Trong hơn nửa thế kỷ gần đây, nơi từng là vùng lạc hậu đổ nát đã biến thành khung trời tráng lệ với những tòa tháp văn phòng. Khung cảnh thường xuất hiện trong những bộ phim hành động của Hollywood và những bộ phim bom tấn khác. Nó cũng đóng vai trò trung tâm tài chính quản lý tài sản trị giá 3,5 nghìn tỷ USD, tính đến năm 2020.
Nhưng mô hình làm việc lấy văn phòng làm nền tảng đang bị đe dọa. Ngay cả trước khi các hạn chế Covid-19 được áp dụng ngày 27/9, Singapore đã thực hiện cách tiếp cận thận trọng để mở cửa trở lại.
Mặc dù là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, hoạt động văn phòng của thành phố diễn ra rất chậm. Hoạt động văn phòng đã giảm 25% vào tuần cuối tháng 9 so với mức trước đại dịch, nhiều hơn so với 7% của trung tâm tài chính châu Á – Hồng Kông.
Biến khu vực văn phòng tẻ nhạt thành môi trường sống động hơn
Việc biến khu thương mại trung tâm Singapore thành một nơi hấp dẫn để sinh sống và làm việc đã nằm trong chương trình nghị sự của các nhà quy hoạch thành phố. Nhu cầu đó chỉ trở nên cấp thiết hơn kể từ sau đại dịch, cũng như nhu cầu về nhà ở để phục vụ dân số ngày càng tăng.
Các kế hoạch thu hút cư dân và doanh nghiệp mới đến khu vực này bao gồm việc bổ sung thêm nhiều tiện nghi như siêu thị và quán cà phê, đồng thời khuyến khích các nhà hàng và quán bar trở nên sôi động hơn.
Tiền đầu tư vào Singapore đặc biệt cao. Thành công kinh tế của nước này phụ thuộc vào việc duy trì sự hấp dẫn của khu thương mại, hiện trị giá hơn 50 tỷ USD, đối với các công ty hàng đầu ở nước ngoài.
Khi nói đến các điểm vui chơi giải trí sau giờ làm việc, Singapore đang bắt kịp với các thành phố khác trên toàn thế giới. Ở London, nhân viên văn phòng có thể mua sắm và ăn uống tại phố chợ Leandenhall. Trong khí đó, những "cú đêm" ở trung tâm tài chính Hồng Kông có thể đến quán bar và club mà không cần đi xa. Trên Phố Wall của New York, nhân viên văn phòng cũng như du khách đều có thể đi dạo đến cảng biển gần đó để thưởng thức nhạc sống hoặc cảnh hoàng hôn ở Công viên Battery.
Tại Singapore, những thay đổi đang được thực hiện. Năm 2019, chính phủ Singapore giới thiệu kế hoạch khuyến khích các chủ sở hữu tòa nhà chuyển đổi văn phòng cũ thành các công trình hỗn hợp với khách sạn, nhà ở và các tiện nghi cuộc sống.
Các nhà chức trách cũng đang kêu gọi các chủ đầu tư xây dựng không gian công cộng trong các tòa nhà văn phòng. Ví dụ như Cube@Asia Square, một phòng chờ lớn với dãy quán bar phục vụ phần lớn cho banker và giới công nghệ, nằm giữa hai tòa nhà có các công ty như Citigroup và Amazon.
Các kế hoạch đưa thành phố vào cuộc sống cũng bao gồm nhiều đường dành cho người đi xe đạp hơn và khu vực dành cho người đi bộ.
Singapore đang thu hút những gã khổng lồ công nghệ đến khu vực này. Chủ sở hữu của TikTok - ByteDance - gần đây đã mở một văn phòng mới khổng lồ ở trung tâm thành phố và Alibaba Group Holding đang xây dựng cơ sở mới trên Shenton Way, một phần cũ của khu thương mại đang cần được trẻ hóa.
Chính phủ cũng muốn đưa nhà ở công cộng, những căn hộ giá rẻ với hơn 80% dân số thành phố, đến khu tài chính. Trong một bài viết cho Straits Times vào tháng 6, Bộ trưởng thứ 2 về Phát triển Quốc gia Indranee Rajah đã viết rằng ngôi nhà ở những vị trí đắc địa không nên "chỉ dành cho những người giàu có".
Mô hình nhà ở công cộng của Singapore sẽ cần điều chỉnh để hoạt động trong một khu vực đắt đỏ như vậy. Các nhà chức trách hiện đang nghiên cứu các kế hoạch và tham khảo ý kiến của công chúng.
Christine Sun, phó chủ tịch cấp cao của bộ phận nghiên cứu và phân tích tại công ty bất động sản OrangeTee & Tie có trụ sở tại Singapore, cho biết rằng những ngôi nhà ở trung tâm thành phố sẽ hấp dẫn, đặc biệt đối với những người Singapore trẻ tuổi. Trường học, sân chơi ngoài trời và các quán ăn rẻ hơn cũng sẽ cần thiết để đáp ứng nhu cầu nhân khẩu học đó, bà nói thêm.
Tăng trưởng nhanh
Sự phát triển nhanh chóng của Singapore nhờ vào sự ổn định chính trị từ khi độc lập năm 1965. Quy hoạch tương lai đã đặt nền móng cho các dự án khổng lồ như Vịnh Marina, nơi có khách sạn Marina Bay Sands mang tính biểu tượng, được phát triển trong hơn 4 thập kỷ trước khi khai trương vào năm 2010.
Tuy nhiên, môi trường hậu đại dịch sẽ đòi hỏi các giải pháp sáng tạo, đây có thể là một thách thức trong một hệ thống chính trị một đảng cầm quyền. Ông Henry Chin, Trưởng bộ phận nghiên cứu và tư tưởng lãnh đạo của Tập đoàn CBRE tại Châu Á - Thái Bình Dương cho biết: "Chế độ quy hoạch của Singapore từng rất cứng nhắc, đôi khi quá cứng nhắc. Nhưng bạn thấy đó, hướng đi đang thay đổi".
Ông Chin nói, chính quyền thành phố có thể học hỏi từ Canary Wharf. Khu tài chính thứ hai của London đang bổ sung các căn hộ hạng sang để tăng dân số thường trú và tạo ra nhiều cộng đồng hơn.
Đó cũng là quan điểm được Ada Choi, trưởng bộ phận nghiên cứu về cư trú, tình báo dữ liệu và quản lý khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của CBRE, nhắc lại. Bà nói: "Nếu bạn muốn mọi người quay trở lại văn phòng, thì đó không còn đơn thuần là chỉ vì công việc. Bạn cần cửa hàng bán lẻ, thực phẩm, sinh hoạt, niềm vui".
Theo CNA