Bé Andy, con trai Tiến Luật - Thu Trang (bìa trái) vui vẻ bên anh em họ - Ảnh: T.L.
Nhiều gia đình ở thành thị vẫn chọn sống tam đại đồng đường. Như gia đình vợ chồng diễn viên Tiến Luật - Thu Trang: ba má, Tiến Luật - Thu Trang, vợ chồng em gái và em trai Tiến Luật sống chung với nhau dưới một mái nhà.
Những ngày nghỉ bên nhau dài ngày hóa ra cũng thêm cơ hội cho anh em gần gũi, yêu thương nhau hơn.
Niềm vui của trẻ: Được chơi với anh em!
Một bài đăng trên mạng xã hội của nghệ sĩ Tiến Luật được nhiều người thích thú phải vào thả tim: "Nhà em có 4 gia đình sống chung, tụi nhỏ vì vậy cũng chơi chung và quẩy từ sáng tới tối. Trò chơi yêu thích của chúng là trốn tìm, chơi từ đầu mùa dịch tới giờ.
Nhà đâu có rộng, chỉ có 3 chỗ trốn mà tụi nó chơi mấy tháng rồi vẫn thành công và không tìm ra nhau. Khi tìm được vẫn mừng như chưa hề biết những chỗ trốn quen thuộc đó... Em chợt nhận ra niềm vui của trẻ con đôi khi đơn giản lắm, chỉ cần được bên cạnh anh em thì dù chơi ở đâu, chơi trò gì và chơi bao lâu không còn quan trọng nữa!".
Tiến Luật tâm sự vợ chồng anh thuộc tuýp người của gia đình nên dù đã mua nhà riêng nhưng vẫn thích sống chung đại gia đình, cùng nhau chia sẻ ngọt bùi, đặc biệt bọn trẻ có được tuổi thơ vui vẻ khi gần gũi anh chị em.
"Chúng tôi không thể bé lại như đứa trẻ 9 tuổi để có hiểu tâm tư và chơi với con trai. Vì vậy, khi được sống cùng 3 anh em khác trong nhà, con trai tôi có đủ thứ chuyện để nói, tụi nhỏ chơi và ăn ngủ cùng nhau.
Sống với anh em, bé có một sự kết nối rất tốt, học được cách nhường nhịn chia sẻ. Có người chơi nên bé cũng không bị lệ thuộc vào điện thoại. Khi chúng tôi bận rộn bên ngoài cảm thấy rất an tâm vì nhà luôn có ông bà nội, cô chú và các anh chị em. Còn gì vui hơn khi thấy con mình có một tuổi thơ hạnh phúc trong sự ấm áp của đại gia đình" - Tiến Luật xúc động nói.
Để con có ký ức tuổi thơ
Ở không ít gia đình tại thành phố sôi động bậc nhất nước như TP.HCM, dù sống cùng thành phố nhưng công việc cứ cuốn đi nên con cái mỗi năm tụ họp về thăm ông bà vài lần. Trẻ ít cơ hội gặp anh em họ nên cũng có khoảng cách. Hình ảnh thường thấy là những lúc họp mặt gia đình, mỗi bé ôm một điện thoại vì dường như không có chuyện gì nói với nhau.
Mùa dịch này, để giải quyết sự "tù túng" cho bọn trẻ, không ít gia đình từ đầu mùa đã chọn đưa con về quê, về ở cùng ông bà nội, ông bà ngoại. Ông Trần Đăng (ở Bình Dương) kể hồi những năm cuối 1960, đầu 1970 ba ông và mấy ông dượng tham gia cách mạng, má ông và các dì ở nhà phải đi làm xa, vì vậy ông và các anh em bạn dì được gửi hết cho ông bà ngoại nuôi. Tròm trèm hơn 20 chục đứa, từ 2 tuổi tới 15, 16 tuổi. Nhà lúc nào cũng như cái chợ mà vui thấu trời. Mãi sau này đã 50 - 60 tuổi, anh em gặp lại kể hoài không hết chuyện hồi đó - cả một trời ký ức tươi đẹp.
"Đã có một tuổi thơ vui vẻ như thế, nên nhìn các cháu của mình bây giờ tôi thấy hơi buồn. Dầu cuộc sống đầy đủ, các cháu được hưởng nhiều tiện nghi nhưng tôi sợ cháu không có ký ức. Đứa nào ở nhà đứa nấy, sáng đi học tới chiều. Tối học bài tới khuya, có thời gian thì xem tivi, chơi điện thoại..." - ông Đăng chia sẻ.
Và mùa dịch này dù ôm nhiệm vụ phải chăm cùng lúc 4 - 5 đứa cháu, ông vẫn vui ra mặt. Bởi mấy khi ông bà được gần gũi cháu một thời gian dài như vậy.
Chị Huệ Linh (Q.6) đưa con về quê ngoại ở Cần Thơ. Chị có đứa con gái tuổi teen hơi ngang bướng và ít chịu tâm sự với cha mẹ. Ở quê, chị ruột chị có một cậu con trai cùng tuổi con chị, cũng khá ẩm ương. Sống ở quê nhà, hai anh em hóa ra lại "hợp cạ". Bọn trẻ học online cùng nhau, khi rảnh lại kể chuyện bạn bè trong lớp cũ. Hai anh em và các anh chị em họ khác nhà ngoại cũng thích xúm lại bày cái này, nấu cái kia. Rồi thân nhau lúc nào không hay.
Đại dịch có đau đớn nhưng cũng để lại cho chúng ta nhiều điều suy ngẫm. Đó là nốt lặng để ngẫm guồng quay về cuộc sống và sự gắn kết gia đình, tình cảm anh em. Khi dịch bệnh kiểm soát được, cuộc sống dần ổn định, chị Linh tự nhủ sẽ dành thời gian trở về nhà, dành thời gian cho con gần gũi anh em, để con trẻ có một tuổi thơ thật đáng nhớ...
TTO - Giữa cái nắng oi bức mùa hè, trên lề đường ngay trước hội đồng thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chúng tôi bắt gặp một cả ba thế hệ trong gia đình chị Trần Thị Thu Thủy (nhà ở Q.6), gồm bà ngoại, mẹ và con trai út, đang ngồi đợi thí sinh.
Xem thêm: mth.36395500101011202-me-hna-hnit/nv.ertiout