Giá lợn hơi đã liên tục “trượt dốc”, nhưng sức mua rất kém. Hiện tại, có 8 triệu con lợn đang kẹt lại trong chuồng, người chăn nuôi tiếp tục lỗ thê thảm.
Giá lợn tiếp tục “tuột dốc không phanh”
Với khoảng 6.000 con lợn thương phẩm được gia công nuôi rải rác trên địa bàn tỉnh Bến Tre, trung bình mỗi tháng xuất bán và vào chuồng luân phiên khoảng 1.500 - 2.000 con lợn, ông Nguyễn Văn Hùng (trú tại Mỏ Cày Nam, Bến Tre) dù đã có 26 năm kinh nghiệm trong ngành chăn nuôi cũng không thoát khỏi cảnh thua lỗ từ 3 tháng nay khi giá lợn hơi liên tục "lao dốc".
“Mấy tháng đầu giá heo (lợn - PV) ở mức trên 50.000 đồng/kg tôi chỉ lỗ khoảng 1 - 1,2 triệu đồng/con. Nhưng từ hơn 1 tháng nay, giá heo tụt xuống 45.000 đồng, rồi nay heo đẹp giá cũng chỉ còn 37.000 - 39.000 đồng/kg, thì mức lỗ đã đến 2 - 2,5 triệu đồng/con” - ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ với PV Lao Động vào trưa 11.10.
Cũng trong cảnh thua lỗ, mặc dù có con nái cung cấp giống, nhưng ông Nguyễn Hanh (xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cũng đang phải xuất lợn khỏi chuồng với mức lỗ khoảng 1,5 - 1,7 triệu đồng/con, khi ở miền Bắc đang là khu vực có giá lợn hơi thấp nhất cả nước.
Đang là trạm trưởng một trại chăn nuôi lợn tại Đông Nam Bộ với quy mô 22.000 con lợn, ông Nguyễn Mạnh Huân cũng đang “muốn nổ tung đầu” khi hơn 50% tổng đàn lợn đã đến lứa để xuất chuồng nhưng sức mua vẫn bị “đóng băng”.
“Ở giai đoạn cuối, mỗi ngày trọng lượng heo tăng 800gr đến 1kg. Heo đẹp, trọng lượng khoảng 115kg thì giá còn được 40.000 đồng/kg, nhưng heo xấu giá 32.000 đồng thương lái không mua. Đặt biệt, heo mà có trọng lượng lớn, xấu... thì gọi thương lái không nghe máy luôn” - ông Nguyễn Mạnh Huân nói giọng như mếu.
Đồng thời ông Huân chia sẻ: “Trung bình mỗi tháng, 22.000 con heo của tôi ăn hết 15 tỉ đồng tiền thức ăn. Trong khi đó, cứ mỗi con xuất chuồng sẽ lỗ 1 triệu đồng. Tôi xuất đàn heo 10 con, lỗ đúng 10 triệu đồng. Nếu heo kẹt lại trong chuồng, ngoài tổng mức lỗ khi bán nói trên, mỗi ngày còn lỗ thêm 20.000 đồng/con. Chỉ 20.000 đồng/con/ngày, nhưng mỗi con đã lỗ tới 600.000 đồng/tháng rồi”.
Không chỉ riêng lợn thương phẩm, những người đang nuôi lợn nái cũng đang như “ngồi trên đống lửa”, bởi giá lợn con cũng “lao dốc". Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Văn Tuấn - một “cao nhân” chăn nuôi heo tại khu vực Đông Nam Bộ - cho biết: Giá lợn con “xách tay”, hay còn gọi là lợn “cắp nách” 6kg/con giờ chỉ còn 500.000-600.000 đồng/con, trong khi trước đó có giá 1,5 - 2 triệu đồng.
“Cứ mỗi con heo con bán ra người nuôi lỗ 1 triệu đồng. Mỗi nái sinh 2 lứa/năm, mỗi lứa 10 con, bán đi sẽ lỗ 10 triệu đồng/lứa. Nếu với giá hiện nay, mỗi nái sẽ khiến thua lỗ 20 triệu đồng/năm” - ông Nguyễn Văn Tuấn khẳng định.
Thương nhân bất bình khi giá lợn hơi bị bỏ mặc cho “rơi tự do”
Ông Lê Thanh Phương - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Emivest Việt Nam - cho hay, tất cả sản phẩm của ngành chăn nuôi đang lỗ, không có bất kỳ sản phẩm nào cho lãi.
Trong khi đó, số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cũng cho biết, lượng lợn quá lứa chưa thể xuất bán hiện nay còn khoảng 8 triệu con, tương đương 30% tổng sản lượng. Trong khi đó, tính hết tháng 9.2021, đàn lợn đã tăng tăng 5% so cùng kỳ, đạt 28 triệu con, gần tương đương với số lượng lợn trước khi dịch tả lợn Châu Phi xảy ra.
Điều đáng nói là, hiện nay, các thương nhân đang rất bất bình, bởi giá lợn hơi hiện “rơi tự do” nhưng Bộ NNPTNT không hề có bất kỳ động thái tác động nào.
“Ngược hoàn toàn với 2 năm trước, khi giá heo hơi tăng lên 94.000 đồng/kg, người nuôi có lãi thì Bộ NNPTNT vận động doanh nghiệp giảm giá và hô hào tái đàn. Nay đàn lợn tăng, giá giảm, người chăn nuôi thua lỗ thì tại sao Bộ NNPTNT không có động thái để giá heo tăng lên?” - ông Nguyễn Văn Tuấn bất bình nêu câu hỏi.
Ông Nguyễn Văn Hùng cũng khẳng định, chính động thái để doanh nghiệp ồ ạt nhập thịt lợn đông lạnh về càng khiến nguồn cung dư thừa, giá lợn hơi lao dốc và chỉ có nông dân là thua thiệt.