Số liệu này được Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) thống kê từ thông tin Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Nhóm ngân hàng tiếp tục dẫn đầu về khối lượng phát hành với tổng giá trị 13.860 tỷ đồng, trong đó khoảng 6.200 tỷ đồng là trái phiếu phát hành tăng vốn cấp hai của BIDV, Vietinbank, VIB và MB. Lãi suất chủ yếu thả nổi tham chiếu bình quân lãi suất tiết kiệm 4 ngân hàng nhà nước, dao động từ 6,4% đến 7,9% một năm.
Nhóm bất động sản xếp thứ hai với giá trị phát hành riêng lẻ gần 8.400 tỷ đồng, trong đó khoảng 11% trái phiếu có tài sản đảm bảo là cổ phiếu hoặc không có tài sản đảm bảo. Lãi suất phát hành của nhóm này tương đối cao, từ 9,5% đến 12% một năm và kỳ hạn phổ biến từ 1 đến 5 năm.
Luỹ kế chín tháng đầu năm, thị trường ghi nhận gần 600 đợt phát hành. 582 đợt trong số này là phát hành riêng lẻ để huy động 350.000 tỷ đồng, 14 đợt phát hành ra công chúng huy động 12.000 tỷ đồng và 3 đợt phát hành ra thị trường quốc tế với tổng giá trị 1 tỷ USD.
Từ đây đến cuối năm vẫn còn nhiều doanh nghiệp dự kiến huy động vốn lớn bằng trái phiếu. Điển hình như Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) đã phê duyệt phương án phát hành trái phiếu 2.500 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long huy động trái phiếu hai đợt tổng trị giá 950 tỷ đồng với lãi suất dự kiến 9,5% cho năm đầu tiên và thả nổi cho các năm tiếp theo.
Trao đổi với VnExpress, ông Phan Tùng Lâm - Giám đốc Kinh doanh Trái phiếu và Sản phẩm Cấu trúc, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nhận định thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang rất sôi động. Nguồn cung trái phiếu doanh nghiệp dồi dào do tín dụng qua hệ thống ngân hàng chặt hơn, đặc biệt ở nhóm bất động sản, nên nhiều công ty chọn phương án phát hành trái phiếu để có dòng tiền bổ sung hoạt động kinh doanh. Lãi suất ngân hàng giảm dẫn đến nhiều nhà đầu tư tìm kiếm các kênh sinh lời tốt hơn là nguyên nhân trái phiếu mới phát hành có tỷ lệ hấp thụ cao.
Tuy nhiên, ông Lâm nhấn mạnh, lợi nhuận luôn đi cùng rủi ro nên nhà đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp cần phải hiểu rủi ro tín dụng, tức phải đánh giá được tình hình kinh doanh, tăng lực tài chính, khả năng trả nợ (lãi suất và gốc) của tổ chức phát hành. Tính thanh khoản của trái phiếu cũng cần được chú ý bởi đầu tư trái phiếu thường kéo dài vài năm nên cần cân đối nhu cầu thanh toán trước khi xuống tiền.
Phương Đông