Đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp chứng khoán đã có số ước lợi nhuận kinh doanh quý 3 vừa qua và cả 9 tháng của năm 2021 với kết quả rất tích cực, vượt xa kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đặt ra trước đó.
Thậm chí, một số công ty chứng khoán đã phải nâng mục tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm lên mức cao mới. Vậy điều gì giúp lợi nhuận các công ty chứng khoán bứt phá?
Lực đẩy từ thị trường
Sự tăng trưởng mạnh của các doanh nghiệp chứng khoán cũng là điều dễ hiểu trước bối cảnh thị trường diễn biến sôi động với thanh khoản tăng cao.
Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến hết cuối tháng 8/2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đạt mức vốn hóa 8.100.667 tỷ đồng, tương đương 138,6% GDP, tăng 21,27% so với cuối năm 2020.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán 9 tháng năm nay ước tính đạt 292.100 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 24.042 tỷ đồng/phiên, tăng 224% so với bình quân năm 2020; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt đạt 10.948 tỷ đồng/phiên, tăng 5,3%.
Khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán phái sinh, đối với sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 207.171 hợp đồng/phiên, tăng 32%; đối với sản phẩm chứng quyền có bảo đảm, khối lượng đạt 18,78 triệu chứng quyền/phiên, tăng 59%.
Trong 9 tháng năm 2021, số tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước đạt 957.215 tài khoản, trong khi tổng số tài khoản mở mới 3 năm liên tiếp 2018, 2019 và 2020 cộng lại chỉ đạt 837.345 tài khoản.
MBS đánh giá thời gian tới, thanh khoản thị trường sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi môi trường lãi suất thấp, các ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng từ 10/8, cùng với đầu tư công và kỳ vọng kinh tế phục hồi trên diện rộng trong 2022.
Trong khi các nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục là động lực chính của thị trường với tỷ lệ gia nhập thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ, các nhà đầu tư nước ngoài nhiều khả năng sẽ quay trở lại, nhờ triển vọng ổn định trong xu thế tăng giá của đồng Việt Nam, bên cạnh sự tham gia tích cực của các quỹ ETF (quỹ đầu tư thụ động).
Việt Nam là thị trường chứng khoán có tỷ trọng lớn nhất trong rổ MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100, lần lượt đạt 30,3% và 31,4%. Các công ty chứng khoán kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh thu nhập phí môi giới chứng khoán và thu nhập cho vay margin.
Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán lớn đang tích cực triển khai số hóa vận hành, sản phẩm và kênh bán hàng nhằm tăng biên lợi nhuận.
Ngoài ra, các công ty chứng khoán đều đẩy mạnh phát triển các sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư như: trái phiếu doanh nghiệp, sản phẩm cấu trúc liên quan đến tiền gửi, bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, chứng chỉ quỹ mở…
Thị trường sôi động, nhu cầu vay margin của nhà đầu tư tăng cao. Theo MBS, dư nợ margin/vốn chủ sở hữu tại các công ty chứng khoán đã tăng tương đối, nhưng trong giai đoạn 2017 - 2020, vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán tăng lên quá thấp và dẫn tới lượng cho vay margin không đuổi kịp tốc độ tăng của thị trường.
Trong khi đó, dư địa phát triển mảng cho vay doanh nghiệp với tài sản đảm bảo là cổ phiếu còn lớn. Do đó, các công ty chứng khoán niêm yết lớn nhất đang thực hiện tăng vốn; trong đó, 6.568 tỷ đồng đến từ phát hành quyền mua cổ phiếu, phát hành riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi và 191 tỷ đồng thông qua ESOP (phát hành theo chương trình lựa chọn người lao động).
Điều này giúp các công ty chứng khoán mở rộng hoạt động kinh doanh, đặc biệt là hoạt động cho vay ký quỹ với giới hạn theo luật định là hai lần vốn chủ sở hữu.
MBS cho rằng dư nợ cho vay margin sẽ tiếp tục tăng thời gian tới, do thanh khoản cải thiện và tỷ lệ thâm nhập thị trường gia tăng. Quan trọng hơn, các công ty chứng khoán đang đẩy mạnh tham gia vào thị trường tín dụng, mở rộng tín dụng cho các công ty dưới hình thức trái phiếu doanh nghiệp, cho vay margin, với các điều khoản linh hoạt hơn so với tín dụng ngân hàng.
So với cho vay margin truyền thống, các công ty chứng khoán còn nhiều cơ hội để mở rộng các khoản vay kinh doanh cho doanh nghiệp trên quy mô rộng hơn nhiều.
Lợi nhuận vượt kỳ vọng
MBS cho biết năm 2021, thống kê 31/35 công ty chứng khoán, chiếm 96,1% vốn hóa của ngành, dự kiến lợi nhuận sau thuế tăng 27% so với năm ngoái.
Một số công ty chứng khoán chưa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 vừa qua, nhưng sau những động thái của doanh nghiệp gần đây cho thấy kết quả kinh doanh đạt được có thể rất ấn tượng.
Đơn cử, mới đây Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect (VNDirect) đề xuất nâng kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2021 tăng 82% so với mục tiêu đề ra ban đầu, do thị trường chứng khoán khởi sắc cùng các mảng kinh doanh khác thuận lợi.
VNDirect cho biết tổng doanh thu hoạt động 7 tháng năm 2021 đạt hơn 2.200 tỷ đồng, thực hiện hơn 86% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế đạt 1.320 tỷ. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.056 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch đề ra hồi đầu năm. Đây là mức kỷ lục về lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp.
Sau kết quả kinh doanh ấn tượng, ban lãnh đạo doanh nghiệp đề xuất điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh với chỉ tiêu mới về doanh thu hoạt động là 3.951 tỷ đồng, tăng 55% so với chỉ tiêu đặt ra ban đầu. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế tăng 82% so với kế hoạch ban đầu, lên 1.600 tỷ đồng.
Mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (mã chứng khoán: SSI) cũng cho biết, lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2021 của doanh nghiệp ước đạt gần 2.100 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ năm trước và vượt 12% so với kế hoạch Đại hội đồng thường niên thông qua. Quý 3 vừa qua, lợi nhuận của SSI ước đạt 836 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2020 chỉ đạt 421 tỷ đồng.
Theo SSI, quý 3 năm nay, doanh nghiệp đã hoàn thành nhận giải ngân khoản vay tín chấp nước ngoài 118 triệu USD từ nhóm ngân hàng nước ngoài và định hướng phân bổ một phần vào mảng cho vay giao dịch ký quỹ.
Dư nợ ký quỹ đến cuối quý 3 tiếp tục tăng trưởng mạnh lên mức 18.100 tỷ đồng, tăng 2.600 tỷ đồng so với quý trước. Số lượng tài khoản mở mới tại SSI trong quý 2 đã tăng 17,4% so với quý trước và tăng 323% so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị giao dịch của SSI cũng tăng 7,5% so với quý 2 cao hơn mức tăng trưởng bình quân 4,2% của thị trường chung và tăng 247% so với cùng kỳ.
Với các doanh nghiệp chứng khoán có quy mô nhỏ hơn, kết quả kinh doanh cũng rất tích cực. Theo đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán SmartInvest (SMARTSC) cũng công bố kết quả kinh doanh 8 tháng với doanh thu 467 tỷ đồng; lợi nhuận thuế hơn 100 tỷ đồng. Với kết quả này, doanh nghiệp thực hiện được 85% chỉ tiêu doanh thu và vượt 4,8 tỷ đồng so với chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế đề ra trước đó.
Mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành Công (mã chứng khoán: TCI) dự kiến kết quả kinh doanh trong 9 tháng 2021. Công ty ước tính doanh thu và lợi nhuận trước thuế trong 3 quý năm 2021 đạt lần lượt khoảng 240 tỷ và hơn 175 tỷ, tăng lần lượt 129% và 175% so với kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế đề ra từ đầu năm 2021.
Ước tính 9 tháng 2021, doanh thu mảng tự doanh của công ty đạt hơn 130 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng doanh thu. Mảng cho vay ký quỹ tăng hơn 4 lần, mảng môi giới tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ 9 tháng năm ngoái. Hoạt động ngân hàng đầu tư, tư vấn đầu tư cũng vượt xa kế hoạch đặt ra trước đó.
Nhờ kết quả kinh doanh tích cực, cổ phiếu chứng khoán là một trong những nhóm ngành tăng mạnh nhất trên sàn chứng khoán. Theo MBS, tính đến ngày 1/9/2021, giá cổ phiếu của các công ty chứng khoán niêm yết đã tăng 112,74% kể từ đầu năm, cho thấy triển vọng lợi nhuận của năm 2021 đã được phản ánh vào giá cổ phiếu.
Việc tăng giá cổ phiếu chứng khoán chủ yếu diễn ra ở các công ty nhỏ và tăng gấp nhiều lần kể từ đầu năm đến nay, trong khi nhóm cổ phiếu lớn hơn nằm trong top thị phần và có nền tảng cơ bản tốt vẫn có mức tăng giá thấp hơn so với mặt bằng chung./.
Xem thêm: lmth.02370000042210202-naohk-gnuhc-nd-ueihn-auc-nauhn-iol-cul-yk-man-oab-ud/nv.semitaer