Một chuyên gia đã nói "nếu như xem công việc kinh doanh là một cơ thể, thì tiền mặt được ví như dòng máu nuôi cơ thể đó". Lượng tiền có sẵn tại doanh nghiệp luôn mang một ý nghĩa nhất định tại những thời điểm nhất định, đặc biệt là tại các thời điểm nhạy cảm của thị trường, của doanh nghiệp. Cash is King vẫn luôn là nguyên lý hàng đầu, dòng tiền luôn là mạch máu trong cơ thể kinh doanh.
Lấy ví dụ, tại thời điểm khó khăn do dịch bệnh Covid-19 lan rộng khắp nơi, một đơn vị quyết định tìm đối tác chuyển nhượng một lô đất rộng, pháp lý rõ ràng, đang chờ đợi nguồn tiền để thực hiện dự án nhằm giải quyết khó khăn về nguồn tiền trước mắt. Lập tức hàng loạt đối tác khác bắt tay nghiên cứu, đàm phán. Công ty A hứa hẹn thanh toán trong 1-2 năm, công ty B hứa hẹn thanh toán 50% và 50% còn lại trả sau khi hoàn tất thực hiện dự án... Còn công ty C lại đưa ra yêu cầu chiết khấu giảm thêm 10%, trả tiền ngay 1 lần – công ty C đang sẵn nguồn tiền mặt. Đúng là Cash is King – Công ty C sẽ là ưu tiên hàng đầu để mua được lô đất trên với giá rẻ.
Các doanh nghiệp đang tích cực "gom" tiền chờ cơ hội
Thời điểm hiện tại, khi dịch bệnh Covid-19 đang dần được kiểm soát, cũng là lúc các doanh nghiệp sẵn sàng đối mặt với các thách thức và cả cơ hội mới. Do vậy, việc chuẩn bị dòng tiền ổn định, dồi dào cũng là cách để các doanh nghiệp chớp thời cơ nhanh nhất.
Các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán hiện cũng đang liên tục thực hiện các động thái huy động tiền mặt, như việc đưa cổ phiếu quỹ cất giữ đã lâu ra bán, hay như việc thoái vốn tại các khoản đầu tư chốt lãi, nhiều doanh nghiệp chọn phương án phát hành cổ phiếu huy động nguồn tiền mới...
Thu về nhiều nhất từ việc bán cổ phiếu quỹ phải kể đến Vinhomes (VHM) – doanh nghiệp vừa bán ra toàn bộ 60 triệu cổ phiếu quỹ, thu về 6.500 tỷ đồng. So với số tiền bỏ ra từ năm 2019 khi công ty mua vào, đã tạm "chốt lãi" khoảng 1.000 tỷ đồng, chưa kể việc bổ sung nguồn tiền mặt đáng kể cho doanh nghiệp.
BCTC hợp nhất quý 2/2021 đã soát xét ghi nhận tính đến 30/6/2021 tổng tiền và các khoản tương đương tiền của Vinhomes đạt hơn 8.400 tỷ đồng trong đó các khoản tương đương tiền hơn 6.000 tỷ đồng là khoản tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến 3 tháng tại ngân hàng và khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Công ty cũng còn hơn 5.000 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn từ 3 tháng đến 12 tháng tại ngân hàng.
Nhà Khang Điền (KDH) cũng đưa gần 20 triệu cổ phiếu quỹ ra bán để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh trong bối cảnh giá cổ phiếu KDH đã tăng vọt khoảng 55% kể từ đầu năm 2021 đến nay. Chỉ trong vài tuần Nhà Khang Điền đã bán hết số cổ phiếu quỹ đăng ký với giá bán bình quân 40.866 đồng/cổ phiếu, thu về hơn 800 tỷ đồng. Đây là số cổ phiếu quỹ công ty mua vào từ tháng 4, tháng 5 của năm 2020 với tổng giá trị chi đầu tư 419 tỷ đồng. Sau hơn 1 năm đầu tư, Nhà Khang Điền bán ra, "tạm thu lãi" xấp xỉ 400 tỷ đồng.
Hiện Khang Điền ghi nhận trên BCTC hợp nhất 6 tháng đầu năm 2021 có hơn 1.800 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, trong đó có hơn 1.000 tỷ đồng các khoản tương đương tiền là tiền gửi tại ngân hàng. Công ty cũng có Tổng giá trị hàng tồn kho hơn 7.300 tỷ đồng là các bất động sản xây dựng dở dang, chủ yếu là giá trị quỹ đất đã được bồi thường, chi phí san lấp mặt bằng, chi phí xây dựng, chi phí lãi vay, vốn hóa và các chi phí phát triển khác cho các dự án bất động sản đang triển khai.
Trong tháng 7/2021 Sacombank (STB) cũng đã bán xong toàn bộ hơn 81,5 triệu cổ phiếu quỹ với giá bán bình quân 29.899 đồng/cổ phiếu, thu về hơn 2.400 tỷ đồng. Mục đích ngân hàng là nhằm thực hiện theo đề án tái cấu trúc Sacombank sau sáp nhập đã được NHNN phê duyệt đồng thời để tăng nguồn vốn tự có và bổ sung nguồn vốn kinh doanh của ngân hàng.
Số cổ phiếu quỹ này Sacombank mua vào từ gần chục năm trước. Giá trị ghi nhận trên BCTC hợp nhất quý 2/2021 hơn 750 tỷ đồng, tương ứng chênh lệch khoảng 1.650 tỷ đồng.
Nhóm các doanh nghiệp vừa thu về khoản lớn tiền mặt từ bán cổ phiếu quỹ còn có Petrolimex (PLX) với việc bán được gần 1,8 triệu cổ phiếu quỹ trong tổng số 8 triệu cổ phiếu đăng ký bán với giá bán bình quân 53.740 đồng/cổ phiếu – trong khi "giá vốn" của số cổ phiếu quỹ này chỉ 10.000 đồng/cổ phiếu.
Thép Nam Kim (NKG) bán toàn bộ 10 triệu cổ phiếu quỹ ra bán, thu về 340 tỷ đồng trong bối cảnh giá cổ phiếu ngành thép tăng nóng. Đây là số cổ phiếu quỹ công ty mua vào từ quý 3/2020 với giá trị hơn 78 tỷ đồng. Petrosetco (PET) cũng bán thành công 2,4 triệu cổ phiếu quỹ, thu về khoảng 60 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp khác cũng đang tranh thủ đưa cổ phiếu quỹ ra bán, thu về khoản lớn tiền mặt như Vận tải Hải An (HAH); Vinaconex (VCG) đưa hơn 3 triệu cổ phiếu quỹ ra bán; Thép Tiến Lên (TLH) đăng ký bán gần 1,5 triệu cổ phiếu quỹ; Tập đoàn IPA (IPA) đưa hơn 1,8 triệu cổ phiếu quỹ ra bán và Chứng khoán VnDirect (VND) cũng đã đăng ký bán gần 6 triệu cổ phiếu quỹ.
Tích cực thoái vốn tại các khoản đầu tư
Không chỉ dồn dòng tiền từ khoản đầu tư cổ phiếu quỹ về, các doanh nghiệp còn tích cực thoái vốn tại các khoản đầu tư. Vinaconex (VCG) bán 30% vốn tại Xây dựng số 11 (V11), thu về hơn 2 tỷ đồng.
VnDirect không chỉ đưa cổ phiếu quỹ ra bán, mà trước đó cuối tháng 8/2021 đã bán ra 3 triệu cổ phiếu C4G của Tập đoàn Cienco4, không còn là cổ đông lớn. Tổng giá trị thu về hơn 30 tỷ đồng.
Doanh nghiệp "họ" Louis – Louis capital (TGG) đăng ký bán hết toàn bộ 838.000 cổ phiếu AGM của CTCP Xuấy nhập khẩu An Giang để cơ cấu lại danh mục đầu tư. Tạm tính theo thị giá hiện nay, số cổ phiếu này có giá trị khoảng 30 tỷ đồng. Thuduc House (TDH) đã bán gần 3,5 triệu cổ phiếu FDC của Fideco, thu về xấp xỉ 43 tỷ đồng. Sông Đà Hoàng Long liên tục thoái vốn tại Điện Tây Bắc (NED).
Huy động tiền từ phát hành cổ phiếu
Phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ cũng là một con đường để các doanh nghiệp huy động tiền. Một công ty sách – CTCP Sách và thiết bị trường học Hà Nội (Habook – mã chứng khoán HAB) sẽ phát hành 10 triệu cổ phiếu, chào bán cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ lên gấp 6 lần hiện tại. Giá chào bán 75.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến huy động 750 tỷ đồng. Danh sách cổ đông sẽ được chốt vào 12/10 tới đây.
Licogi 16 (LCG) thông qua phương án phát hành 50 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến huy động 500 tỷ đồng.
Nông nghiệp Cần Thơ (TSC) đang triển khai phương án chào bán 49 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 3;1. Số tiền huy động được sẽ dùng 160 tỷ đồng để tăng vốn cho công ty con – CTCP FIT Consumer và hơn 332 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh.
CTCP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương (DDG) quyết định chào bán 28,5 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cổ phiếu, huy động 285 tỷ đồng.
CTCP Tập đoàn đầu tư Thăng Long (Thanglong Invest – mã chứng khoán TIG) đã thông qua việc phát hành cổ phiếu chào bán 30 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến huy động 300 tỷ đồng.
Đã có doanh nghiệp nhanh chóng có chỗ dùng tiền ngay
Việc huy động tiền, dùng tiền kịp thời trong bối cảnh các cơ hội nảy sinh sau Covid-19 cũng trong dự tính của doanh nghiệp.
Mới đây Nhà Khang Điền thông báo việc mua lại công ty con có vốn điều lệ 400 tỷ đồng. Cụ thể, Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Nam Phú (Nam Phú) đã hoàn tất việc nhận chuyển nhượng cổ phần từ cổ đông CTCP Phát triển Bất động sản Nguyễn Thư. Sau giao dịch Nam Phú đã sở hữu 99,9% vốn điều lệ tại Công ty Nguyễn Thư. Thông tin cho biết Nguyễn Thư là công ty có vốn điều lệ 400 tỷ đồng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Hiện, Khang Điền đang sở hữu 99% vốn điều lệ tại Nam Phú, tương đương sở hữu gián tiếp 99,9% vốn điều lệ tại Nguyên Thư.
Habook cho biết, số tiền huy động được từ đợt phát hành để dùng vào các dự án bất động sản. Chi tiết sẽ dùng hơn 220 tỷ đồng đầu tư phát triển dự án tại 45B Lý Thường Kiệt, Hà Nội – đây là khu đất có diện tích hơn 1.000m2, hiện đặt trụ sở chính của công ty. Bên cạnh đó, 478 tỷ đồng sẽ được sử dụng cho đầu tư phát triển dự án tại số 2 Cửa Bắc và 51 tỷ đồng còn lại bổ sung vốn lưu động và đầu tư phát triển mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Habook cũng không phải là doanh nghiệp ngành sách "vô danh". T&T Group của bầu Hiển đang sở hữu 28,55% vốn và ông Đỗ Vinh Quang, con trai út của bầu Hiển đang là Chủ tịch HĐQT công ty này.
Licogi 16 cho biết tổng số tiền thu được từ đợt chào bán 500 tỷ đồng sẽ ưu tiên dùng theo thứ tự: Dùng 150 tỷ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng khu dân cư Long Tân; dùng 146 tỷ đồng góp vốn vào CTCP Đầu tư năng lượng tái tạo Licogi 16 Gia Lai để thực hiện triển khai giai đoạn 2 dự án Nhà máy điện mặt trời Chư Ngọc và dùng 204 tỷ đồng thanh toán nợ vay.
Trong khi đó XNK Đông Dương (DDG) cho biết số tiền huy động được từ đợt chào bán sẽ dùng đầu tư mua máy móc thiết bị, mở rộng nhà máy, mua sở hữu các công ty cùng ngành và bổ sung vốn lưu động cho Công ty. DDG hiện hoạt động trong ngành nghề chính là năng lượng tái tạo , xử lý rác thải , bán buôn nguyên liệu đốt, Sản xuất cơ khí, thiết bị lắp đặt khác…
Còn Thanglong Invest cho biết số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ dùng để đầu tư Dự án khu du lịch, biệt thự sinh thái nghỉ dưỡng Vườn Vua (hơn 219 tỷ đồng) và gần 81 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động.
***
Người ta hay nói "Tiền mặt là Vua- Cash is King". Theo quan sát của chúng tôi, có vẻ rất nhiều công ty niêm yết đã và đang thực hiện chiến lược gom tiền mặt để chờ đợi, tìm kiếm những cơ hội kinh doanh mới. Đây là một điểm mà nhà đầu tư cần quan sát kỹ lưỡng để chọn cho mình những cổ phiếu phù hợp cho danh mục đầu tư thời gian tới.
Phương Chi
Doanh nghiệp và Tiếp thị