Sài Gòn xin cảm ơn!
Được bình an và trở về nhà sau những ngày sinh tử ở tháp điều trị COVID-19 cho những bệnh nhân nặng, với nhiều người dân TP.HCM là nhờ sự cứu chữa, chăm sóc tận tình của những y bác sĩ, tình nguyện viên chi viện chống dịch khắp mọi miền đất nước. Những người đã sát cánh với đội ngũ hàng trăm ngàn y bác sĩ, tình nguyện viên TP.HCM.
13 ngày tại Bệnh viện dã chiến số 12 với anh Quốc Dũng (35 tuổi) là những thời khắc sinh tử mà anh không bao giờ có thể quên được. Đây là bệnh viện có sự tham gia của một đội ngũ y bác sĩ từ rất nhiều tỉnh thành: Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Giang...
Trở về nhà với vợ con, quay trở lại cuộc sống bình thường, anh Dũng tự nhận xét điều đã cứu anh là sự nỗ lực, sự lạc quan của bản thân và đặc biệt là sự điều trị tận tình của các y bác sĩ.
Vào bệnh viện dã chiến và tiếp đó là vào phòng cấp cứu dành cho bệnh nhân nặng, anh đã trải qua rất nhiều ngày với máy trợ thở, những lúc chỉ cần “đi từ giường bệnh đến phòng vệ sinh” mà phải liên tục ngồi xuống để thở.
Mỗi ngày chiến đấu với dịch bệnh của anh luôn có bóng dáng, sự chăm sóc, hỗ trợ của các y bác sĩ ở Quảng Ninh, Bắc Giang… Anh vẫn còn nhớ như in chất giọng miền Bắc của người bác sĩ điều trị kiên nhẫn nói lại khi người bệnh không quen nghe và hỏi lại liên tục.
Anh Dũng nhớ lại: “Lúc còn ở phòng thường và đột nhiên khó thở tôi đã rất sợ. Sợ mình không về được với vợ con. Ngay khi tôi báo khó thở, bác sĩ có mặt ngay đo SpO2 và chuyển xuống phòng cấp cứu. Xuống tới giường cấp cứu, 5 bác sĩ bao vây, người đeo mặt nạ thở oxy, người đo SpO2, nhiệt độ, huyết áp, chích thuốc, uống thuốc, tôi bình tâm hẳn. Đêm đầu tiên ở phòng cấp cứu tôi không nghĩ gì nhiều, chỉ nghĩ xuống đến đây là sống rồi vì bác sĩ thăm khám, đo chỉ số liên tục.
Rất khó ngủ vì tiếng bình oxy kéo ken két, tiếng bác sĩ, điều dưỡng ra vào liên tục cộng thêm việc phải yêu cầu nằm sấp và nằm nghiêng, không được nằm ngửa”. Nếu không từng là bệnh nhân, trải nghiệm mà anh Dũng kể lại nghe sẽ khó tin: “Ở phòng cấp cứu sướng lắm, đồ ăn cũng nhiều hơn. Vì viêm phổi nặng nên sáng và chiều có bác sĩ vỗ lưng để thông phổi và đường hô hấp, được ngắm mảng cây xanh phía ngoài”.
Đã có rất nhiều bệnh nhân như anh Dũng vượt qua cửa tử nhờ vào đội ngũ y bác sĩ, tình nguyện viên đến từ các tỉnh, thành khác trong cả nước.
Theo ghi nhận của Sở Y tế TP.HCM, tổng số nhân lực của các bộ, ngành trung ương huy động hỗ trợ từ các tỉnh, thành là 28.989 người. Trong đó lực lượng tăng cường từ các bệnh viện thuộc các bộ, ngành trung ương và đoàn nhân viên y tế các tỉnh, thành là 6.244 người.
Lực lượng tăng cường từ Bộ Quốc phòng là 16.637 người, lực lượng từ Bộ Công an là 1.749 chiến sĩ, lực lượng tăng cường từ các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo chuyên ngành y là 4.031 người.
Những ngày này, sau 3 tháng dài đằng đẵng chống dịch, các y bác sĩ, chiến sĩ, sinh viên của Hà Giang, Thái Nguyên, Lào Cai, Hưng Yên, Hà Nội, Nam Định, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam... sẽ về lại quê nhà, về với công việc, học tập thường ngày. Sài Gòn tháng 7, tháng 8 đón họ giữa cơn đau oằn mình, với phố phường vắng lặng vì giãn cách, với những khu cách ly, bệnh viện dã chiến đầy kín bệnh nhân. Họ rời đi khi một Sài Gòn đã quay lại một phần cuộc sống thường nhật, bệnh viện dã chiến đã thưa thớt bệnh nhân.
Chia tay nhau, những ân tình vẫn còn lại trong sự hồi sinh từng góc phố, mỗi cuộc đời sau dịch bệnh ở thành phố này. Sài Gòn mong sẽ được đón lại tất cả - các y bác sĩ, các chiến sĩ, các bạn sinh viên - vào một ngày không xa, một ngày Sài Gòn thật sự khỏe lại với 100% sức lực. Sài Gòn xin cảm ơn!
VŨ THỦY
Xem thêm: mth.5895741290011202-0f-cu-yk-gnort-gnart-oa-naht-neiht-gnuhn/nv.ertiout