Sự giảm tốc trên thị trường việc làm đang làm dấy lên những lo ngại về triển vọng của kinh tế Mỹ và có thể ảnh hưởng tới kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Mức tăng trưởng việc làm mới khá yếu được coi là một kết quả bất ngờ, bởi giới chuyên gia từng kỳ vọng tháng 9 sẽ là giai đoạn bùng nổ của thị trường lao động, khi các chương trình trợ cấp thất nghiệp chấm dứt, trường học mở cửa trở lại và tỷ lệ tiêm vaccine tăng cao sẽ thúc đẩy người lao động tìm kiếm việc làm.
"Chúng tôi đã kỳ vọng về mức tăng gần 500.000 việc làm mới, bởi một số vấn đề gây khó khăn cho thị trường lao động trong thời gian qua bắt đầu được giải quyết. Tuy nhiên, có vẻ như chúng vẫn chưa hoàn toàn biến mất", ông Dante Deantonio - chuyên gia kinh tế cao cấp tại Moody's Analytics cho hay.
Trước những lo ngại về triển vọng của nền kinh tế, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ ra một số tín hiệu tích cực từ các số liệu mới như tỷ lệ thất nghiệp đã giảm mạnh xuống mức 4,8%, kết quả tốt nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Tiền lương cho người lao động Mỹ cũng tăng đáng kể, khi các doanh nghiệp cố gắng thu hút nhân viên mới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: "Việc làm mới tăng, tiền lương tăng và tỷ lệ thất nghiệp giảm - đó là sự tiến bộ. Hãy nhớ rằng báo cáo mới dựa trên khảo sát được thực hiện từ hôm 13/9, khi số ca nhiễm COVID-19 mới đạt 150.000 trường hợp mỗi ngày. Kể từ đó tới nay, số ca nhiễm đã liên tục giảm".
Sự giảm tốc trên thị trường việc làm đang làm dấy lên những lo ngại về triển vọng của kinh tế Mỹ. (Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, tỷ lệ thất nghiệp giảm một phần là bởi nhiều người dân đã quyết định rời khỏi lực lượng lao động và do đó không bị tính vào số người thất nghiệp. Điều này đòi hỏi Chính phủ và doanh nghiệp Mỹ cần nỗ lực hơn nữa để khuyến khích người dân quay trở lại làm việc.
Ông Dante Deantonio nói: "Sự tham gia của người dân vào lực lượng lao động vẫn còn khá yếu, khiến quy mô thực tế của lực lượng lao động đã sụt giảm trong tháng 8 và tháng 9. Với việc dịch bệnh dần được kiềm chế, chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều người quay trở lại làm việc hơn và tình hình tuyển dụng sẽ được cải thiện".
Trong khi đó, mức lương tăng sẽ gây áp lực lạm phát buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn là bắt đầu rút các biện pháp hỗ trợ kinh tế, bao gồm chương trình mua trái phiếu và mức lãi suất thấp, ngay cả khi thị trường việc làm chưa phục hồi hoàn toàn.
"Chúng ta đã kỳ vọng về 500.000 việc làm mới nhưng rốt cuộc chỉ đạt được chưa đầy 200.000. Điều này có thể khiến nhiều người lo ngại FED sẽ trì hoãn việc giảm chương trình mua trái phiếu, nhưng tôi không nghĩ vậy bởi vì còn một yếu tố khác phải quan tâm là lạm phát. Đó là một nguy cơ đang thực sự hiện hữu", ông Peter Cardillo - chuyên gia kinh tế công ty chứng khoán Spartan Capital nói.
Trước đó, giới chức FED đã phát đi tín hiệu về việc giảm bớt chương trình mua trái phiếu trong tháng 11, chủ yếu do lạm phát đã tăng mạnh. Đợt tăng lãi suất đầu tiên được dự báo có thể diễn ra vào cuối năm sau, tuy nhiên tình hình thực tế sẽ còn phụ thuộc nhiều vào tiến độ phục hồi của thị trường lao động.
VTV.vn - Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ vẫn ở mức cao. Điều này cho thấy tiến trình phục hồi của thị trường lao động chậm chạp và có thể sẽ kéo dài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.71504824111011202-cot-maig-ym-mal-ceiv-gnourt-iht/et-hnik/nv.vtv