Tờ South China Morning Post đưa tin Trung Quốc ngày 8-10 đã yêu cầu Mỹ giải thích thêm về vụ va chạm liên quan tàu ngầm hạt nhân của hải quân nước này ở Biển Đông vào tuần trước.
Bắc Kinh cũng gọi việc thiếu thông tin là "vô trách nhiệm" và bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về bất kỳ "sự rò rỉ hạt nhân" nào.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. Ảnh: KYODO
Trung Quốc yêu cầu Mỹ làm rõ vụ việc
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 8-10 cho biết: “Mỹ nên làm rõ thêm chi tiết về vụ việc, bao gồm vị trí cụ thể, ý định khi di chuyển, loại vật thể mà tàu ngầm đã va chạm, liệu nó có gây ra rò rỉ hạt nhân gây ô nhiễm môi trường biển hay không”.
“Việc Mỹ cố tình trì hoãn và che giấu các chi tiết của vụ tai nạn là vô trách nhiệm và thể hiện sự thiếu minh bạch” – ông Triệu nói thêm.
Người phát ngôn Trung Quốc cũng cho rằng vụ tai nạn là do các hoạt động triển khai của hải quân Mỹ ở Biển Đông dưới “ngọn cờ (hoạt động) tự do hàng hải”.
“Đây là nguyên nhân sâu xa của vụ tai nạn và gây ra mối đe dọa nghiêm trọng và nguy cơ lớn đối với hòa bình và ổn định của khu vực” – ông Triệu nói.
Phát ngôn của ông Triệu được đưa ra sau khi hải quân Mỹ hôm 8-10 cho biết tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Connecticut của nước này đã "va phải một vật thể dưới nước" vào ngày 2-10, khi đang "hoạt động trong vùng biển quốc tế ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Các quan chức hải quân nói với truyền thông Mỹ rằng vụ va chạm xảy ra trên vùng biển quốc tế ở Biển Đông.
Theo thông báo từ Hạm đội Thái Bình Dương, không binh sĩ nào gặp thương tích nguy hiểm đến tính mạng và tàu ngầm vẫn “trong tình trạng an toàn và ổn định”.
Động cơ đẩy hạt nhân và cấu trúc của USS Connecticut không bị ảnh hưởng và vẫn hoạt động hoàn toàn bình thường, thông báo nêu thêm.
Hãng tin AP dẫn lời hai quan chức hải quân Mỹ cho biết hai thủy thủ trên tàu bị thương ở mức độ trung bình, trong khi khoảng chín người khác bị thương nhẹ như xây xát và bầm tím, và tàu ngầm đã di chuyển về cảng Guam.
Lo ngại về hoạt động an toàn của tàu ngầm
South China Morning Post dẫn lời ông Collin Koh - chuyên gia tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore (RSIS) - cảnh báo rằng địa hình phức tạp dưới biển trong khu vực và cuộc chạy đua vũ trang liên quan tàu ngầm hạt nhân đang làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.
“Các vùng biển trong khu vực khá phức tạp đối với các hoạt động của tàu ngầm, chẳng hạn các tuyến đường thủy hẹp và nông, đặt ra những thách thức thực sự đối với các hoạt động dưới nước” – ông Koh nhận định.
TQ nói Mỹ 'vô trách nhiệm', yêu cầu làm rõ vụ tai nạn tàu ngầm ở Biển Đông. Ảnh: SCMP
“Số lượng các hoạt động của con người - giao thông cường độ cao liên quan các tàu có mớn nước sâu, giàn khoan dầu ngoài khơi, việc đặt cáp, v.v, một số công việc này không chỉ liên quan tàu nổi trên mặt nước mà còn liên quan máy bay không người lái dưới nước” – chuyên gia nói thêm.
Theo ông Koh, vụ tai nạn cũng làm dấy lên lo ngại về hoạt động an toàn của tàu ngầm hạt nhân trong khu vực, trong bối cảnh Úc sẽ sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với sự giúp đỡ của Mỹ và Anh.
“Mối quan tâm của tôi là trong tương lai, khi chúng ta thấy tàu ngầm ‘sinh sôi nảy nở’ trong khu vực, nguy cơ tai nạn dưới nước cũng sẽ có nguy cơ gia tăng. Chỉ cách đây không lâu, một tàu ngầm Nhật đã va chạm với một tàu buôn ở Thái Bình Dương” - ông Koh nói.
Trong khi đó, theo ông Zhou Chenming - thành viên của Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, vụ tai nạn của tàu USS Connecticut là một lời nhắc nhở về vụ tai nạn chết người cách đây 11 năm liên quan K-141 Kursk, tàu ngầm tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân của hải quân Nga.
Vụ thử ngư lôi thất bại vào ngày 12-8-2000 đã gây ra một vụ nổ lớn làm chìm tàu Kursk ở biển Barents, khiến toàn bộ 118 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng.
Vụ tai nạn không gây ra sự cố rò rỉ hạt nhân hoặc ô nhiễm biển trên diện rộng, vì các vách ngăn liên quan có thể chịu được các vụ nổ, cho phép hai lò phản ứng phụ tự động tắt.
“Không giống tàu ngầm Nga có vỏ đôi - lớp vỏ chịu áp lực bên trong và lớp vỏ nhẹ bên ngoài, tàu ngầm hạt nhân của Mỹ là tàu một thân, có thể khiến một số chất thải hạt nhân rò rỉ ra ngoài khi bị va chạm mạnh” – chuyên gia này nhận định.