Các nhà khoa học quốc tế thuộc dự án Robot tự hành sao Hỏa Perseverance của NASA đã tìm thấy bằng chứng xác nhận rằng miệng núi lửa Jezero của Hành tinh Đỏ từng là địa điểm của một hệ thống đồng bằng-hồ rộng lớn.
Cụ thể, trong một nghiên cứu được công bố ngày 7/10 trên tạp chí Science, các nhà nghiên cứu thuộc dự án Perseverance của NASA cho biết, những hình ảnh từ chiếc rover - được chụp trong ba tháng sau khi Perseverance đổ bộ sao Hỏa hồi tháng 2/2021 - cho thấy khu vực này đã trải qua những trận lũ lụt đáng kể.
Hình ảnh này về "Kodiak" - một phần còn lại của trầm tích hình cánh quạt bên trong miệng núi lửa Jezero của sao Hỏa được gọi là vùng châu thổ - được chụp bởi thiết bị Mastcam-Z của Perseverance vào ngày 22 tháng 2 năm 2021. (Nguồn: NASA / JPL-Caltech / ASU / MSSS)
Các bức ảnh cho thấy vùng châu thổ hình cánh quạt có các mặt nhô ra [mà nhóm nghiên cứu cho rằng đã không thể nhìn thấy từ quỹ đạo sao Hỏa] ghi lại sự tiến hóa thủy văn của miệng núi lửa.
Tại mỏm đá "Kodiak", các nhà khoa học nhận thấy địa tầng của nó dọc theo mặt phía đông, cho thấy các lớp mà một nhà địa chất học mong đợi sẽ tìm thấy ở một vùng đồng bằng sông trên Trái Đất.
Các tác giả của nghiên cứu viết: "Sự hiện diện của các địa tầng nghiêng trong những mỏm đá này là bằng chứng về việc các châu thổ đã tiến sâu vào hồ. Sự kế thừa trầm tích này cho thấy sự chuyển đổi, từ một hoạt động thủy văn bền vững trong môi trường hồ dai dẳng, sang các dòng chảy phù sa trong thời gian ngắn có năng lượng cao."
Nicolas Mangold, nhà khoa học thuộc dự án Perseverance từ Thư viện Laboratoire de Planétologie et Géodynamique ở Nantes, Pháp, đồng thời là tác giả chính của bài báo cho biết: "Chưa bao giờ địa tầng được bảo tồn tốt như vậy lại có thể nhìn thấy trên sao Hỏa. Đây là quan sát quan trọng cho phép chúng tôi xác nhận một lần và mãi mãi về sự hiện diện của hồ và đồng bằng sông ở Jezero. Và ở đâu có nước, ở đó có sự sống!"
Các bức ảnh dẫn họ đến những kết luận này được chụp bởi các camera Mastcam-Z bên trái và bên phải của Perseverance cùng với Remote Micro-Imager của nó.
NASA cho biết những hình ảnh này cũng cung cấp cho nhóm nghiên cứu cái nhìn sâu sắc về nơi họ có thể tìm kiếm các mẫu đá và trầm tích tốt nhất để thu thập và lưu vào bộ nhớ cache của cỗ máy. Xa hơn nữa, Mastcam-Z và RMI đã tìm thấy đá và những tảng đá mà nhóm nghiên cứu cho rằng chắc chắn đã được mang theo bởi lũ quét di chuyển nhanh.
SỰ SỐNG TỪNG CÓ TRÊN SAO HỎA?
"Những kết quả này cũng có tác động đến chiến lược lựa chọn đá để lấy mẫu mang về Trái Đất nghiên cứu", Sanjeev Gupta, một nhà khoa học thuộc dự án Perseverance từ Đại học Imperial, London (Anh) và là đồng tác giả của bài báo, cho biết trong một tuyên bố. "Vật liệu hạt tốt nhất ở dưới cùng của đồng bằng có lẽ là nơi tốt nhất để tìm kiếm bằng chứng về các chất hữu cơ và cấu trúc sinh học."
Hình ảnh được chú thích này cho biết vị trí của rover tự hành Perseverance của NASA (phía dưới bên phải), cũng như mỏm đá "Kodiak" (phía dưới bên trái) và một số bờ dốc nổi bật được gọi là escarpments, hoặc sẹo, dọc theo châu thổ của miệng núi lửa Jezero. Ảnh: NASA / JPL-Caltech / Đại học Arizona / USGS
Cuối cùng, các nhà khoa học mô tả mực nước của hồ Jezero dao động hàng chục thước trước khi nó biến mất - mặc dù không biết liệu những thay đổi đó là do lũ lụt hay do sự thay đổi môi trường dần dần.
Nhóm nghiên cứu đã xác định rằng những thay đổi xảy ra muộn hơn trong lịch sử của đồng bằng và mực nước hồ thấp hơn mực cao nhất ít nhất 100 mét.
Sanjeev Gupta lưu ý: "Hiểu rõ hơn về vùng châu thổ của Jezero là chìa khóa để hiểu được sự thay đổi về thủy văn của khu vực, và nó có thể cung cấp những hiểu biết có giá trị về lý do tại sao toàn bộ hành tinh này lại khô cạn".
NASA tin rằng sao Hỏa đã khô cạn khoảng 3,5 tỷ năm trước và hồ đã tồn tại cách đây khoảng 3,7 tỷ năm.
Vùng đồng bằng này sẽ là địa điểm cho chiến dịch khoa học thứ hai của nhóm thám hiểm Perseverance vào năm 2022.
Tanja Bosak, phó giáo sư địa sinh học tại MIT (Học viện Công nghệ Massachusett, Mỹ), nói với MIT News rằng: "Giờ chúng ta có cơ hội tìm kiếm các hóa thạch trên sao Hỏa. Sẽ mất một khoảng thời gian để đến những tảng đá mà các nhà khoa học thực sự hy vọng sẽ lấy mẫu để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống. Vì vậy, đó là một cuộc chạy marathon, với rất nhiều tiềm năng phía trước. Nếu sao Hỏa từng có sự sống, ngày con người lên hành tinh không còn xa!"
Bài viết sử dụng nguồn: FOX NEWS
Trang Ly
Pháp luật và bạn đọc