông Sullivan được cải thiện nhiều, không có giọng điệu đối đầu như cuộc hội đàm trước đó giữa quan chức hai nước hồi tháng 3 tại TP. Anchorage, bang Alaska (Mỹ).
"Trung Quốc coi trọng những tuyên bố tích cực gần đây của Tổng thống Biden về quan hệ Trung-Mỹ" – tuyên bố của chính phủ Trung Quốc dẫn lời ông Dương.
“Trung Quốc lưu ý rằng Mỹ tuyên bố họ không có ý định kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc và sẽ không tham gia vào một ‘cuộc chiến tranh lạnh mới’” – ông Dương cho hay.
"Trung Quốc hy vọng rằng Mỹ sẽ áp dụng một chính sách hợp lý và thực dụng đối với Trung Quốc và làm việc với Trung Quốc nhằm tôn trọng lợi ích cốt lõi và mối quan tâm chính của nhau" – tuyên bố dẫn lời ông Dương.
Phía Mỹ cũng nhận xét rằng cuộc hội đàm tại Zurich kết thúc với “giọng điệu khác cuộc hội đàm tại TP Anchorage” và là “cuộc trò chuyện chuyên sâu nhất” của hai cường quốc trong nhiệm kỳ Tổng thống Biden cho đến nay.
Bảy tháng trước, tại cuộc gặp ở bang Alaska, ông Dương đã đả kích Mỹ, nói rằng Washington không có quyền nói chuyện với Trung Quốc từ một “vị thế cường quốc”. Một tuyên bố do Trung Quốc đưa ra sau cuộc họp này đã bày tỏ sự tức giận của Bắc Kinh đối với những chỉ trích của Washington về hệ thống quản trị của Trung Quốc cùng nhiều lĩnh vực khác, chẳng hạn vấn đề Hong Kong.
Bàn về Hong Kong, Tân Cương, Biển Đông
Tại cuộc hội đàm ngày 6-10, ông Dương và ông Sullivan đã có những "trao đổi toàn diện, thẳng thắn và sâu sắc", sự khác biệt trên nhiều vấn đề đã được nêu bật và hai bên đã cam kết sẽ duy trì liên lạc.
Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc - ông Dương Khiết Trì (trái) và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan (phải) trong cuộc đối thoại Mỹ - Trung ở bang Alaska, Mỹ hồi tháng 3. Ảnh: SCMP
Theo phía Mỹ, gặp ông Dương, ông Sullivan đã nêu bật các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, tình hình ở Hong Kong và việc triển khai quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Tuyên bố của Trung Quốc không nêu chi tiết về các vấn đề được thảo luận, nhưng cho biết cuộc hội đàm đề cập Hong Kong, Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng, nhân quyền và tranh chấp hàng hải.
Có sự khác biệt đáng chú ý giữa các tuyên bố của hai bên. Nhà Trắng cho biết cuộc hội đàm nhằm quản lý sự cạnh tranh giữa hai bên một cách có trách nhiệm, trong khi tuyên bố của Trung Quốc dẫn lời ông Dương nói rằng Bắc Kinh phản đối việc coi quan hệ Trung-Mỹ là "sự cạnh tranh". Ông Pang Zhongying - chuyên gia về quan hệ quốc tế tại ĐH Đại dương Trung Quốc – nhận định rằng cuộc hội đàm tại Zurichkéo dài tới 6 tiếng là bất thường và là tín hiệu cho thấy cả hai bên đang nỗ lực cải thiện quan hệ. “Đó là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa hai quốc gia đang được cải thiện. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không muốn coi mối quan hệ của họ với Mỹ là cạnh tranh. Họ muốn nhấn mạnh thêm về hợp tác” – ông Pang cho hay. |