Thủ tướng yêu cầu hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho người dân hồi hương khi bão, mưa lũ - Ảnh: TẤN LỰC
Chiều 10-10, Phó thủ tướng Lê Văn Thành ký công điện của Thủ tướng gửi các bộ, ban, ngành và các tỉnh ven biển Quảng Ninh đến Phú Yên về việc chủ động ứng phó với bão, mưa lũ.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tiếp tục gây mưa to đến rất to tại các tỉnh phía Bắc Bộ và Thanh Hóa. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng thấp trũng, ven sông.
Đồng thời, hiện nay ở ngay khu vực biển phía đông Philippines có cơn bão có tên quốc tế Kompasu đang hoạt động và dự báo đêm 11-10, bão có thể vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 8.
"Đây là cơn bão mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, sức gió mạnh nhất trên biển có thể tới cấp 10-11, giật cấp 13 và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, gây gió mạnh, mưa lớn tại các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ trong một vài ngày tới.
Đây là tình huống thiên tai nguy hiểm liên tiếp, nguy cơ bão chồng bão, lũ chồng lũ, trong khi dịch bệnh COVID-19 vẫn còn phức tạp ở một số địa phương, nhiều người dân đang di chuyển từ các tỉnh phía Nam ra phía Bắc qua khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất" - công điện nhấn mạnh.
Để chủ động ứng phó thiên tai, hạn chế thiệt hại, bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố bảo đảm an toàn cho phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển, cửa sông và tại khu neo đậu và đảm bảo an toàn cho người trên lồng bè nuôi trồng thủy hải sản và trên các đảo.
Rà soát phương án ứng phó, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ thu hoạch lúa, hoa màu, sơ tán, di dời dân cư, tìm kiếm cứu nạn, ứng phó và khắc phục hậu quả bão, mưa lũ.
Thủ tướng cũng giao Bộ Công an phối hợp với chính quyền các địa phương và các bộ, ngành có liên quan thông tin kịp thời, khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển qua vùng bị ảnh hưởng của bão, lũ, sạt lở. Chỉ đạo, triển khai phương án hỗ trợ, bảo đảm an toàn đối với những người dân đang di chuyển từ các tỉnh phía Nam ra phía Bắc.
Tại cuộc họp ứng phó với bão số 7 diễn ra sáng 10-10, đại tá Nguyễn Hồng Nguyên, phó chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết theo báo cáo của các địa phương, từ ngày 5 đến 10-10, có hơn 26.000 người dân lao động ở phía Nam di chuyển dọc tuyến đường Trường Sơn và quốc lộ 1.
Hiện nay lượng lao động hồi hương rất hạn chế trong tiếp cận thông tin, nên nhiều người dân vẫn di chuyển về quê khi có mưa bão.
Như tại Hà Nam 12h đêm qua, Bộ Công an yêu cầu giám đốc Công an tỉnh dừng toàn bộ di chuyển của người dân kể cả xe máy và đi bộ. Lực lượng công an chủ động báo cáo lãnh đạo tỉnh cho sử dụng một số nhà văn hóa để người dân tạm trú.
"Từ ngày 5 đến 10-10, trên tuyến quốc lộ 1 qua Hà Nam có 49 đoàn/5.709 người, đáng chú ý có 1.892 người dân đi bộ (có 153 trẻ em), điều này rất nguy hiểm khi bão vào kèm theo mưa, vừa đói, vừa rét. Lực lượng công an rất trăn trở và suy nghĩ việc này nên sử dụng xe chở quân, xe chở vũ khí để đưa bà con vào một số nhà văn hóa" - ông Nguyên nói.
Từ dẫn chứng tại Hà Nam, ông Nguyên cho biết Bộ Công an đã yêu cầu công an các tỉnh khi có bão vào thì phải dừng toàn bộ hoạt động đi lại, đặc biệt là người dân từ phía Nam về. Sau khi hết mưa bão mới cho người dân tiếp tục di chuyển.
TTO - Trong 10 ngày tới, ở khu vực bắc miền Trung trở ra Bắc Bộ đối mặt với thời tiết bất thường gồm các cơn bão số 7, bão số 8, thậm chí là bão số 9 và không khí lạnh liên hoàn.