Chi phí xét nghiệm, theo giải thích của Bộ Y tế, bao gồm giá của kit test, vật tư xét nghiệm và chi phí thực hiện xét nghiệm. Do đó, để chi phí xét nghiệm giảm, theo các chuyên gia, trước hết cần phải hạ giá kit test, thông qua tạo cơ chế thị trường cạnh tranh hơn cho mặt hàng này.
Theo chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng, càng nhiều doanh nghiệp được tham gia vào thị trường, giá kit test xét nghiệm sẽ càng được giảm hơn.
Ghi nhận của VnExpress, giá kit test thời gian qua đã giảm được 30-50% khi số lượng doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này tăng từ 2 đơn vị hồi đầu tháng 7 lên 25 đơn vị vào cuối tháng 9.
Tuy nhiên, không phải cứ kit test trên thị trường giảm thì giá xét nghiệm sẽ giảm theo ngay.
Chia sẻ với VnExpress, một số địa phương cũng giải thích, họ không nhất thiết chọn thầu kit test loại giá thấp nhất trên thị trường vì có thể không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng. Như với Quảng Trị, bà Đào Thị Minh Hồng, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính (Sở Y tế Quảng Trị), cho biết địa phương này đã sử dụng nhiều loại test của các nhà tài trợ, nhưng các đơn vị y tế phản hồi độ dương tính giả cao hơn, hư hỏng nhiều hơn. Trong khi đó, số kit test tỉnh tự mua theo giá thầu 162.750 đồng một chiếc hồi tháng 7 (đến tháng 9 giảm còn 126.000 đồng một chiếc) được phản hồi độ chính xác, an toàn cao hơn.
Vị này thừa nhận mua sắm vật tư y tế giai đoạn này rất nhạy cảm khi đặt giữa hai yêu cầu: vừa tiết kiệm ngân sách vừa hiệu quả. Nhưng bà Hồng cho rằng "tiền nào của nấy". "Chọn mua loại rẻ nhất thì tính chính xác không cao, dẫn đến việc cách ly và phong toả thì tốn kém hơn", bà nói.
Là một tỉnh bị ảnh hưởng nặng do Covid-19, Bình Dương đã thực hiện khoảng 10 triệu lượt xét nghiệm. Theo ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế, để giảm giá thành, đơn vị này đã từng kiến nghị cho các hiệu thuốc tây được bán các kit test nhanh. "Hiện Bộ Y tế chưa cho phép các nhà thuốc bán, kit test chỉ được cung cấp thông qua các đơn vị bán trang thiết bị y tế đã được đăng ký", ông nói. Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị đưa mặt hàng này vào nhóm hàng hoá bình ổn giá để địa phương có cơ sở kiểm soát giá với mức bán thấp hơn.
Bình ổn giá kit test nhanh cũng là giải pháp được Bộ Y tế và nhiều doanh nghiệp đề xuất nhưng việc này lại được một số chuyên gia về giá nhìn nhận "không phù hợp".
Ông Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định giá Việt Nam, nhấn mạnh lại quan điểm cần phải để thị trường cạnh tranh lành mạnh, tự do mới có thể giảm được chi phí xét nghiệm. "Mỗi khi có sản phẩm biến động lại quản lý bằng biện pháp hành chính, xem xét đưa vào bình ổn giá thì không nên", ông nói.
Theo phân tích của ông, để bổ sung một mặt hàng nào đó vào danh mục bình ổn giá cần mất nhiều thời gian trình, xin cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong khi thực tế, thị trường kit test Covid-19 đã hình thành.
Ông Vũ Sỹ Cường, Phó trưởng bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính, cũng đồng tình và cho rằng, gốc rễ giảm giá phải là để doanh nghiệp tự chủ trong việc được tự mua kit xét nghiệm (có thể mua thông qua doanh nghiệp nhập khẩu, hoặc tự tìm nguồn mua ở nước ngoài), tự thuê nhân viên y tế và chịu trách nhiệm về kết quả. "Càng nhiều người làm thì giá càng rẻ dần", ông khẳng định.
Vấn đề ở đây, theo ông Thoả, là cần để thị trường cạnh tranh có kiểm soát giá từ cơ quan quản lý, chứ không phải thả nổi hay dùng biện pháp hành chính thông qua việc đưa mặt hàng này vào diện bình ổn giá.
"Đây là lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế, nên Bộ hoàn toàn có thể kiểm soát giá mặt hàng này thông qua việc thanh, kiểm tra xem có hay không việc lợi dụng tình hình dịch bệnh mà các cơ sở y tế nâng giá, định giá bất hợp lý", ông Thoả nói.
Việc vi phạm (nếu có) sau thanh tra, theo ông, có thể xử lý theo quy định cấm trong Luật Giá khi lợi dụng tình hình thiên tai, dịch bệnh để nâng giá bất hợp lý. Ngoài ra, khi có biến động, chênh lệch lớn giữa giá kit test và chi phí xét nghiệm Covid-19, cơ quan quản lý hoàn toàn có thể kiểm soát yếu tố hình thành giá tại các cơ sở y tế có hợp lý hay không. "Việc này thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, Sở Y tế địa phương", ông nhấn mạnh.
Hiện Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan vào cuộc làm rõ việc có hay không đẩy giá kit xét nghiệm. Bản thân Bộ Y tế cho biết đã lập đoàn kiểm tra việc thực hiện mua sắm tại các địa phương.
Bên cạnh việc tiếp tục tạo thị trường cạnh tranh cho kit xét nghiệm, chuyên gia cho rằng cần bỏ tư duy xét nghiệm tràn lan. Theo chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng, việc xét nghiệm là rất cần thiết, nhất với chiến lược sống chung với Covid-19. Nhưng ông nói, không nên thực hiện một cách máy móc, dày đặc. Khi nhu cầu xét nghiệm giảm, thị trường sẽ bình ổn hơn về giá.
Nhiều doanh nghiệp phản ánh họ đang phải test quá nhiều. Ví dụ, nhiều doanh nghiệp đang tỏ ra bối rối bởi hướng dẫn của Bộ Y tế hôm 30/9 cho phép người lao động đã tiêm đủ liều vaccine không phải làm xét nghiệm. Nhưng văn bản ngày 3/10 của Bộ này gửi một số địa phương như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai lại quy định, người đi từ vùng nguy cơ rất cao đến các vùng có mức độ rủi ro thấp hơn phải xét nghiệm và tự theo dõi sức khoẻ ở nhà 7 ngày, bất kể đã tiêm 2 mũi vaccine hay đã khỏi Covid-19.
Đại diện một doanh nghiệp giấu tên đánh giá, việc xét nghiệm khi người lao động đã tiêm đủ liều vaccine là không cần thiết. "Chúng tôi đã rất khổ sở chờ đợi để tiêm đủ 2 mũi vaccine, bản thân có kháng thể, cũng không lây lan cho người khác thì xét nghiệm làm gì", vị này nói.
Ngoài ra, theo các doanh nghiệp, hiện các địa phương với cách chống dịch khác nhau cũng yêu cầu xét nghiệm dày đặc với lao động đã tiêm vaccine. Có nơi, doanh nghiệp phải xét nghiệm ít nhất 2 lần cho người lao trước khi vào sản xuất và cứ 2 lần xét nghiệm một tuần khi đi vào hoạt động.
Hay trong hướng dẫn mới nhất của Sở Công Thương TP HCM, các shipper vẫn phải tự xét nghiệm và gửi kết quả về công ty 3 ngày một lần dù các tài xế được phép hoạt động đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, và nhiều người đã được tiêm đủ 2 mũi. Đại diện Gojek đánh giá, quy định này là không phù hợp trong bối cảnh các biện pháp giãn cách đã được nới lỏng, người dân đã được tiêm chủng hoặc người khỏi Covid-19 được ra đường mà không cần kết quả xét nghiệm.
Thời gian tới, khi số lượng vaccine mũi hai được phủ nhiều hơn, nhiều vùng xanh được tạo lập hơn, các chuyên gia cho rằng cần thay đổi tư duy về xét nghiệm, chỉ tập trung vào những trường hợp thực sự cần thiết. Điều này vừa tránh cho doanh nghiệp tốn kém các chi phí, vừa giúp giá cả của những chi phí chống dịch, nếu có phát sinh, cũng được giảm tải nhiều.