Sáng 10-10, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với bão số 7 và tổ hợp thiên tai phức tạp, đặc biệt là cơn bão Kompasu, dự kiến là cơn bão số 8 trong những ngày tới. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp.
Bão số 7 suy yếu thành ATNĐ, bão Kompasu sắp vào Biển Đông
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 11 giờ trưa nay, bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ).
Mô hình dự báo vị trí và đường đi của bão số 7 và bão Kompasu. Ảnh: VNDMS
Hồi 10 giờ ngày 10-10, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Nam Quảng Ninh, cách Hải Phòng khoảng 100km, cách Nam Định khoảng 150km, cách Thanh Hóa khoảng 260km.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm ATNĐ.
Dự báo trong 12 giờ tới, ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào khu vực từ Hải Phòng đến Thanh Hóa. Đến 22 giờ ngày 10-10, vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 105,6 độ Kinh Đông. Cường độ ATNĐ mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Do ảnh hưởng của ATNĐ kết hợp với không khí lạnh sẽ gây mưa to đến rất to cho khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ, lượng mưa có nơi lên tới hơn 250mm.
Về cơn bão số 8 (bão Kompasu) đang hoạt động ở gần Biển Đông, lúc 11 giờ trưa nay, Trung tâm KTTVQG đã phát bản tin đầu tiên về cơn bão này. Dự báo khoảng đêm 11-10, sáng ngày 12-10 bão sẽ đi vào Biển Đông. Đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, khu vực ảnh hưởng rộng.
Hàng ngàn người dân di cư đang ở trong vùng ảnh hưởng của bão
Tại cuộc họp, Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên, đại diện Bộ Công an cho biết, đến thời điểm này có hơn 2000 điểm xung yếu về trật tự an toàn giao thông đã được hơn 3.000 cán bộ chiến sĩ và hơn 8.000 phương tiện dẫn giải, cứu hộ đã trực chiến sẵn trên tuyến đồng bằng, miền núi.
Về tình hình di dân từ các tỉnh phía nam ra bắc, Đại tá Nguyên cho biết tính từ ngày 5-10 trở lại đây, theo báo cáo của các đơn vị nghiệp vụ của Bộ, có hơn 26.000 người dân, chủ yếu là lực lượng lao động ở các tỉnh phía nam, di chuyển dọc hai tuyến đường Trường Sơn và quốc lộ 1A và hiện vẫn đang trong quá trình di chuyển.
"Tinh thần là vẫn còn tiếp tục. Hiện nay số lao động này tiếp cận truyền thông, giải trí còn hạn chế, cá biệt là không tiếp cận được" - Đại tá Nguyên nói.
Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên, đại diện Bộ Công an báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: AH
Đại diện Bộ Công an tiếp tục thông tin, 12 giờ đêm qua đã yêu cầu Giám đốc Công an Hà Nam sẽ dừng toàn bộ di chuyển của người dân, kể cả phương tiện xe máy và đi bộ. Lực lượng công an đã chủ động báo cáo chính ủy cho sử dụng một số nhà văn hóa.
"Chỉ tính riêng ở địa bàn tỉnh Hà Nam, từ ngày 5 đến 10-10, đi qua địa bàn Hà Nam trên tuyến quốc lộ 1 có 49 đoàn, trong đó có 95 ô tô, hơn 2.000 xe máy. Tổng số người dân thống kê được qua mã quét QRcode thì có 5.709 người, trong đó có 1.892 người dân đi bộ, 153 trẻ em.
Đây là vấn đề rất nguy hiểm khi có bão vào và mưa, vừa đói vừa rét. Ngày hôm qua sau khi họp trên Văn phòng Chính phủ đã xin ý kiến Bộ trưởng, xin ý kiến Bí thư tỉnh Hà Nam sẽ trưng dụng các nhà văn hóa, và sử dụng các phương tiện có thể" - Đại tá Nguyên nói.
Cũng theo ông Nguyên, lực lượng công an rất chủ động, sử dụng cả xe chở quân, xe chở vũ khí để đưa đồng bào vào các nhà văn hóa. Đến thời điểm bão vào, sẽ yêu cầu giám đốc Công an các tỉnh chỉ đạo các chốt cho dừng toàn bộ các hoạt động đi lại của người dân, nhất là người dân di chuyển từ phía nam ra.
"Câu chuyện là một mình lực lượng công an thì không giải quyết được chỗ ở. Ăn, uống lực lượng công an có thể giải quyết được, nhưng sau bão sẽ di chuyển người dân về địa phương thế nào để an toàn nhất.
Chúng tôi đã yêu cầu các điểm đầu cuối, giám đốc Công an các tỉnh có đồng bào đang tạm trú tạm vắng và giám đốc Công an ở địa phương, điểm đến của đồng bào kết nối với nhau, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ và UBND các tỉnh thì sẽ giải quyết được triệt để vấn đề này" - Đại tá Nguyên chia sẻ.