Đến ngày 4-10, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP đã ghi nhận có 17 địa phương đề nghị công nhận kiểm soát được dịch gồm TP Thủ Đức, các quận 1, 3, 5, 6, 7, 10, 11, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Phú, Tân Bình, các huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi.
Chiều 10-10, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết hôm nay (11-10), học sinh (HS) xã đảo Thạnh An vẫn chưa thể trở lại trường để học trực tiếp. Bởi hiện nay, UBND TP.HCM vẫn chưa có ý kiến về tờ trình của Sở GD&ĐT TP.HCM liên quan đến việc mở cửa trường học tại xã đảo Thạnh An.
Trong khi đó, nhiều địa phương khác cũng cho biết thời điểm này chưa thích hợp để HS học tập trung.
Nhiều trường học được trưng dụng cho công tác phòng chống dịch,
trong đó có Trường THCS Nguyễn Thị Thập, quận 7, được dùng làm chỗ
cách ly, điều trị F0. Ảnh: CP
Không nên vội vàng
Chị TN, sống tại quận 8, chia sẻ dù nhiều quận, huyện đã công bố kiểm soát được dịch, số ca nhiễm đang giảm dần, tuy nhiên phải cân nhắc thật kỹ về việc mở cửa trường học bởi hiện nay, đa phần người lớn đều đã được tiêm vaccine nhưng HS thì chưa.
“Tôi chỉ yên tâm cho con đến trường khi con đã được tiêm vaccine. Con tôi bị hen suyễn lại có tạng hơi béo nên dù nói trẻ em thường bệnh nhẹ nhưng có trường hợp vẫn trở nặng. Con cái là mối quan tâm lớn nhất đối với cha mẹ. Phụ huynh đi làm cũng chỉ với mục đích tạo điều kiện tốt nhất cho con phát triển” - chị N bộc bạch.
Nghiên cứu qua dự thảo bộ tiêu chí an toàn trong trường học, chị N cho rằng với tiêu chí thứ hai: “Số lượng giáo viên, HS tập trung cùng một thời điểm” thì ít trường có thể đảm bảo. Dự thảo bộ tiêu chí yêu cầu con số này không quá 50% theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT. Theo chị N, để đạt được, các trường sẽ phải tách lớp hoặc phải bố trí lệch ca, lệch giờ học, phòng học lấy đâu ra để đáp ứng? Chưa kể, nếu vừa dạy trực tiếp vừa soạn bài online thì giáo viên cũng cực gấp đôi.
Trong khi đó, chị Đức Hạnh, phụ huynh có con năm nay lên lớp 12, cho rằng khi trường xác định cho HS đi học lại thì trường phải đảm bảo các tiêu chí an toàn. Vaccine là yếu tố quan trọng nhưng không phải duy nhất, nếu lọc kỹ các đối tượng nguy cơ và có biện pháp chặt thì vẫn có thể an toàn tương đối cho trẻ.
“Tuy nhiên, cũng không nên vội vàng trong thời điểm này, nên để hết học kỳ 1 hãy cho trẻ đến trường, khi đó phụ huynh yên tâm hơn. Thời điểm này, các con cũng đã quen dần với việc học trực tuyến” - chị Hạnh nói thêm.
Rà soát cơ sở vật chất, nên tiêm vaccine cho học sinh
Là một trong những địa phương công bố kiểm soát dịch sớm, ông Đặng Nguyễn Thịnh, Trưởng phòng GD&ĐT quận 7, cho biết HS trên địa bàn sẽ tiếp tục học tập trực tuyến.
Ông Thịnh chia sẻ đến thời điểm này, các trường học được trưng dụng trong công tác phòng chống dịch đã cơ bản được trả lại. Phòng GD&ĐT sẽ chỉ đạo các trường tiến hành sửa chữa, đảm bảo về cơ sở vật chất để chuẩn bị cho việc đón các em trở lại trường.
“Đây mới chỉ là công tác chuẩn bị, còn quan điểm của lãnh đạo quận 7 an toàn là trên hết. An toàn mới mở cửa, kể cả ngành giáo dục, an toàn mới tổ chức cho HS học trực tiếp. Và triển khai học trực tiếp cũng phải đảm bảo an toàn. Việc phòng dịch cần được đặt lên hàng đầu” - ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, hiện nay, kế hoạch về công tác phòng chống dịch bệnh trong trường học để chuẩn bị đón HS trở lại đã được Phòng GD&ĐT xây dựng. Tuy nhiên, để có thể nói rõ thời điểm nào thích hợp thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Vấn đề an toàn được đặt lên hàng đầu, trong khi đó đối tượng HS chưa được tiêm ngừa vaccine. Vì thế, đối tượng này tạm coi yếu thế hơn. Cho nên việc mở cửa trường học phải phụ thuộc vào các chỉ đạo của Sở GD&ĐT.
Mặt khác, hiện bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong trường học vẫn chưa được ban hành. Khi có bộ tiêu chí, trường học sẽ có căn cứ đánh giá, đồng thời các đơn vi liên quan sẽ xuống kiểm tra để xem các trường có đạt yêu cầu hoạt động không? Dĩ nhiên, trong giai đoạn đầu nếu có mở cửa phải đảm bảo việc phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là quy tắc 5K như chia lớp, lệch ca, lệch giờ, học một buổi, không bán trú.
“Mặc dù huyện đã được công bố là vùng xanh nhưng đâu đó vẫn phát hiện F0, nguy cơ về dịch vẫn tiềm ẩn. Hơn nữa phải có chính sách về tiêm vaccine cho HS từ 12 đến 17 tuổi, ít nhất một mũi, mới tính đến việc tổ chức học tập trung” - ông Trần Văn Toản, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Củ Chi, bộc bạch.
Tính đến thời điểm này, số lượng trường học trên địa bàn phục vụ cho công tác phòng chống dịch vẫn còn. Có một số trường đã được trả lại nhưng cần được sát khuẩn và tiến hành sửa chữa mới có thể đáp ứng được việc giảng dạy. Bởi trong quá trình trưng dụng, trường học cũng bị xuống cấp.
Trong khi đó, theo ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD&ĐT quận 8, dự kiến đến ngày 15-10, các điểm trường được mượn để làm khu cách ly sẽ được UBND quận trả lại. Trong thời điểm này, phòng cũng đang chỉ đạo những nơi nào đủ điều kiện thì triển khai công trình sửa chữa hè để phục vụ cho việc đón HS. Dựa trên dự thảo bộ tiêu chí an toàn trường học, phòng đang chỉ đạo các trường rà soát, đa số các trường đều đảm bảo điều kiện hoạt động. “Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là HS cần phải được tiêm vaccine trước khi đến trường. Đó là nhiệm vụ quan trọng. Việc tổ chức học tập trung thích hợp nhất từ học kỳ 2, khi các trường đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng” - ông Dân nói thêm.
Khẩn trương rà soát cơ sở vật chất trường lớp Nhằm đảm bảo kịp thời điều kiện cơ sở vật chất để các cơ sở giáo dục trở lại hoạt động bình thường sau khi hết thời gian trưng dụng tạm thời vào công tác phòng chống dịch, Sở GD&ĐT đề nghị các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện rà soát hiện trạng cơ sở vật chất trường lớp và trang thiết bị phục vụ dạy học. Các đơn vị xây dựng dự toán, kế hoạch đầu tư báo cáo về sở để tổng hợp. TP.HCM dự kiến mở cửa trường học từ tháng 1-2022 Hiện TP.HCM có khoảng 1.500 trường học đang được trưng dụng, phục vụ cho công tác phòng chống dịch. Trong đó, khoảng 150 trường đã được trả lại để sửa chữa, khôi phục nguyên trạng. Số còn lại sẽ được bàn giao dần, dự kiến đến giữa tháng 11 sẽ hoàn tất. Ngành GD&ĐT cần một tháng để sửa chữa, vệ sinh, khắc phục, chuẩn bị cơ sở vật chất. Nếu được sự cho phép của UBND TP, dịch bệnh được kiểm soát và các trường thực hiện đúng bộ tiêu chí, dự kiến đầu tháng 1-2022 sẽ tổ chức học trực tiếp. Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM |