Theo báo cáo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội về tổng quan tình hình thị trường bất động sản Hà Nội quý III/2021, nguồn cung ở Hà Nội tiếp tục nằm ở mức thấp nhất so với các năm trước, trong đó chủ yếu là sản phẩm chung cư. Giá bất động sản nhìn chung không thay đổi so với quý trước; song giá đất nền tại một số dự án vẫn ở ngưỡng cao.
Cụ thể, trong quý III/2021, tổng sản phẩm chào bán trên toàn thị trường Hà Nội đạt 5.886 sản phẩm; trong đó chủ yếu là căn hộ với 5.141 sản phẩm. Lượng giao dịch đạt 1.745 sản phẩm; tỉ lệ hấp thụ trung bình đạt 29,6%.
Tính trung bình, mỗi ngày trong quý III chỉ có chưa đến 20 sản phẩm bất động sản được giao dịch.
Tổng cung thị trường bất động sản quý III/2021 không nhiều; chủ yếu từ các dự án đã được chấp thuận mở bán từ quý II/2021. Đây là quý ghi nhận lượng dự án tham gia thị trường thấp nhất từ trước đến nay.
Trong quý III/2021, chỉ có 2 dự án mới được cấp đủ điều kiện bán hàng. Ngoài ra, có một số dự án cũ còn hàng tồn, nhưng không thấy chủ đầu tư chào bán trong quý III/2021.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, nhìn chung quý III/2021, thị trường Hà Nội sau biến động sốt đất mạnh đầu quý II/2021 và dịch Covid-19 kéo dài nên thị trường yếu, ít giao dịch. Các chủ đầu tư vì vậy hạn chế chào bán để thăm dò thị trường. Về giá bán, cũng không có hiện tượng điều chỉnh giá hoặc có điều chỉnh nhưng không đáng kể. Các dự án thuộc phân khúc cao cấp đã có động thái giảm giá qua các chương trình khuyến mại, quà tặng...
Với phân khúc đất nền, giá đất tại các dự án ở Đông Anh, Gia Lâm chững lại và giữ như ở cuối quý I, quý II/2021, mặc dù giao dịch thấp. Giá đất ở một số khu vực có hiện tượng sốt đất như: Hòa Lạc, Sơn Tây, Hoài Đức... đã sụt giảm, thể hiện qua số lượng chào bán trên thị trường, nhưng cũng không xuất hiện giao dịch thực.
Tuy nhiên, giá đất nền tại một số dự án tại Hà Nội vẫn ở ngưỡng cao, nguyên nhân chủ yếu là khan hiếm dòng sản phẩm này, trong khi nhu cầu lại rất mạnh. Giá đất có những nơi tăng gấp hai lần. Giá đất tại các vùng ven đô, chuẩn bị lên quận đều bị đẩy lên tương đương 30-50 triệu đồng/m2.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, theo báo cáo của các chủ đầu tư, khi dự án đủ điều kiện để huy động vốn (bán nhà ở hình thành trong tương lai), trong năm đầu, lượng tồn kho thường rơi vào khoảng 30-50%. Tuy nhiên do dịch Covid-19 kéo dài, dẫn đến giao dịch bất động sản giảm mạnh nên lượng tồn kho bất động sản tăng lên. Thậm chí, nhiều chủ đầu tư còn không tung hàng ra bán, dù đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.
Hàng tồn chủ yếu nằm ở căn hộ có giá hơn 35 triệu đồng/m2, nhà đất có giá hơn 100 triệu đồng/m2. Một số dự án có tỉ lệ tồn kho cao như: Dự án đầu tư xây dựng nhà ở đối với các ô đất thuộc dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất phía Đông Nam thôn Cô Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, tỷ lệ tồn kho là 78,1%; dự án Công trình hỗn hợp thương mại, văn phòng và nhà ở bán tại số 2224 phố Hàng Bài và 25-27 phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, tỷ lệ tồn kho 100%; dự án Tổ hợp nhà ở để bán, văn phòng cho thuê và căn hộ du lịch tại số 1152-1154 đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, tỷ lệ tồn kho 100%...
Sở Xây dựng đánh giá: Sức khỏe của thị trường bất động sản Hà Nội bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khi lực cầu tiêu dùng có chút suy yếu song lực đầu tư vẫn duy trì mạnh, ghi nhận số lượng giao dịch ấn tượng với tỉ lệ hấp thụ đạt gần 30%.
Trong quý, nguồn cung tiếp tục nằm ở mức thấp nhất so với cùng kỳ các năm trước, trong đó dòng sản phẩm căn hộ vẫn là chủ đạo. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là căn hộ trung và cao cấp. Căn hộ bình dân, giá thấp ngày càng chiếm tỉ trọng thấp. Lực cầu về nhà đất tăng mạnh, tuy nhiên, căn hộ chỉ hấp thụ tốt ở những dự án giá bình dân và rất chậm ở phân khúc cao cấp. Kể cả những dự án được đánh giá là chất lượng tốt cũng có tỉ lệ hấp thụ không cao.