Học sinh ở TP.HCM trong giờ học online - Ảnh: MAI PHI
Tại buổi họp báo chiều 7-10, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết sở đang tổ chức dạy và học trên môi trường Internet, dạy qua truyền hình và các môi trường khác.
Theo thống kê, khối tiểu học và THCS tỉ lệ học trực tuyến khá cao, với tiểu học và THCS là 97%, THPT là 99%.
Ở cấp tiểu học, còn hơn 30.000 em đang ở tạm tại các tỉnh thành khác, trong đó có 26.000 em ở tỉnh nhưng đăng ký học trực tuyến tại TP.HCM, hơn 5.000 em chưa có thiết bị đang học tạm ở các trường tiểu học của các tỉnh thành.
Đến nay, còn một số nhỏ các em không có thiết bị và học tại nhà, thầy cô sẽ chuyển các phiếu học tập hướng dẫn học tập tại nhà.
Ông Hiếu cho biết việc dạy và học trực tuyến còn nhiều khó khăn do số lượng học sinh của TP là rất lớn, hơn 1,3 triệu. Số lượng này cùng lúc đăng nhập trên hệ thống gây quá tải đường truyền.
Sau tuần đầu nhiều trục trặc, Sở Giáo dục và đào tạo có văn bản gửi Sở Thông tin và truyền thông, Công ty phần mềm Quang Trung đề nghị có giải pháp hỗ trợ dung lượng đường truyền để tăng khả năng phục vụ việc dạy và học trên môi trường Internet.
Tuy nhiên, cơ sở vật chất trong thời gian giãn cách xã hội không dễ đáp ứng, nâng cấp. Sở Giáo dục và đào tạo cũng đã phối hợp với Trung tâm công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia xây dựng hệ thống GMS dạy học rất hiệu quả. Tuy nhiên khi có 400.000 học sinh truy cập thì hệ thống này tê liệt hoàn toàn.
Ông Hiếu cho biết cách dạy và học ở TP khác với cách dạy và học ở một số tỉnh thành. Quá trình dạy - học có quản lý, phân công nhiệm vụ cho học sinh tự nghiên cứu bài học và trao đổi, giao tiếp với thầy cô giáo, bạn bè trước giờ livestream nhằm giảm bớt thời lượng livestream.
Về kết quả dạy và học, 2 tuần đầu ở cấp tiểu học do không đặt nặng lượng kiến thức cho các em học sinh, nên việc tiếp nhận kiến thức khá tốt. Lớp 1, lớp 2 sở chuẩn bị dạy học trên truyền hình đến hết học kỳ I nên các clip dạy và học trên truyền hình khá phong phú, đáp ứng được yêu cầu học. Các lớp khác vẫn dùng chương trình cũ.
TP có hơn 1.500 cơ sở giáo dục được trưng dụng để phục vụ cho việc phòng chống dịch COVID-19. Đến nay có 10%, tức khoảng 150 trường, đã có chủ trương trả lại cho ngành giáo dục để sửa chữa, khử khuẩn, đưa vào dạy học trực tiếp trở lại.
Hiện nay, ở các cơ sở này, số bệnh nhân vào ít và đang cuốn chiếu dần nhằm kết thúc nhiệm vụ phòng chống dịch cho các trường học. Dự kiến giữa tháng 11 hoàn tất nhiệm vụ chuyển giao và các trường có khoảng hơn 1 tháng để sửa chữa, khắc phục. Đến đầu tháng 1-2022 sẽ dạy học trực tiếp trở lại.
Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo thông tin UBND huyện Cần Giờ có văn bản đề xuất cho 2 trường ở xã đảo Thạnh An dạy học trực tiếp trở lại từ 11-10. Sở đã đi kiểm tra, nắm tình hình, yêu cầu xử lý thêm một số nội dung, xây dựng bộ tiêu chí và đội chống COVID-19 tại chỗ để đảm bảo an toàn khi các em học sinh đến trường trở lại.
Theo kế hoạch của Cần Giờ, chỉ có khối lớp 1, 2, 6, 9, 12 là đề nghị đi học trực tiếp trở lại, với số lượng 242 học sinh, 60 giáo viên và đã đảm bảo đủ an toàn để học trực tiếp.
TTO - Sau 4 tháng tạm ngưng do tình hình dịch COVID-19, các tuyến xe buýt ở huyện Cần Giờ, TP.HCM sẽ hoạt động trở lại từ ngày 5-10 sau khi đáp ứng các tiêu chí về phòng chống dịch trong lĩnh vực vận tải.
Xem thêm: mth.4985507170011202-ial-ort-gnourt-ned-eht-oc-mch-pt-na-hnaht-oad-ax-o-hnis-coh/nv.ertiout