Công ty phát hành tiền điện tử Tether USDT đang phải đối mặt với những cáo buộc gian lận, lừa đảo theo mô hình đa cấp kiểu Ponzi với số tiền lên tới hàng tỉ USD. “Nếu Tether sụp đổ, loại stablecoin này sẽ phá huỷ toàn bộ hệ sinh thái tiền điện tử", một chuyên gia nhận định.
Giám đốc điều hành của Tether, ông Jean-Louis van der Velde’s đã vội vàng xóa tài khoản Twitter của mình sau khi Bloomberg đăng tải bài viết nhắm thẳng vào việc “Công ty Tether Holdings không có đủ tài sản để duy trì tỉ giá hối đoái 1:1 giữa USD và Tether (USDT). Điều này có nghĩa là đồng tiền Tether (hay USDT) về cơ bản là trò gian lận”.
Số tiền USD mà Công ty Tether Holdings Ltd. đang nắm giữ là mối nguy hại rất lớn đối với thị trường tài chính không khác nào quả bom nổ chậm. Nếu các nhà đầu tư đồng loạt yêu cầu rút tiền, công ty này có thể phải bán tất cả tài sản để trả, trong khi tài sản của họ không có đủ với số lượng 69 tỉ USDT đã phát hành ra thị trường.
Tether phản hồi thông tin trong bài báo trên là sai lệch và nói rằng USDT được hỗ trợ đầy đủ.
Bloomberg cho biết Tether nợ các nhà đầu tư Trung Quốc hàng tỉ USD. Các tài liệu cho thấy tài khoản dự trữ của Tether Holdings, bao gồm “hàng tỉ đô la các khoản vay ngắn hạn cho các công ty lớn của Trung Quốc”.
Trong năm nay, Tether Holdings Ltd. đã phát hành thêm 48 tỉ USDT, nâng tổng lượng cung lên 69 tỉ đồng USDT. Điều này đồng nghĩa với việc công ty đang nắm giữ số tiền mặt trị giá 69 tỉ USD, số tài sản có thể khiến Tether Holdings Ltd. trở thành một trong 50 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ.
Tờ Business Insider cho rằng nếu Tether Holdings Ltd. là một công ty lừa đảo, đồng Tether là một kế hoạch đa cấp kim tự tháp (Ponzi), thì quy mô sự việc này sẽ lớn hơn vụ án của Bernie Madoff, kẻ lừa đảo 65 tỉ USD qua mô hình Ponzi.
CEO của Tether là ông JL Van der Velde, quốc tịch Hà Lan, đang sinh sống tại Hong Kong. Ông chưa xuất hiện trước truyền thông hay phát biểu tại một hội nghị nào về tiền điện tử.
Giám đốc tài chính của Tether là Giancarlo Devasini, ông từng là một bác sĩ phẩu thuật thẩm mỹ ở Ý. Ông này từng bị phạt vì bán phần mềm giả của Microsoft.
Tether là stablecoin – loại tiền ảo được ràng buộc với tài sản trong thế giới thực, như USD, để duy trì giá trị ổn định. Trong khi đó, các tiền ảo khác có mức độ biến động rất lớn do không được ràng buộc với một tài sản thực nào. Có thời điểm, giá Bitcoin đạt kỷ lục mọi thời đại gần 65.000 USD vào tháng 4 và đến nay đã giảm khoảng một nửa.
Tether được thiết kế để neo buộc vào USD. Trong khi giá các tiền ảo khác thường xuyên tăng giảm trong biên độ rộng, giá Tether thường chỉ dao động quanh ngưỡng 1 USD.
Các nhà giao dịch tiền điện tử thường dùng Tether thay cho USD để mua các tiền ảo khác.
Tether là tiền điện tử lớn thứ ba thế giới về giá trị vốn hoá thị trường.
Tại Việt Nam, đại diện của Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần phát đi thông điệp rõ ràng rằng, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và phương thức thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền điện tử tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.
Xem thêm: odl.278169-rettiwt-aox-gnaoh-toh-rehtet-oec-oad-aul-al-ohc-ib-tdsu-ut-neid-neit/et-hnik/nv.gnodoal