Tập đoàn chế tạo chip bán dẫn lớn nhất thế giới TSMC và Tập đoàn Sony đang xem xét liên doanh xây dựng một nhà máy chip bán dẫn ở tây Nhật Bản, trong bối cảnh khủng hoảng thiếu hụt chip toàn cầu vẫn đang diễn ra.
Tổng vốn đầu tư của dự án này được ước tính là 800 tỷ Yen (7 tỷ USD); chính phủ Nhật Bản được kỳ vọng sẽ cung cấp một nửa trong số đó.
Công ty sản xuất linh kiện ô tô hàng đầu Nhật Bản Denso cũng đang kỳ vọng tham gia dự án này thông qua một số phân đoạn như lắp đặt thiết bị. Denso - một thành viên của Tập đoàn Toyota - mong muốn bảo đảm nguồn cung chip sử dụng trong linh kiện ô tô.
Sony cũng có thể trở thành cổ đông thiểu số trong một công ty mới đóng vai trò quản lý nhà máy này. Theo một số nguồn tin, nhà máy sẽ được xây dựng tại tỉnh Kumamoto trên khu đất do Sony sở hữu và nằm gần khu vực có nhà máy cảm biến hình ảnh của Sony. Nhà máy này được cho là sẽ sản xuất chip bán dẫn dùng trong cảm biến hình ảnh của camera và dự kiến đi vào hoạt động trước năm 2024.
Các công ty sản xuất chip của Nhật Bản phần lớn đã rời bỏ cuộc đua phát triển chip quy mô lớn vào những năm 2010 và chuyển sang giao thầu sản xuất chip bán dẫn tiên tiến cho các công ty như TSMC. Bằng cách chấp nhận đầu tư trực tiếp từ TSMC, Nhật Bản hy vọng phục hồi ngành sản xuất các sản phẩm chip tiên tiến trong nước và đảm bảo nguồn cung chip.
Sony chiếm một nửa thị phần toàn cầu về cảm biến hình ảnh dùng trong smartphone và máy ảnh, với các nhà máy tại tỉnh Kumamoto và Nagasaki. Các cảm biến này được Sony tự sản xuất, nhưng chip bán dẫn dùng để xử lý hình ảnh được mua từ bên thứ 3, trong đó có TSMC. Vào tháng 2/2021, TSMC đã thông báo sẽ thành lập một cơ sở nghiên cứu tại Tsukuba, tỉnh Ibaraki.
Trước đó, CEO của Sony Kenichiro Yoshida đã phát biểu rằng năng lực bảo đảm nguồn cung chip bán dẫn ổn định đóng vai trò quan trọng trong duy trì khả năng cạnh tranh của Nhật Bản trên thị trường quốc tế.
Dự án nhà máy chip bán dẫn này dự kiến sẽ được chính phủ Nhật Bản hỗ trợ một nửa tổng kinh phí. Khoản hỗ trợ này sẽ được bao gồm trong ngân sách bổ sung cho năm tài khóa 2021. Để đổi lại khoản hỗ trợ này, chính phủ Nhật Bản sẽ yêu cầu cam kết ưu tiên nguồn cung chip cho thị trường Nhật Bản. Năng lực sản xuất chip bán dẫn tiên tiến trong nước là một ưu tiên về an ninh kinh tế của Nhật Bản.
Khoản đầu tư dự kiến này diễn ra trong bối cảnh các nền kinh tế lớn như Mỹ và EU cũng đang chạy đua để đưa hoạt động sản xuất chip bán dẫn về lãnh thổ của mình vì lý do an ninh quốc gia. Trước đó, Mỹ đã thông qua một dự luật trị giá 52 tỷ USD nhằm hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và sản xuất chip bán dẫn.
Tùng Phong (Theo Nikkei Asia)