Việc các quốc gia trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) thông qua thỏa thuận cải cách thuế toàn cầu theo đó mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% bắt đầu thực hiện từ năm 2023 được cho là giải pháp tối ưu để chống thất thu thuế.
Giúp các nước giàu tránh thất thu thuế
Có thể thấy thỏa thuận cải cách thuế toàn cầu được thúc đẩy chính từ những nước phát triển, nhằm ngăn chặn dòng tiền lợi nhuận từ các tập đoàn lớn của các quốc gia này đặc biệt là các “ông lớn” công nghệ (big tech) tìm đến các “thiên đường thuế” nơi có mức thuế suất doanh nghiệp thấp.
Khi thỏa thuận cải cách thuế này chưa được thông qua, Mỹ được cho là thất thoát thuế khoảng 50 tỉ USD mỗi năm, tập trung vào các “ông lớn” công nghệ của nước này vốn không bao giờ đưa hết doanh thu và lợi nhuận về quốc gia có trụ sở chính.
Còn khi thỏa thuận có hiệu lực, Mỹ cũng sẽ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất; tiếp đến là nhiều quốc gia Châu Âu và một số nước Châu Á.
Thỏa thuận cải cách thuế toàn cầu gồm 2 trụ cột. Trụ cột 1 nhằm điều phối, phân bổ lại một phần lợi nhuận từ các công ty đa quốc gia cho các khu vực pháp lý mà những công ty này có kinh doanh và phát sinh lợi nhuận nhưng không đặt trụ sở, chi nhánh.
Trụ cột 2 áp mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% tại các quốc gia trong thỏa thuận, dự kiến sẽ “vớt” lại được khoảng 150 tỉ USD tiền thuế mỗi năm.
Trên thực tế, mức thuế tối thiểu 15% thấp hơn rất nhiều mức thuế suất bình quân của đa phần các quốc gia trong OECD. Chính vì thế, thỏa thuận này nhằm mục đích hạn chế dòng tiền của các tập đoàn lớn trên thế giới (khoảng 100 tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới) chảy đến những “thiên đường thuế” có mức thuế suất quá thấp.
Thay vào đó, dòng tiền được kỳ vọng kéo trở lại phần nào về các quốc gia mà các tập đoàn, công ty lớn có trụ sở chính. Chính vì thế, quốc gia nào càng có nhiều tập đoàn, công ty lớn càng “háo hức” với việc thông qua thỏa thuận.
Việt Nam có được hưởng lợi?
Theo thỏa thuận cải cách thuế tòa cầu, trụ cột thứ 1 quy định đối với các công ty đa quốc gia có doanh thu trên 20 tỉ EUR/năm và lợi nhuận trên 10%/năm sẽ chịu chi phối bởi quy định mới.
Theo đó, 25% khoản lợi nhuận trên ngưỡng 10% sẽ được phân bổ lại cho các khu vực pháp lý khác nhau, bao gồm các quốc gia, thị trường mà những công ty đa quốc gia có kinh doanh và phát sinh doanh thu cùng lợi nhuận nhưng không đặt trụ sở hay chi nhánh. Khoản lợi nhuận này được cho là khoảng 125 tỉ USD mỗi năm tính trên 100 tập đoàn, công ty hàng đầu toàn cầu.
Hiện chưa có thông tin cụ thể hơn về việc áp dụng trụ cột 1 chỉ trong phạm vi các quốc gia thành viên OECD hay mở rộng ra cả những quốc gia, thị trường có quan hệ hợp tác với OECD. Việt Nam chưa phải là thành viên chính thức của OECD, nhưng từ nhiều năm qua đã có quan hệ hợp tác chặt chẽ với tổ chức này.
Tuy nhiên cho dù Việt nam có được hưởng lợi từ thỏa thuận cải cách thuế toàn cầu của OECD hay không, thì việc thu thuế đối với các dịch vụ xuyên biên giới vẫn là bài toán cần phải giải quyết.
Việc thu thuế các dịch vụ xuyên biên giới đối với những tập đoàn đa quốc gia không có văn phòng đại diện hay pháp nhân công ty tại Việt Nam (tương tự trường hợp trụ cột 1) như Google, Facebook, Netflix... lâu nay là vấn đề nan giải và được dư luận rất quan tâm. Thất thu thuế từ những dịch vụ này là rất lớn. Thỏa thuận cải cách thuế toàn cầu của OECD đã chạm tới thực trạng này song chưa đưa ra giải quyết giải quyết toàn diện.