Trong bối cảnh mùa đông lạnh giá đang đến gần, các nước trên thế giới lại rơi vào tình cảnh lo ngại: thiếu khí đốt nghiêm trọng khi nguồn cung đang ngày càng khan hiếm. Tình trạng thiếu khí đốt làm bùng nổ tình trạng tranh giành nguồn cung đến nỗi nhiều tàu chở dầu thậm chí buộc phải chuyển hướng trong tình huống "bất khả kháng": được trả giá cao hơn.
Giá cả liên tục nhảy múa: "Alo" là chuyển hướng
Các bồn chứa LNG tại một cơ sở lưu trữ của PetroChina ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, vào tháng 9.
Myrina, một tàu chở dầu do công ty dầu khí Royal Dutch Shell (Hà Lan) thuê, đã khởi hành từ bờ biển phía tây của Pháp đến châu Á từ tháng trước. Tàu này chở lượng lớn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Khi nó chuẩn bị đi vào eo biển Gibraltar, thuyền trưởng nhận được một cuộc gọi và bất ngờ… chuyển hướng.
"Chúng ta phải đến Rotterdam ngay bây giờ", ông chủ ở London nói với thuyền trưởng, tờ Thời báo Phố Wall (Wall Street Journal) dẫn lời một người trong số họ cho biết. Con tàu quay đầu và đi ngược lại bờ biển Tây Ban Nha và Pháp để thả một lượng khí đốt xuống cảng Hà Lan. Vào hôm 7/10, nó đã đến Bilbao, Tây Ban Nha, để giao phần còn lại.
Thực tế của chuyến tàu này đang lộ rõ một điều: khách hàng ở châu Âu, châu Á và châu Mỹ Latinh đang chạy đua cạnh vì nguồn cung cấp khí đốt hạn chế, chạy đua để đổ đầy nhiên liệu vào các bồn chứa của mình khi mùa đông đang đến gần.
Oystein Kalleklev, giám đốc điều hành của Flex LNG Ltd., chủ sở hữu của một đội tàu vận chuyển LNG, cho biết: "Hệ thống hoạt động đang mất kiểm soát".
Trong lịch sử, các hợp đồng dài hạn thống trị thị trường LNG, vì các nhà sản xuất bán một phần lớn công suất của họ cho khách hàng trước khi họ xây dựng cơ sở. Công suất không bán được sẽ giành cho "hàng hóa giao ngay", vốn sẵn có và không ràng buộc với các hợp đồng dài hạn.
Ngày nay, những phát triển dài hạn về cách thức hoạt động đa dạng của thị trường khí đốt khiến những nhà thầu trả giá cao hơn sẽ có nhiều hàng hóa hơn. Với nhiều cơ sở xuất khẩu trực tuyến hơn, đặc biệt là ở Mỹ, hàng hóa giao ngay tăng lên đã tạo ra một thị trường nhạy cảm hơn, và biến động giá hơn. Sự gián đoạn đã khiến thế giới rơi vào một cuộc chiến giá cao.
Những khách hàng ở châu Á, như Hàn Quốc và Nhật Bản, đã quen với việc trả giá cao, vẫn giữ mức giá như vậy trong mùa hè. Điều đó đã thu hút các tàu chở hàng về phía đông, khiến châu Âu "chết đói" đúng lúc cần tích trữ cho mùa đông sắp tới.
Các kho dự trữ khí đốt tự nhiên đang ở mức thấp đáng báo động trên khắp thế giới và giá cả ở hầu hết các nơi đã lên đến mức đỉnh điểm ở châu Âu và châu Á trong tuần này.
Tại châu Âu, giá năng lượng tăng đột biến (tăng hơn 800% tính từ đầu năm tới nay), đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các nhà lãnh đạo châu Âu và làm gia tăng mối quan ngại về cuộc khủng hoảng nhiên liệu vào mùa Đông tới.
Ngay cả ở Mỹ, nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, cuộc chiến giành nguồn cung đã kéo giá cả lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ, làm bùng lên lo ngại về "một mùa Đông đắt đỏ" và hóa đơn tiền điện tăng cao.
Thực tế này khiến các chủ hàng đang chuyển hướng tàu chở dầu sang người trả giá cao nhất, một điều hiếm khi xảy ra, càng khiến thị trường năng lượng rơi vào vòng xoáy bất ổn. Trong khi đó, các nhà sản xuất đang hoạt động chậm lại vì giá năng lượng liên tục nhảy múa khiến quá trình phục hồi sau đại dịch gặp nhiều rủi ro.
Tình trạng này khiến Trung Quốc và châu Âu đang nóng lòng mở lại các nhà máy chạy bằng than và dầu, gây cản trở tiến độ hướng tới các nguồn năng lượng ít phát thải khí carbon hơn.
Do Châu Âu "phớt lờ" niềm hy vọng vào Nord Stream 2?
Kho chứa LNG tại Sakhalin Energy Co. trên đảo Sakhalin, Nga. Ảnh: Tass
Có nhiều ý kiến cho rằng việc Nga - một ông lớn sản xuất khí đốt tự nhiên lớn - hạn chế cung cấp khí đốt cho châu Âu nhằm đẩy nhanh tiến trình đưa vào sử dụng đường ống dẫn khí "Dòng chảy phương Bắc 2" (Nord Stream 2) nối Nga và Đức, cùng với lượng khí đốt dự trữ thấp là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay.
Một số quan chức, thương nhân và nhà phân tích đã nói rằng tập đoàn năng lượng nhà nước khổng lồ Gazprom của Nga đã chậm chạp trong việc tăng dòng chảy khí đốt, động thái mà Gazprom bác bỏ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 6/10 cũng khẳng định trách nhiệm này thuộc về châu Âu. Nhà lãnh đạo Nga cho rằng một trong những yếu tố ảnh hưởng đến giá năng lượng là việc chấm dứt hoạt động của "hợp đồng dài hạn" có lợi cho thị trường giao ngay.
Cũng có nhiều nguồn tin cho rằng, các rào cản chính trị và quy định trong việc để Nord Stream 2 đi vào hoạt động càng khiến vấn đề an ninh năng lượng của châu Âu bị đe dọa.
Giá khí đốt biến động vào hôm 6/10, đạt mức cao mới 155 euro/MWh trước khi hạ nhiệt sau những bình luận của Tổng thống Putin về đề nghị tăng nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu. Phát biểu ngay trong ngày 6/10, ông Putin cho biết Moscow đã sẵn sàng ổn định thị trường năng lượng toàn cầu, báo hiệu có thể giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng đang gia tăng ở châu Âu. Ông khẳng định, Moscow là một nhà cung cấp đáng tin cậy và luôn hoàn thành tốt mọi nghĩa vụ của mình.
Ông Putin nói Moscow không cần sự xáo trộn trên thị trường khí đốt châu Âu. Đồng thời, Tổng thống Nga cho rằng nước này muốn bán nhiều khí đốt hơn trên sàn giao dịch St Petersburg, nơi cung cấp khí đốt cho những người mua giao ngay ở châu Âu. Nhưng hiện vẫn chưa rõ Nga sẽ sử dụng những kênh nào cho hoạt động đó.
Trong khi đó, các nhà sản xuất khí đốt tự nhiên cũng đã cam kết giữ nguyên mức sản xuất, động thái khiến nguồn cung khó có thể tăng mạnh trong thời gian tới.
Toby Rice, Giám đốc điều hành của tập đoàn sản xuất khí đốt hàng đầu Mỹ EQT Corp cho biết: "Chúng ta có thể tăng nguồn cung, nhưng chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên phát triển khí đá phiến khác".
Sự thiếu hụt gần đây đang khiến các quốc gia đang nỗ lực chuyển đổi sang các nguồn điện ít sử dụng carbon hơn, chẳng hạn như năng lượng gió và năng lượng mặt trời, gặp nhiều khó khăn.
Mối lo "mùa Đông đắt đỏ" của châu Âu
Một nhà máy nhiệt điện của tập đoàn khí đốt Gazprom ở Sochi, Nga. Ảnh: AFP
Giá cả tăng vọt đã đặt vấn đề này lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của EU với việc các nhà lãnh đạo kêu gọi độc lập hơn về năng lượng - do gần 90% nguồn cung của khối được nhập khẩu, với Nga là một trong những nguồn nhập khẩu chính cùng với Na Uy.
Ở châu Âu, các chính phủ đã sử dụng khí đốt tự nhiên như một bước đệm để chuyển từ nguồn năng lượng than và dầu sang các nguồn năng lượng tái tạo. Glenn Rickson, Trưởng bộ phận phân tích năng lượng châu Âu tại S&P Global Platts cho biết, nguồn cung bị hạn chế đồng nghĩa với việc các nhà máy điện than đang hoạt động gần hết công suất.
San Filippo del Mela của Italia, nhà máy điện chạy bằng dầu lớn nhất Tây Âu, đã sản xuất trung bình khoảng 125 megawatt điện mỗi ngày kể từ đầu mùa hè, hơn gấp đôi so với mức sản xuất 50 megawatt điện mỗi ngày từ năm 2018 đến năm 2020, ông Rickson nói.
Theo Giám đốc điều hành của hoạt động mua bán và sáp nhập công ty tư vấn Lambert Energy Advisory Ltd, Philip Lambert, các chính phủ trên khắp thế giới bắt đầu cắt giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng than đá và khí đốt để giảm lượng khí thải carbon gây ô nhiễm.
"Nhưng bây giờ chúng ta đang đối mặt một cuộc khủng hoảng rất, rất buồn", ông nói.
Sau khi Nga đến "giải cứu" châu Âu và đề nghị tăng nguồn cung cấp khí đốt cho khu vực này trong bối cảnh giá tăng cao, các chuyên gia cho biết, một điều đã trở nên rõ ràng: Các nước châu Âu hiện phần lớn phụ thuộc vào Nga trong vấn đề năng lượng.
Các nhà phân tích thị trường cho rằng động thái này cho thấy châu Âu ngày càng dễ bị tổn thương trong vấn đề năng lượng trong khi lại không đồng ý "mở cửa hoàn toàn" cho Nord Stream 2, vốn sẽ giúp cung cấp nhiều khí đốt của Nga đến châu Âu qua Biển Baltic và bỏ qua điểm trung chuyển Ukraine.
Nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu từ lâu đã là một chủ đề hóc búa. Nó thường làm xấu đi mối quan hệ giữa Nga, Mỹ và EU. Các chuyên gia coi cuộc chiến về nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu như một cuộc chiến ủy nhiệm giữa Mỹ và Nga, cả hai đều tranh giành thị phần trong khu vực với nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên (Nga) và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (Mỹ).
Hiện các nhà lãnh đạo châu Âu đang chia rẽ về cách ứng phó với tình trạng giá năng lượng leo thang hiện nay. Pháp và Tây Ban Nha ngày 6/10 kêu gọi có hành động quyết đoán toàn EU, trong khi nhiều nước cho rằng cần bình tĩnh.
Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến sẽ đề xuất các biện pháp để giảm thiểu những tác động của giá nhiên liệu tăng đối với người tiêu dùng và được đưa ra thảo luận tại một hội nghị thượng đỉnh tại Brussels vào ngày 21-22/10 tới.
Nam Anh
Doanh nghiệp tiếp thị