Giá bông tăng mạnh và sự nhạy bén của giới đầu tư Việt Nam
Bông đang góp phần làm "rung chuyển" thị trường hàng hóa thời gian qua, cùng với khí tự nhiên và dầu thô. Giá hợp đồng bông kỳ hạn tháng 12 trên Sở ICE đã tăng 22% chỉ trong 11 phiên vừa qua, leo lên mức cao nhất 10 năm. Chỉ trong phiên hôm 6/10, giá bông đã tăng thêm 1.96% lên mức 2,448 USD/tấn.
Trong dự báo sản lượng bông mới nhất vào tháng 10 và dự báo tồn kho cho niên vụ 2021/22, Ủy ban Tư vấn Bông Quốc tế (ICAC) đã dự báo sản lượng bông toàn cầu của vụ này sẽ vào khoảng 25,7 triệu tấn, cao hơn 6% so với năm trước, nhưng vẫn thấp hơn mức sản lượng trước đại dịch Covid-19. Sản lượng dự kiến tăng ở các nước phát triển như Australia, Brazil và Mỹ.
Và vì thế, giá những chiếc quần jeans, áo phông, đồ nội thất hay thậm chí cả chiếc thảm trải sàn cũng có thể khiến bạn phải trả giá cao hơn rất nhiều trong thời gian tới. Vào đầu tháng 9, giá các sản phẩm may mặc tại Mỹ đã tăng mạnh hơn 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đánh giá của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), một vài yếu tố khác nhau đã thúc đẩy giá bông liên tục lập đỉnh mới, bao gồm thời tiết nắng nóng khắc nghiệt ở Mỹ gây ảnh hưởng lớn tới sản lượng bông, trong khi nhu cầu từ Trung Quốc đang tăng lên rất mạnh.
Mặc dù giá cước vận tải tuyến đường biển Mỹ - Trung hiện nay đã giảm trở lại sau khi tăng vọt vào đầu năm, nhưng với kỳ vọng tiêu thụ bông còn tăng lên vào những tháng tới thì giá mặt hàng này sẽ vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao.
Với thị trường giao dịch các hợp đồng kỳ hạn, giới đầu tư trong nước đang rất nhanh nhạy và tỏ ra hứng thú trước bối cảnh này. Theo thống kê của Trung tâm Thanh toán Bù trừ MXV, các vị thế mở mới ở MXV tiếp tục có xu hướng tăng dần từ đầu tháng 7, giá trị giao dịch mặt hàng bông mỗi phiên hiện nay đã lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Từ chỗ chỉ là mặt hàng trong nhóm được quan tâm thứ 5 tại Việt Nam sau nông sản, cà phê, năng lượng và kim loại, bông hiện đang là một trong ba mặt hàng có khối lượng giao dịch lớn nhất và tính thanh khoản cao nhất tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.
Quan hệ thương mại Mỹ - Trung có ý nghĩa lớn đối với giá bông thế giới
Nhu cầu tăng mạnh từ Trung Quốc hiện nay cũng có thể phản ánh tác dụng phụ của quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Vào cuối tháng 12 năm ngoái, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã cấm các công ty trong nước nhập khẩu bông và các sản phẩm bông có xuất xứ từ khu vực Tân Cương, phía tây Trung Quốc, do lo ngại về tình trạng cưỡng bức người lao động.
Các nhà phân tích cho rằng lệnh cấm đó, vẫn được áp dụng trong thời chính quyền Tổng thống J.Biden, và đã khiến một số công ty Trung Quốc mua bông Mỹ làm nguyên liệu, sau đó bán ngược sản phẩm trở lại nước này và các thị trường khác.
Trung Quốc mua rất nhiều bông của Mỹ, ngay cả khi lệnh cấm nhập khẩu từ thời D.Trump hạn chế việc sử dụng chất xơ dệt từ Trung Quốc. Hệ lụy của việc này là người tiêu dùng sẽ phải chịu một mức giá rất cao cho các sản phẩm may mặc.
Bông là một trong ba loại cây trồng hàng đầu ở bang Mississippi, sau đậu tương và ngô, hai loại hàng hóa đã tăng vọt trong năm nay khi hạn hán xảy ra nghiêm trọng tại Mỹ. Ông Andy Gipson, Ủy viên Bộ Nông nghiệp và Thương mại Mississippi cho biết: "Vì giá cả tăng cao đang khiến nhiều nhà sản xuất dệt may phải quyết định sử dụng các loại vải thay thế khác".
Hiện nay, bông Mỹ chiếm khoảng 50% nguyên liệu bông đầu vào của Việt Nam, phần lớn lượng nhập khẩu còn lại là từ Australia. Trong khi Trung Quốc là thị trường cung cấp hơn 60% xơ, sợi dệt cho nước ta.
Xuất khẩu bông của Mỹ niên vụ 2020/21 được dự báo sẽ ở mức cao nhất trong 15 năm qua, nhờ nhu cầu tăng cao kỷ lục. Lần đầu tiên sau 6 năm, Trung Quốc vượt qua Việt Nam trở thành điểm đến lớn nhất của bông Mỹ, với hơn 5 triệu kiện và chiếm tới 1/3 lô hàng của nước này. Tuy nhiên, xuất khẩu của Mỹ tới các thị trường còn lại đã sụt giảm so với năm trước.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, bên cạnh việc giá bông nguyên liệu tăng cao thì nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứng và thiếu hụt người lao động sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới ngành dệt may nước ta trong quý IV. Sau khi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đợt bùng phát dịch vừa qua, các tỉnh thành phía Nam chưa thể trở lại với trạng thái "bình thường mới" trong hoạt động sản xuất kinh doanh như trước.
Tỷ lệ tiêm phủ vaccine Covid-19 chưa đủ kết hợp với tâm lý lo ngại giãn cách xã hội sẽ cản trở người lao động trở lại làm việc. Điều này sẽ mang đến một bài toán mới đối với doanh nghiệp dệt may trong nước, đó là bài toán quản trị nguồn nhân lực, nhiều hơn là vấn đề liên quan tới giá đầu vào. Bởi với các hợp đồng đã được bảo hiểm rủi ro đến hết tháng 3/2022, các doanh nghiệp hoàn toàn không cần lo lắng về giá đầu vào.