Trên mạng xã hội đang xuất hiện thông tin rao bán "Giấy xác nhận đã tiêm vaccine" để làm thẻ xanh COVID-19. Người mua hết sức thận trọng với thông tin này, bởi việc sử dụng giấy chứng nhận giả có thể bị truy tố hình sự về "Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".
Rao bán giấy chứng nhận tiêm chủng trên mạng
Mấy ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về dịch vụ làm giấy xác nhận đã tiêm 2 mũi vaccine COVID-19. Một tài khoản có tên T.T.V đăng tải trong nhóm chuyên mua bán xe ở TPHCM, với nội dung: "Giấy chích ngừa mũi 1, mũi 2 cho anh em cần ra ngoài. Nhận hàng thanh toán, không cọc… Zalo 078975xxxx".
Để tạo niềm tin cho "khách hàng", tài khoản này còn đăng đính kèm hình ảnh giấy xác nhận đã tiêm vaccine COVID-19 với mộc đỏ in dòng chữ của Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh (TPHCM), kèm sẵn tên của 2 bác sĩ đóng ở ô xác nhận tiêm mũi 1 và mũi 2.
Để xác minh thông tin này, nhóm PV Báo Lao Động đã gọi điện vào số điện thoại Zalo trên để đặt mua hàng. Đầu dây bên kia là một giọng nam, tự giới thiệu là tên Vũ đang cư trú ở Thành phố Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long). Đối tượng này xác nhận, có làm giấy chứng nhận tiêm vaccine COVID-19 ở tất cả địa phương, với giá 500.000/giấy, nếu mua với số lượng nhiều từ 10 giấy trở lên thì giá sẽ được giảm.
"Em đang ở Vĩnh Long nhưng nhận làm giấy chứng nhận tiêm vaccine COVID-19 cho tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Chỉ cần anh nói ở quận, huyện nào và gửi thông tin cá nhân qua là em làm được. Làm xong em gửi đến qua đường chuyển phát nhanh, khi nhận giấy kiểm tra thấy ok thì mới đưa tiền" - đối tượng tự xưng tên Vũ nói.
Khi chúng tôi nói muốn đặt 2 giấy chứng nhận ở quận 7, thì người tên Vũ cho biết, sẽ lên mạng tìm con dấu của Trung tâm Y tế quận 7 và tên bác sĩ tại đó để làm. Nếu người mua có mẫu giấy chứng nhận của nơi mình đang ở, thì chụp hình gửi cho đối tượng, căn cứ vào hình ảnh gửi này đối tượng sẽ làm ra giấy chứng nhận giống như vậy.
Khi chúng tôi hỏi giấy chứng nhận này là giả hay thật, khi trình ra cho cơ quan chức năng để đi làm hoặc làm thẻ xanh COVID-19 thì có bị phát hiện và xử lý gì không?, đối tượng này liền trấn an, chỉ có CCCD có gắn chíp hay bằng lái xe có mã vạch thì mới dễ phát hiện và xử lý.
Còn đây là giấy chứng nhận tiêm vaccine, chỉ có đóng dấu mộc và ký tên của bác sĩ thì không phát hiện được, bởi dấu nào cũng giống như nhau.
"Anh yên tâm, em đã làm được 7 tờ giấy giao cho mấy khách ở TPHCM rồi, họ báo lại là vẫn đi ra đường bình thường và đem lên phường làm thẻ xanh COVID-19 được luôn. Em làm có uy tín, nên anh cứ yên tâm, gửi thông tin qua cho em làm rồi gửi lên cho anh xem, nếu ok thì trả tiền. Hoặc em có thể làm giấy sẵn và để trống thông tin, anh có thể tự điền thông tin cá nhân vào sau cũng được" - đối tượng nói.
Người mua có thể bị xử lý hình sự
Nhóm PV chúng tôi có 3 người, chia nhau đóng vai khách hàng liên hệ với đối tượng trên để đặt mua giấy, thì đều nhận được cam kết của đối tượng là giấy này làm được thẻ xanh COVID-10.
Sau nhiều lần trao đổi, chúng tôi "đặt hàng" và được đối tượng hẹn 3 ngày sau sẽ giao hàng. Tuy nhiên sau đó, đối tượng nghi ngờ chúng tôi là lực lượng chức năng nên không giao giấy như lời hứa ban đầu.
Chúng tôi cung cấp thông tin về giấy xác nhận đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 của Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh, do chính đối tượng đăng tải trên mạng, gửi đến lãnh đạo Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh để xác minh.
Sau khi xem "giấy chứng nhận này", lãnh đạo Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh cho rằng, đây là tờ giấy chứng nhận tiêm chủng giả, không phải của Trung tâm Y tế quận cấp.
Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh, Trung tâm có bác sĩ trùng tên với tên bác sĩ ở giấy chứng nhận tiêm chủng giả. Tuy nhiên, mộc trên tờ giấy chứng nhận tiêm chủng giả này là mộc điện tử, in màu chứ không phải mộc đóng tay, chất liệu giấy cũng khác giấy thật của Trung tâm Y tế quận. Hiện vụ việc đã được Trung tâm Y tế quận Bình trình báo đến cơ quan công an xác minh.
Luật sư Lê Trung Phát - Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, TPHCM cho biết, trong trường hợp này, đối tượng trên có thể bị khởi tố về "Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" theo Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Đồng thời, người mua sử dụng cũng có thể bị khởi tố hình sự về "Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".
Theo luật sư Phát, đối tượng tội phạm lợi dụng tâm lý của nhiều người là muốn có được giấy chứng nhận tiêm vaccine 2 mũi để được đi ra đường và làm thẻ xanh COVID-19, nên sản xuất giấy chứng nhận giả để bán thu lợi bất chính. Tuy nhiên, người dân tuyệt đối không nên mua giấy chứng nhận giả này, bởi bằng các biện pháp nghiệp vụ cơ quan chức năng sẽ phát hiện đây là giấy chứng nhận giả.
Mặt khác, việc sử dụng giấy tờ giả này còn có thể bị xử lý hình sự, nên đừng vì thiếu hiểu biết mà tiền mất tật mang và vướng vào lao lý.
Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 2 lần trở lên;
c) Làm từ 2 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;...”