Chiều ngày 7/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam nhân dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
Trong bài phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đề cập đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và kiến nghị nhiều đề xuất với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Theo ông Phạm Tấn Công, cuộc chiến chống Covid-19 đã làm nhiều doanh nghiệp kiệt sức, nhiều lĩnh vực kinh doanh kiệt quệ, tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19, doanh nghiệp mất hợp đồng, mất dòng tiền, tương lai phía trước là tài chính suy kiệt, lực lượng lao động tan rã. Việc khôi phục lại sản xuất sẽ là bài toán nan giải, nguy cơ nhiều doanh nghiệp đóng cửa, việc làm không được khôi phục, an sinh xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Tình hình đặc biệt này đòi hỏi Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ phải có cách làm đặc biệt và những quyết sách đặc biệt để giải nguy cho những doanh nghiệp đang khó khăn”, ông Phạm Tấn Công bày tỏ.
Trên cơ sở đó, thay mặt giới doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch VCCI đã đề xuất thêm với Chủ tịch Quốc hội: “Lấy Covid-19 làm động lực thực hiện đột phá trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, đặc biệt cần chủ động rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp lý và các quy định, chính sách cho phù hợp với điều kiện “bình thường mới”.
Mạnh dạn phá bỏ ngay những quy định cũ không còn phù hợp, xem xét ban hành các quy định pháp lý đặc biệt, trong thời hạn nhất định, để tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, khôi phục tăng trưởng kinh tế và đưa Việt Nam bứt lên giành vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu”.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh", nhanh chóng khôi phục sản xuất, ông Phạm Tấn Công cũng đề xuất 4 giải pháp có tính chất cấp bách, đột phá để hỗ trợ doanh nghiệp.
Thứ nhất, chủ động rà soát, sửa đổi bổ sung ngay những quy định pháp luật, chính sách về kinh doanh đang là rào cản, gây cản trở đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo ông Phạm Tấn Công cần tập trung vào các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp thực tiễn, chưa vì lợi ích chung của nền kinh tế… tại Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật hỗ trợ DNNVV, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật phá sản… để chủ động tránh nguy cơ chính sách lạc hậu trở thành điểm nghẽn cho hoạt động của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới.
Bên cạnh đó, cần triển khai nhanh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý cho quản lý, phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số.
Trong bối cảnh mới, cần khẩn trương nghiên cứu thực hiện các cơ chế, chính sách mới có quy mô tác động đủ lớn, thời gian thực hiện trong trung và dài hạn đáp ứng mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh. Đồng thời, hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể doanh nghiệp; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch; kích thích tiêu dùng trong nước, bảo đảm an sinh xã hội.
Thứ hai, xem xét việc nâng trần nợ công quốc gia để tăng quy mô các gói hỗ trợ ứng phó Covid-19.
Theo ông Phạm Tấn Công, hiện nay các gói hỗ trợ của Nhà nước mới đạt khoảng 2,2% GDP là mức khá thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan là 15,6%, Malaysia 8,8%, Indonesia 5,4%, Philippines 3,6% GDP. Các gói hỗ trợ duy trì và phục hồi kinh tế cần đủ lớn và kịp thời để nắm bắt được thời cơ phục hồi.
Mặt khác, tổng nợ công/GDP của Việt Nam hiện đang ở mức thấp, vì vậy việc xem xét nâng trần nợ công quốc gia là giải pháp hợp lý, tạo nguồn ngân sách để phục vụ mục tiêu tăng trưởng, khôi phục kinh tế, mở rộng quy mô các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp. Với GDP ước tính năm 2020 của Việt Nam là gần 6,3 triệu tỷ đồng, các gói hỗ trợ có thể mở rộng đến 4% GDP, tương đương 250.000 tỷ đồng.
Thứ ba, nghiên cứu ban hành một số chính sách tài khóa, tiền tệ có tính chất đột phá. Hiện nay cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước chủ yếu dưới hình thức gián tiếp thông qua chính sách giãn, hoãn, kéo dài thời gian thực hiện các nghĩa vụ thuế, khoản vay đối với doanh nghiệp.
Với tình thế "sống còn", tình trạng "kiệt quệ" hiện nay của các doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét các chính sách trực tiếp với mức độ hỗ trợ mạnh hơn, cụ thể:
Xem xét bổ sung gói hỗ trợ cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp, nhất là các DNNVV với mức độ khoảng từ 3-5%/năm so với lãi suất thị trường, tập trung vào các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như du lịch, hàng không, vận tải, y tế, giáo dục đào tạo…
Xem xét mức giảm thuế TNDN, thuế VAT, tiền thuê đất ở mức cao hơn so với mức hỗ trợ giảm 30% như hiện nay lên mức 50%; giảm mức nộp BHXH, BHYT, BHTN 50% trong các năm 2021, 2022. Nghiên cứu, xem xét giảm mức thuế VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021, 2022. Xem xét giảm phí công đoàn doanh nghiệp phải nộp ở mức 50% so với quy định hiện hành.
Thứ tư, cần đẩy nhanh việc xây dựng và triển khai chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế, có phân chia giai đoạn, phân chia nhóm đối tượng để có chính sách phù hợp, tránh cào bằng và cần có tham vấn rộng rãi ý kiến cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, cần có phương án ổn định và phục hồi lại thị trường lao động.
"Nhìn dòng người ồ ạt rút khỏi Tp.HCM và các trung tâm kinh tế phía Nam, có thể thấy cấu trúc lao động cũ đã bị phá vỡ, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với thách thức to lớn về lao động trong giai đoạn 6 tháng tới, vì vậy cần có ngay các gói hỗ trợ doanh nghiệp thu hút và đào tạo lại lao động được thiết kế dễ tiếp cận, có quy mô và mức hỗ trợ phù hợp", ông Công chia sẻ.