Gần đến cuối năm, khi kỳ nghỉ lễ lớn không còn xa, các cửa hàng và siêu thị sẽ đầy ắp hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Gà tây giá 47 cent/pound (tương đương 0,45 kg) là một mức giá thấp không tưởng trong khi nhiều mặt hàng khác giữ nguyên giá hoặc thậm chí tăng giá.
Thế nhưng, không phải ai cũng biết đây là một "cú lừa" bởi gà tây chỉ là "mồi nhử" người tiêu dùng. Khi mua gà tây, tất nhiên, họ sẽ phải mua cả gia vị chế biến, rau tươi, trái cây và một vài chiếc bánh để thưởng thức trong bữa tiệc ngày lễ.
Mặc dù là sản phẩm chịu lỗ nhưng gà tây lại giúp các nhà bán lẻ và cả nhà sản xuất thu được lợi nhuận lớn. Dưới đây là một số ví dụ khác về những sản phẩm tương tự gà tây giá rẻ mà các công ty lớn áp dụng để thu lợi:
HP
Nhiều người tiêu dùng không ngần ngại chọn ngay hai (hoặc nhiều hơn) chiếc máy in của HP trong dịp mua sắm cuối năm Black Friday. Mức giá 24 USD thấp hơn một nửa so với giá bán lẻ thông thường đã làm hài lòng và thúc đẩy mong muốn mua sắm của rất nhiều người. Tuy nhiên, đây không chỉ là món hời cho người mua mà còn cho cả người bán.
Khi hết mực, người dùng sẽ phải mua mực mới và mực in của HP cho mẫu máy in này có giá khoảng 30 USD/2 túi tiêu chuẩn – cao hơn tiền mua máy in. Nếu sử dụng thường xuyên, chi phí sẽ tăng lên nhanh chóng. Do đó, lợi nhuận cuối cùng của HP vẫn không bị ảnh hưởng.
Procter & Gamble (P&G)
Nhiều năm trước, Gillette đã bán dao cạo râu dành cho nam giới với giá giới thiệu rất thấp để thu hút người mua. Khi một khách hàng "sập bẫy", họ phải mua thêm các lưỡi dao cạo để thay thế. Chuỗi bán lẻ Target bán sản phẩm cạo Gillette Mach 3 với hai lưỡi thay thế giá 7,97 USD, trong khi đó, gói 10 lưỡi dao cạo để thay có giá 25,99 USD.
Costco
Costco đã có một năm kinh doanh rực rỡ với doanh thu thuần của năm tài chính kết thúc ngày 29/8/2021 đạt 192 tỷ USD, tăng 17,7% so với năm trước đó.
Có thể nói, lợi nhuận cuối cùng mà chuỗi này thu được chắc chắn không bị ảnh hưởng bởi sản phẩm chịu lỗ nổi tiếng của họ là món gà quay. Một con gà đầy đặn, thơm ngon mọng nước được bán với giá chỉ 4,99 USD. Thậm chí, trong nhiều năm qua, Costco đã từ chối mọi lời "kêu gọi" tăng giá dù lỗ tới 40 triệu USD mỗi năm cho mặt hàng này. Đổi lại, khi lôi kéo được người tiêu dùng đến cửa hàng, Costco sẽ bán được nhiều thứ hơn bởi mọi người có tâm lý mua nhiều sản phẩm khác nhau (đôi khi trị giá cả trăm USD) trong một chuyến để đỡ phải đi lại nhiều lần.
Planet Fitness
Planet Fitness nổi tiếng với việc cung cấp thẻ thành viên giá phải chăng, với mức giá thấp nhất là 10 USD/tháng. Nhờ đó, nó đã thu hút được đông đảo người tham gia, bao gồm không ít thành viên chỉ thỉnh thoảng mới đi tập "cho vui" bởi 10 USD/tháng thực sự không quá đáng kể. Số lượng thành viên như vậy càng nhiều, họ càng thu được nhiều lợi nhuận.
Và chiến lược phí thành viên "chịu lỗ" của họ đã thành công. Trong báo cáo kinh doanh hàng năm kết thúc ngày 31/12/2020, Planet Fitness báo cáo doanh thu 406,6 triệu USD. Đến nay, chuỗi này sở hữu 2.124 phòng gym ở Mỹ và nước ngoài.
Nguồn: GBR24.99 u
Mộc Tiên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị