Chiều 7-10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thăm và làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhân dịp sắp đến Ngày doanh nhân Việt Nam (13-10).
Đề nghị xem xét mở rộng gói hỗ trợ lên 250.000 tỉ đồng
Tại buổi làm việc, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đề nghị chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung ngay những quy định pháp luật, chính sách về kinh doanh đang là rào cản, gây cản trở đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Trong đó chú ý các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp thực tiễn, chưa vì lợi ích chung của nền kinh tế tại Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật DN, Luật Đất đai, Luật Phá sản…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Ngay tuần tới, trong chương trình làm việc với các ủy ban của Quốc hội sẽ bàn về sử dụng chính sách tài khóa, tiền tệ để kích thích kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp.
Đáng chú ý, chủ tịch VCCI đề nghị xem xét việc nâng trần nợ công quốc gia để tăng quy mô các gói hỗ trợ ứng phó với dịch COVID-19. Hiện nay, các gói hỗ trợ của Nhà nước mới đạt khoảng 2,2% GDP. Đây là mức khá thấp so với các nước trong khu vực, như Thái Lan là 15,6%, Malaysia 8,8%, Indonesia 5,4%, Philippines 3,6% GDP.
“GDP ước tính năm 2020 của Việt Nam là gần 6,3 triệu tỉ đồng, các gói hỗ trợ có thể mở rộng lên 4% GDP, tương đương 250.000 tỉ đồng. Với tình thế “sống còn”, tình trạng kiệt quệ hiện nay của các DN, đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét các chính sách trực tiếp với mức độ hỗ trợ mạnh hơn. Đồng thời, trong tình hình đặc biệt này đòi hỏi có những quyết sách đặc biệt từ Quốc hội, Chính phủ và các cấp, ngành để giải nguy cho những DN đang khó khăn” - ông Công nhấn mạnh.
Các chính sách cụ thể có thể kể đến là bổ sung gói hỗ trợ cấp bù lãi suất; giảm thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất lên mức 50%; giảm mức nộp BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp 50% trong năm 2021, 2022; nghiên cứu, xem xét giảm mức thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 5% trong năm 2021, 2022…
Ông Công cũng đề xuất cần đẩy nhanh việc xây dựng và triển khai chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế. Đặc biệt, cần có phương án ổn định và phục hồi lại thị trường lao động.
“Nhìn dòng người ồ ạt rút khỏi TP.HCM và các trung tâm kinh tế phía Nam, có thể thấy cấu trúc lao động cũ đã bị phá vỡ. Các DN sẽ đối mặt với thách thức to lớn về lao động trong giai đoạn sáu tháng tới. Vì vậy cần có ngay các gói hỗ trợ DN thu hút và đào tạo lại lao động được thiết kế dễ tiếp cận, có quy mô và mức hỗ trợ phù hợp” - ông Công nói.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Cần nới trần nợ công để tăng quy mô các gói hỗ trợ ứng phó dịch COVID-19 trong bối cảnh doanh nghiệp đang kiệt quệ. Ảnh: CL
Cần có biện pháp đặc biệt trong thời kỳ đặc biệt
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, nói trong nhiều tháng qua, cộng đồng DN và doanh nhân đồng hành cùng chính quyền chống dịch, gần một tuần nay chuyển sang trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, thực tiễn vô cùng khó khăn. Các DN hoàn toàn rơi vào tình trạng bị đứt gãy cung ứng, thiếu hụt nhân lực, giá cả vật liệu tăng, dòng tiền cạn kiệt, suy kiệt.
“Nhiều công ty có thể sẽ phá sản trong thời gian tới” - ông Dũng cho hay và đề nghị cần có biện pháp đặc biệt trong thời kỳ đặc biệt. Ông hy vọng Quốc hội sẽ xem xét các giải pháp đặc biệt giúp DN vượt qua khó khăn. Các đề xuất của ông Dũng khá cụ thể, bao gồm: Bơm vốn cho DN, kéo giãn, hoãn nợ thuế hai năm…
“Cứ coi đây là các khoản quốc gia cho DN vay và họ sẽ trả lại” - ông Dũng nói.
Ông Huỳnh Văn Chính, Công ty Dệt may 29-3, cho rằng “ba tại chỗ” ảnh hưởng đến tâm sinh lý của công nhân, chi phí của DN và đề nghị thay đổi. Theo đó, chỉ cần tiêm một mũi vaccine và tuân thủ 5K thì được đi làm, như vậy DN mới có đủ công nhân sản xuất.
“Có DN hiện đang tồn kho nguyên liệu trị giá hàng ngàn tỉ. Người ta sẽ chết nếu không thể sản xuất, kinh doanh, không may được mẫu áo cho xuân hè” - ông Chính nói.
Ông và nhiều doanh nhân khác tán thành đề nghị phải giảm các chi phí đóng BHXH, giảm kinh phí công đoàn xuống 1%. Ông Chính lập luận rằng: “Nếu tổng liên đoàn quan tâm đến người lao động thì kinh phí công đoàn để lại cho công đoàn cơ sở, còn tổng liên đoàn thì hoạt động bằng ngân sách. Rõ ràng, kinh phí công đoàn do công ty làm ra và người lao động làm ra thì phải để lại cho người lao động”.
Ông Đặng Thế Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng, đề xuất cho phép các DN kinh doanh vận tải đang nợ BHXH được giãn nợ hết năm không tính lãi nộp chậm phạt. Đồng thời, cho phép các đơn vị kinh doanh vận tải đang nợ phí bảo trì đường bộ đến hết năm 2021. Bởi hiện nay, bất cập là DN taxi, vận tải… đang dừng hoạt động do yêu cầu chống dịch, xe nằm bãi nhưng đến kỳ vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ khi đi đăng kiểm.
Tán thành có giải pháp cấp bách
Ghi nhận những đóng góp của các doanh nhân và VCCI, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt hàng VCCI và các DN những vấn đề về cải cách môi trường kinh doanh thông qua công tác lập pháp. Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết từ nay đến cuối năm, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan sẽ bàn thảo và có các gói hỗ trợ khó khăn, các gói phục hồi, các gói kích thích nền kinh tế.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đồng ý với kiến nghị về tăng cường tính tự chủ cho DN chống dịch COVID-19. “Chúng ta chỉ cần đặt ra một số nguyên tắc thì DN nào đáp ứng, bảo đảm được thì làm, chính quyền hậu kiểm. Vì thực ra ông giám đốc DN là người lo lắng nhất chứ ai…” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng tán thành việc cần có các giải pháp cấp bách trong một thời kỳ cấp bách như dịch COVID-19. Về phía Quốc hội, ông cho hay: “Có thể xin phép triệu tập một kỳ họp Quốc hội bổ sung để giải quyết các vấn đề cấp bách. Chúng tôi rất muốn lắng nghe ý kiến của DN” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội thông tin: Ngay tuần tới, trong chương trình làm việc với các ủy ban của Quốc hội sẽ bàn về sử dụng chính sách tài khóa, tiền tệ để kích thích kinh tế, hỗ trợ DN.
Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: Sức khỏe của DN và người dân đã bị bào mòn, hết sức khó khăn. Tuy vậy, sáu tháng qua cũng cho thấy sức chống chịu của chúng ta là kiên cường. “Đây là lúc thử thách bản lĩnh của DN, doanh nhân. Chúng tôi rất mong muốn thắng không kiêu, bại không nản, chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo. Chúng ta vẫn còn niềm tin, dù có khó khăn đến đâu đi nữa thì đó là khó khăn trước mắt và tạm thời. Truyền thống kiên cường của dân tộc sẽ giúp chúng ta vượt qua và phát triển nhanh, bền vững hơn nữa” - ông Vương Đình Huệ nói. Chủ tịch Quốc hội thông báo Hội nghị Trung ương lần thứ tư vừa kết thúc sáng 7-10 cũng yêu cầu đánh giá đầy đủ tác động của dịch COVID-19 đến xã hội, nhất là việc làm của công nhân, sinh kế của người dân và hoạt động của DN. Tán thành sửa đổi nhiều luật Ông Phạm Đình Đoàn, đại diện Tập đoàn Phú Thái, đề nghị nên có đánh giá, bình chọn chấm điểm các cơ quan ban hành pháp luật. Luật phải rõ ràng, tường minh, không để bị bóp méo bởi những từ ngữ không rõ ràng. Đặc biệt vừa qua, nhiều văn bản pháp luật trong thời điểm dịch COVID-19 gây nhiều khó khăn khi không lấy ý kiến DN, người dân. Điều này có thể do Nhà nước tiếp thu ý kiến DN sơ lược, đại khái. Ông Đoàn đề nghị Quốc hội cần kiểm tra việc đồng bộ giữa dự thảo luật cùng các văn bản liên quan như dự thảo nghị định, thông tư để khi ban hành luật thì áp dụng được ngay. Đề xuất này được ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nói cụ thể hơn. Theo đó, ông Châu cho rằng DN tán thành đề nghị của Chính phủ đưa Luật Đất đai vào sửa đổi trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh tới đây. Đồng thời, ông tán thành đề xuất sửa hàng loạt luật khác như Luật Đầu tư, Đấu thầu, Đầu tư công, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)… “Khi thấy các tờ trình của Chính phủ về sửa luật, chúng tôi rất phấn khởi” - ông Châu cho hay. |