Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam phấn đấu cao nhất trong quý IV để tăng trưởng GDP cả năm đạt 3-3,5%.
Phấn đấu tăng trưởng 7,06-8,84% trong quý IV/2021
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng, năm 2021 tuy gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong quý II và quý III, nhưng Việt Nam đặt mức phấn đấu quý IV cao để cả năm đạt tăng trưởng từ 3-3,5%.
Với mức tăng trưởng GDP âm 6,17% trong quý III, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm từ 3-3,5%, Bộ KHĐT đã đặt kế hoạch phấn đấu quyết liệt để hoàn thành cao nhất mục tiêu tăng trưởng GDP của năm 2021 đã đề ra. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng GDP được Bộ KHĐT xây dựng theo 2 kịch bản.
Kịch bản 1, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 3,0% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 3,5 điểm phần trăm), quý IV cần đạt mức tăng trưởng GDP là 7,06%.
Kịch bản 2, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 3,5% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 3,0 điểm phần trăm), quý IV cần đạt mức tăng trưởng GDP là 8,84%.
Việt Nam đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, kinh tế tăng trưởng chậm lại và đặc biệt làn sóng COVID-19 lần thứ 4 khiến sản xuất, lưu thông hàng hóa nhiều nơi tê liệt, tăng trưởng kinh tế quý III/2021 đã âm 6,17%, tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2021 chỉ đạt 1,42%.
Trong 9 tháng qua, hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, các chuỗi cung ứng, tiêu dùng bị gián đoạn, đứt gãy; chi phí sản xuất tăng cao; nguồn lực của cộng đồng doanh nghiệp đang bị bào mòn; đời sống của người dân, người lao động gặp nhiều khó khăn…
Tuy nhiên, Việt Nam đã xác định phải thích ứng với COVID-19 trong trạng thái “bình thường mới”, duy trì, phục hồi nền kinh tế và thích ứng với những xu hướng phát triển mới, phương thức sản xuất mới, cấu trúc mới và cuộc chơi mới… để hướng tới các cấu trúc kinh tế - xã hội an toàn hơn, bền vững hơn.
Điểm sáng kinh tế báo hiệu tăng trưởng khởi sắc
Điểm sáng kinh tế trong tháng 9.2021 là mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng cán cân thương mại hàng hóa Việt Nam xuất siêu trở lại sau chuỗi nhập siêu kéo dài từ tháng 4 đến tháng 8 với thâm hụt thương mại lên đến 3,71 tỉ trong 8 tháng năm 2021.
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 9.2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27 tỉ USD, nhập khẩu đạt 26,5 tỉ USD. Như vậy, cán cân thương mại đã quay trở lại xuất siêu với giá trị 500 triệu USD. Đây là tín hiệu tốt cho thấy sự phục hồi của doanh nghiệp sau thời gian dài bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, theo Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, vượt qua bẫy thu nhập trung bình thấp; nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch COVID-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế.
Để đạt mục tiêu trên, kế hoạch đưa ra các nhóm nhiệm vụ giải pháp, trong đó một số nhiệm vụ giải pháp chính, như: Tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả vừa nhanh chóng phục hồi phát triển kinh tế-xã hội. Đẩy mạnh việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số; Đẩy mạnh xây dựng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, chiến lược đồng bộ hiện đại.
Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ; thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế, phát triển đô thị…
Xem thêm: odl.488169-53-3-gnourt-gnat-tad-man-ac-pdg-ed-tahn-oac-vi-yuq-ueit-cum-tad/et-hnik/nv.gnodoal