Thí nghiệm, thực hành và luận văn tốt nghiệp là những học phần được một số trường dự kiến tổ chức học trực tiếp khi có đủ điều kiện - Ảnh: M.G.
Chỉ thị 18 của UBND TP.HCM cho phép các cơ sở giáo dục, đào tạo được dạy học trực tiếp cho người đã tiêm đủ liều vắc xin, nếu đảm bảo các tiêu chí an toàn theo quy định. Tuy nhiên, một số đơn vị dự kiến dạy học trực tiếp vẫn còn nhiều băn khoăn, e ngại.
Lo chi phí tăng lên
Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) dự kiến tổ chức dạy học trực tiếp với các học phần thực hành, thí nghiệm, đồ án tốt nghiệp.
PGS.TS Bùi Hoài Thắng, trưởng phòng đào tạo trường này, cho biết đang cho sinh viên đăng ký để lấy thông tin. Tiếp đó, trường phải báo cáo để thành phố duyệt đánh giá trường học an toàn, đủ điều kiện dạy học trực tiếp.
Theo ông Thắng, quy trình này mất khoảng 2 tuần. Nếu sinh viên đăng ký đủ lớp, trường có thể mở các học phần này vào cuối tháng 10. Trường chỉ mở lớp tại cơ sở quận 10, cơ sở Dĩ An phải chờ tùy tình hình thực tế. Các lớp học được tổ chức an toàn phòng dịch theo quy định.
"Chúng tôi cố gắng tổ chức cuốn chiếu được phần nào hay phần đó, nhất là với những sinh viên đang làm đồ án tốt nghiệp để các bạn yên tâm. Hiện có một số sinh viên đã tiêm đủ vắc xin nhưng đang ở tỉnh không thể về TP.HCM học được" - ông Thắng nói.
Trong khi đó, đại diện hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ cho hay đơn vị này đang xây dựng kế hoạch để tổ chức dạy học trực tiếp, song điều này sẽ rất khó thực hiện vì có nhiều điều kiện ràng buộc khiến chi phí tổ chức lớp học tăng lên trong khi học phí giữ nguyên.
"Chúng tôi muốn quay lại dạy học trực tiếp sàng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu số lượng học viên quá ít, phải thực hiện giãn cách nên việc bố trí học trực tiếp sẽ khó khăn do chi phí tổ chức, quản lý vận hành tăng lên. Do đó cần phải tính toán thêm phương án dạy học trực tiếp" - người này cho biết thêm.
Bà Lê Thị Thùy Dương - phó giám đốc SEAMEO Việt Nam - cho hay hơn 95% nhân viên, giáo viên tiếng Anh của SEAMEO đã chích đủ 2 mũi vắc xin. Tuy nhiên do phần lớn đối tượng học viên là người dưới 18 tuổi, chưa được chích vắc xin nên việc dạy học trực tiếp chưa khả thi dù rất muốn mở cửa đón học viên học trực tiếp.
Theo bà Dương, cũng có đối tượng học viên tiêm đủ vắc xin nhưng việc tổ chức lớp trực tiếp trong điều kiện phải đảm bảo các tiêu chí phòng dịch khiến cho phí tổ chức tăng, giáo viên không đủ. "Người lớn có thể làm chủ công nghệ để tham gia học trực tuyến nên trước mắt SEAMEO vẫn dạy học trực tuyến" - bà Dương nói.
Tương tự, ông Nguyễn Đình Hải - giám đốc Trung tâm Anh ngữ Á Châu - cho rằng việc tổ chức học trực tiếp trong thời điểm hiện tại sẽ không hiệu quả do chí phí tăng lên.
Theo ông Hải, giáo viên và nhân viên đã tiêm đủ liều vắc xin nhưng nhiều sinh viên kẹt ở các tỉnh chưa thể về TP.HCM trong khi đây là đối tượng học viên chính trên 18 tuổi của trung tâm. Người đi làm cũng có nhưng không đáng kể, nhiều cấp độ khác nhau nên việc tổ chức lớp rất khó khăn.
Vừa dạy vừa chờ
Theo nhiều trường đại học và đơn vị giáo dục, trước mắt việc dạy và học tiếp tục thực hiện theo phương thức trực tuyến, chờ diễn biến và thông báo tiếp theo của thành phố về việc mở cửa trường học.
Ông Nguyễn Quốc Anh, phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết trước mắt trường vẫn tiếp tục dạy học trực tuyến. Nếu tình hình ổn định, trường sẽ tổ chức dạy học trực tiếp các môn thực hành và thí nghiệm trước. Trường cũng chờ các tiêu chí cụ thể về dạy học trực tiếp để có thể thực hiện.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Hải khẳng định trong bối cảnh hiện tại, trung tâm chỉ có thể mở cửa dạy trực tiếp khi thành phố mở cửa trường học, cho học sinh học trực tiếp.
Theo ông Hải, hiện nay chỉ khoảng 20% học viên chấp nhận học online. Trung tâm vẫn tổ chức để giáo viên và nhân viên có nguồn thu. Việc đóng cửa quá lâu khiến trung tâm thiệt hại rất lớn.
Tương tự, đại diện Anh văn Hội Việt Mỹ cho hay không phải học sinh, phụ huynh nào cũng đồng ý học online, không phải đối tượng nào cũng có thể dạy online được.
Phụ huynh và trung tâm đều mong sớm có thể quay lại học trực tiếp. Trong bối cảnh chưa thể tổ chức học trực tiếp cho đối tượng dưới 18 tuổi do chưa được tiêm vắc xin nên phải chờ phương án của thành phố.
Quá ngán học online
Theo bà Nguyễn Thúy Uyên Phương - sáng lập trường ngoại khóa Tomato, dịch bệnh kéo dài khiến nhiều trẻ gặp vấn đề tâm lý do không được tiếp xúc, giao tiếp với môi trường bên ngoài. Nhiều phụ huynh hỏi về các lớp ngoại khóa trực tuyến.
Tuy nhiên, có nhiều phụ huynh muốn con có kỹ năng, trải nghiệm nhưng e ngại vì trẻ phải học trực tuyến quá nhiều. Hết học trực tuyến chính khóa ở trường, giờ ngoại khóa cũng trực tuyến nữa khiến trẻ ngán ngẩm, không hứng thú.
"Trong bối cảnh hiện tại, chúng tôi phải chờ thành phố mở cửa trường học hoặc trẻ được tiêm vắc xin đầy đủ mới có thể tổ chức các lớp ngoại khóa" - bà Uyên Phương nói.
90% sinh viên đang ở tỉnh
Theo ông Nguyễn Trường Thịnh - phụ trách Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, hơn 90% sinh viên của trường đang ở các tỉnh, chưa thể về TP.HCM.
Số sinh viên tiêm đủ 2 mũi vắc xin chưa nhiều. Ký túc xá của trường và các trường trong khu vực đang được trưng dụng làm nơi cách ly, bệnh viện dã chiến.
Do đó, trước mắt việc dạy học được thực hiện trực tuyến với các môn lý thuyết và một số môn thực hành công nghệ thông tin. Việc dạy học trực tiếp phải chờ thông báo của thành phố.
"Nếu từ ngày 1-11 TP.HCM cho người ngoài tỉnh về TP.HCM, trường sẽ thực hiện các bước cần thiết để có thể dạy học trực tiếp trong điều kiện đảm bảo các điều kiện phòng dịch theo quy định" - ông Thịnh nói.
TTO - Sở Giáo dục và đào tạo Phú Yên đề nghị các địa phương căn cứ tình hình và mức độ kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn, báo cáo hình thức dạy học trước ngày 6-10.
Xem thêm: mth.31785529080011202-peit-curt-coh-yad-er-tur/nv.ertiout