Chie Tanaka sinh năm 1981, là một người mẫu kiêm diễn viên Nhật Bản sống tại Đài Loan. Cô ra mắt năm 17 tuổi khi xuất hiện trong bộ phim truyền hình “Bishyoujou H” nhưng không nhận được nhiều sự chú ý tại thời điểm đó.
Mãi tới năm 2008, khi “Cape No.7” được ra mắt và trở thành bộ phim ăn khách thứ hai trong lịch sử điện ảnh Đài Loan, Chie Tanaka mới được công chúng nhận ra nhiều hơn.
Tại thời điểm đó, Đài Loan biết đến Chie Tanaka từ vai cô bạn Tomoko trong bộ phim này. Nhưng ở Nhật Bản, khi Chie Tanaka ra mắt, giới truyền thông và khán giả đã gọi cô là "Con gái của Tony Tanaka".
Hóa ra cha cô, Tony Tanaka, là một "ông trùm" nổi tiếng trong ngành mỹ phẩm tại Nhật Bản. Thương hiệu do ông sáng lập đã mang lại cho gia đình Tanaka khối tài sản gần 700 triệu Đài tệ, theo Business Weekly.
Không bao giờ mua sắm nóng vội, cân nhắc độ bền trong 10 năm
Là “tiểu thư” trưởng thành trong gia cảnh giàu có nhưng Chie Tanaka không có thói quen tiêu xài lãng phí, hưởng thụ xa hoa. Cô từng nói, “Tôi đã học được từ tấm gương và lời nói của cha mẹ tôi rằng, chúng ta nên trân trọng từng xu và tiết kiệm càng nhiều càng tốt.” Vì lẽ đó, chỉ vào những ngày kỷ niệm đặc biệt, hoặc khi muốn tự thưởng cho bản thân, cô mới chi nhiều tiền hơn cho những món đồ đắt đỏ.
"Mẹ tôi thường kể rằng, khi tôi chưa sinh ra, công việc kinh doanh của gia đình chưa có gì. Để có tiền mua sữa bột cho anh trai tôi vừa mới sinh, bố đã phải đi mót từng xu lẻ rơi quanh máy bán hàng tự động và trạm điện thoại công cộng.” Chie Tanaka cho biết, từ năm cô 9 tuổi, tình hình tài chính của gia đình mới dần được cải thiện.
Khi đó, dù giàu sang hơn nhưng mẹ Chie Tanaka vẫn duy trì thói quen tiết kiệm mỗi ngày. Mỗi ngày, bà đều tự tay làm bữa trưa cho mọi người mang đi học, đi làm. Nếu giày hay túi bị hỏng, bà sẽ tự tay vá lại để dùng tiếp chứ không trực tiếp vứt bỏ.
"Tôi học được từ mẹ mình rằng, khi mua một thứ gì đó, bạn phải cân nhắc xem nó có dùng được hơn 10 năm hay không. Nếu không, đừng mua. Một khi đã mua thì phải trân trọng nó", Chie Tanaka nói.
Cho đến bây giờ, tiểu thư của ông trùm mỹ phẩm Nhật Bản vẫn còn sử dụng rất nhiều món đồ cũ. Chiếc ví nhỏ đựng thẻ được cô giữ từ năm 10 tuổi đến nay. Rất nhiều vật dụng hàng ngày, những phụ kiện nhỏ trong nhà cũng có “tuổi đời” 15 năm.
Nhờ tư duy tiêu dùng như vậy, Chie Tanaka không quan tâm tới các loại thương hiệu nổi tiếng. Những tiêu chí đầu tiên mà cô cân nhắc về một món đồ là chất lượng và độ bền của nó.
Cô cũng có thói quen không bao giờ mua hàng nóng vội. Trong một lần cùng bạn bè đi shopping, cô có mặc thử một bộ đồ hàng hiệu. Thời điểm đó, cô khá ưng ý với bộ đồ nhưng không quyết định mua ngay. Thay vào đó, Chie sẽ về nhà, suy nghĩ ít nhất 1 ngày trước khi thực hiện thanh toán.
Chie Tanaka, con gái ông trùm mỹ phẩm Nhật Bản, luôn suy nghĩ kỹ càng trước khi mua sắm. Ảnh: Pinterest
Tuổi trẻ kiếm được quá nhiều tiền chưa chắc đã là chuyện tốt
Vào thời điểm khi mới tới xứ người, "Cape No.7" vẫn chưa ra mắt, Chie Tanaka không có thu nhập nào trong thời gian dài. Cô phải sống dựa vào khoản tiền đã vay từ mẹ, đồng thời nhận chụp ảnh quảng cáo lẻ tẻ.
Để tiết kiệm chi phí, Chie đã kiểm soát chi phí ăn uống hàng tháng dưới 3.000 Nhân dân tệ, tương đương khoảng 10,5 triệu đồng. Hầu hết thời gian, cô sẽ tự đi chợ và nấu ăn ở nhà.
Đến khi "Cape No. 7" ra mắt năm 2008, đạt doanh thu phòng vé hơn 500 triệu Nhân dân tệ, các diễn viên trong phim mới dần trở nên nổi tiếng. Chie mới bắt đầu có thêm các hợp đồng và nguồn thu nhập hậu hĩnh. Tuy nhiên, cũng chính khoảng thời gian bận “bù đầu bù cổ” lại khiến cô cảm thấy kiệt quệ.
Chie Tanaka nói: “Nhìn lại khoảng thời gian nổi tiếng trước đây, bên ngoài xinh đẹp nhưng lòng tôi lúc nào cũng không yên. Có chút lạc lõng, trống rỗng, cảm thấy không có điểm dừng chân hay níu giữ bản thân.”
Đó là thời điểm Chie bận tới nỗi không có thời gian để ngủ. Nhiều khi định thần, ngồi ngẫm lại, cô thậm chí không biết mình đang làm gì, đang ở đâu. Nhưng ngay sau đó, tâm trí lại tiếp tục bị cuốn vào guồng quay công việc mà không thể rút ra.
Năm 2010, Chie Tanaka nghe theo gợi ý của một người bạn để mua một căn nhà ở Đài Bắc. Mỗi tháng, số tiền cho thuê nhà của cô lên tới 80.000 Nhân dân tệ. Cộng thêm thu nhập khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, Chie luôn rủng rỉnh tiền tiêu dù phải trả khoản vay hàng tháng. Nhưng cô không thích cảm giác bị “đồng tiền đuổi theo” như vậy. Sau hơn 2 năm, Chie quyết định bán nhà, chỉ nhận về một khoản lãi nhỏ.
Chie Tanaka cho rằng: “Từ những kinh nghiệm này, tôi rút ra nhiều điều cho bản thân. Thời điểm tuổi trẻ có được quá nhiều chưa chắc đã là chuyện tốt.”
Chie Tanaka nhận thấy việc mua nhà sẽ có áp lực vay nợ và kéo dài trong nhiều năm liền. Hơn nữa, thu nhập từ công việc nghệ thuật tương đối bấp bênh, không kiếm được thu nhập cố định hàng tháng. Nếu gánh thêm áp lực kinh tế, cô cảm thấy tâm lý không thoải mái nên đã quyết định từ bỏ.
Con gái ông trùm mỹ phẩm Nhật Bản xuất hiện trong một sự kiện với trang phục và phụ kiện không quá cầu kỳ, xa hoa. Ảnh: Getty Images
Thấm nhuần tư tưởng bằng cách "Tiết kiệm càng nhiều tiền càng tốt" của mẹ, cô cảm thấy tự tin trong việc kiểm soát chi phí hàng tháng của mình hơn. Nỗ lực kiếm tiền trong khả năng và hạn chế đầu tư vào những thứ mà mình không hiểu, đó là cách Chie Tanaka quản lý tài chính.
“Quan niệm về tiền bạc của tôi là, đừng kiếm quá nhiều tiền. Bởi vì nếu có quá nhiều tiền cùng một lúc, bạn sẽ khó kiểm soát bản thân”, Chie Tanaka nhấn mạnh.
Quan điểm đặc biệt này khiến Chie rất trân trọng những gì mình làm ra. Cô cân nhắc các khoản chi tiêu sao cho hợp lý nhất và không cho phép bản thân được tiêu xài lãng phí hay hưởng thụ xa hoa.
Hiện tại, cho dù công việc bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19, Chie vẫn có cuộc sống rất ổn định. Cô có một khoản quỹ tiết kiệm không nhỏ và quỹ riêng dành cho những trường hợp rủi ro đột xuất.
Sau tuổi 40, Chie Tanaka quyết định tiếp nhận một phần sự nghiệp của gia đình. Cô hiểu rằng, cha mình đã 72 tuổi, không thích hợp để làm lụng vất vả nữa. Cô cũng cần tranh thủ khoảng thời gian này để học hỏi nhiều hơn từ kinh nghiệm của ông.
Sau khi đưa ra quyết định này, Chie đã dùng tiền tiết kiệm của mình để lên kế hoạch mua một ngôi nhà riêng ở quê hương Tachikawa, Tokyo. “Đó là gốc rễ của tôi nên chỉ cần một ngôi nhà kinh phí 30 triệu Yên (tương đương khoảng 6,1 tỷ đồng) là đủ rồi”, cô cho biết.
Chie Tanaka nói rằng, tuy mình không am hiểu cách đầu tư và quản lý tài sản nhưng để mua nhà, cô sẽ làm việc chăm chỉ và tiếp tục tiết kiệm tiền. Đó là phương thức tích lũy vững chắc nhất mà cô am hiểu suốt mấy chục năm nay.
Mặc dù có một người cha giàu có, Chie Tanaka đã không sống dựa dẫm vào của cải gia đình kể từ khi 16 tuổi. Đó chính là lý do giúp cô xây dựng và giữ vững những nguyên tắc tài chính của riêng mình.
*Theo Business Weekly
Theo Thúy Phương
Nhịp sống kinh tế