Tiếp sức cho doanh nghiệp lớn phục hồi sau dịch
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII vừa diễn ra ngày 7/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, một trong những giải pháp duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh sau dịch là bảo vệ doanh nghiệp trong các lĩnh vực chủ đạo, tránh sự đổ vỡ của các tập đoàn kinh tế lớn cả nhà nước và tư nhân, vì có thể dẫn đến sự đổ vỡ dây chuyền trong nền kinh tế.
Doanh nghiệp lớn là doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng và tổng số người lao động từ 300 người trở lên, nên thường có nền tảng tốt hơn, nguồn lực dồi dào hơn. Nhưng dịch bệnh trong gần 2 năm qua đã khiến điều này bị bào mòn không ít. Dù chịu ảnh hưởng lớn như vậy, nhưng các chính sách tiếp sức cho doanh nghiệp lớn thời gian qua chưa tính tới biên độ phục hồi của họ để có các chính sách hợp lý và tiếp sức đúng, trúng hơn.
Máy bay của hãng Vietravel Airlines. Ảnh: PLO.
Chiếc máy bay đầu tiên của hãng Vietravel Airlines về Việt Nam vào những ngày cuối của năm 2020. Khi đó hãng bay này đã đặt mục tiêu phục vụ đến 1 triệu lượt khách trong năm đầu tiên. Dù đã nỗ lực hết mình nhưng doanh thu giờ cũng chỉ còn 11% và có 3% lao động hoạt động không thường xuyên. Đến nay, sau giãn cách doanh nghiệp vẫn chưa biết lúc nào máy bay được cất cánh.
Vietravel là tập đoàn vừa kinh doanh du lịch và hàng không - hai lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19. Nhưng cùng nhóm ngành hiện có các chính sách hỗ trợ rất khác nhau, doanh nghiệp tư nhân dù vật lộn hết sức nhưng nếu không có thêm hỗ trợ khó cất cánh. Vì vậy, cần có bộ tiêu chí để xác định doanh nghiệp nào cần hỗ trợ và sự hỗ trợ ra sao.
Các giải pháp về tài chính là cần thiết để hỗ trợ các tập đoàn lớn có thể cải thiện dòng tiền trong bối cảnh hiện nay. Nhưng góc độ khác, điều doanh nghiệp lớn mong muốn nhất là được tháo gỡ những cơ chế để doanh nghiệp dồn sức cho các cơ hội kinh doanh.
Để hình thành ra được một doanh nghiệp lớn thường mất thời gian hàng chục năm và không dễ để có thể có lại những doanh nghiệp đầu ngành. Vì vậy, tránh đổ vỡ và có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp còn sức phục hồi là rất quan trọng vào lúc này.
Doanh nghiệp lớn chịu tác động nặng nề của dịch
"Cây to thường chịu gió to" nên dù số lượng doanh nghiệp lớn chỉ chiếm gần 3% trong tổng số các doanh nghiệp Việt Nam nhưng ảnh hưởng tới nền kinh tế là rất lớn. Vì vậy, nếu một doanh nghiệp lớn bị ảnh hưởng sẽ để lại những lỗ hổng rất khó phục hồi trong chuỗi sản xuất.
Điều tra của Tổng cục thống kê trong bối cảnh dịch COVID-19 cho thấy, quy mô các doanh nghiệp càng lớn, tỷ lệ chịu tác động từ dịch càng cao.
Cụ thể, các doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 2,8% tổng số doanh nghiệp là nhóm có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động nhiều nhất với 92,8%; còn tỷ lệ này của nhóm doanh nghiệp vừa là 91,1% và nhóm doanh nghiệp nhỏ là 89,7%; còn nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ là 82,1%.
Tỷ lệ bị ảnh hưởng bởi dịch của nhóm doanh nghiệp lớn là cao nhất khi trong 10 doanh nghiệp có đến hơn 9 doanh nghiệp bị ảnh hưởng và điều đáng nói là sự ảnh hưởng này mang tính lan tỏa cao tới các chuỗi và ngành sản xuất trên cả nước.
Nếu một doanh nghiệp lớn bị ảnh hưởng sẽ để lại những lỗ hổng rất khó phục hồi trong chuỗi sản xuất. Ảnh hinh họa - Nguồn: VGP.
Chính sách hỗ trợ đặc thù trong tình thế đặc biệt
Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ nhấn mạnh tới sự "thích ứng an toàn, linh hoạt", mà còn nhắc tới hoặc "sống chung" với dịch bệnh.
Quan điểm "sống chung" với COVID-19 đã được xác lập nhưng điều mà doanh nghiệp cũng như nhiều chuyên gia mong chờ nhất là cần có sự thống nhất quan điểm sống chung này từ Trung ương đến địa phương.
Trong tình huống đặc biệt như hiện nay, cũng cần phải có những chính sách chưa có tiền lệ mới mau chóng phục hồi các nguồn lực tăng trưởng cũng như tạo ra sức sống mới cho các doanh nghiệp.
Sức khỏe tài chính thường được ví von như "dòng máu" nuôi sống doanh nghiệp cũng đang bị bào mòn vì dịch bệnh. Bởi vậy, điều cả doanh nghiệp lớn cũng như nhỏ cần vào lúc này là tiếp cận được nguồn lực tài chính thuận lợi, với lãi suất hợp lý - duy trì "dòng máu" để tồn tại và hồi phục.
Quỹ bảo lãnh tín dụng cộng một tổ hợp tín dụng có sự tham gia của tất cả các ngân hàng thương mại và cho vay với lãi suất thấp cũng là một sự linh hoạt trong tình hình hiện nay để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Sức khỏe tài chính thường được ví von như "dòng máu" nuôi sống doanh nghiệp cũng đang bị "bào mòn" vì dịch bệnh. Ảnh minh họa - Nguồn: Dân trí.
Với những doanh nghiệp còn nhúc nhắc được, điều họ cần vào lúc này không phải sự hỗ trợ về vốn, mà là sớm được bước sang trạng thái bình thường mới để hồi phục. Nay quan điểm "sống chung" với COVID-19 đã được xác lập - vui nhưng điều doanh nghiệp ưu tư nhất là mỗi địa phương lại đang có một kiểu sống chung với COVID-19 khác nhau.
Linh hoạt, thích ứng và cần có chính sách hỗ trợ đặc thù trong tình thế đặc biệt là điều mà nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đề xuất lúc này. Sớm có chính sách "sống chung" với COVID-19 thống nhất trên cả nước càng sớm sự hồi phục càng nhanh và càng hiệu quả.
Những chủ trương, định hướng phòng, chống dịch trong tình hình mới được đưa ra trong Hội nghị Trung ương 4 vừa qua không chỉ giúp Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng và địa phương kịp thời điều chỉnh các cơ chế, chính sách cho linh hoạt, hiệu quả hơn, mà qua đó tạo thông thoáng và nguồn lực để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, từ đó giúp phục hồi sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá, lao động trong thời gian tới.
Chính những điều này cũng giúp thúc đẩy xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, từ đó kích thích đẩy mạnh đầu tư, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư tư nhân, giúp cho nền kinh tế không bị lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục kinh tế chung với thế giới, cũng như quá trình tái cấu trúc chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Qua đó tạo nền tảng cho giai đoạn phục hồi các ngành, các lĩnh vực và cả các doanh nghiệp từ năm 2022 tới đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.670000280011202-hcid-uas-ioh-cuhp-nol-peihgn-hnaod-ohc-cus-peit/et-hnik/nv.vtv